Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa quyết định giao Ban Quản lý dự án 7 tổ chức lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP.HCM - Trung Lương.
Bộ trưởng yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu giai đoạn 1 của dự án, các kết quả nghiên cứu trước đây, đồng thời tận dụng tối đa dữ liệu đã có trong quá trình nghiên cứu.
Cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: PLO.VN |
Cao tốc TP.HCM – Trung Lương dài khoảng 61,9 km, đã đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ tháng 2-2010, với bốn làn xe cao tốc và hai làn dừng xe khẩn cấp.
Do nhu cầu giao thông tăng cao, lượng xe lưu thông lớn, năm 2022, Bộ GTVT thống nhất về sự cần thiết nghiên cứu mở rộng dự án và giao TP.HCM phối hợp nghiên cứu quy mô, hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư…
Qua nghiên cứu, TP nhận thấy tuyến cao tốc này đi qua ba địa phương là TP.HCM, Long An, Tiền Giang. Giai đoạn 1 đã được Bộ GTVT thực hiện đầu tư bằng ngân sách và hiện nay đang tổ chức quản lý, khai thác. Do đó, TP đề xuất, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT làm cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện đầu tư mở rộng cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt, cao tốc TP.HCM – Trung Lương có quy mô 6-8 làn xe, được dự kiến đầu tư trước năm 2030.