ĐHĐCĐ Eximbank: Mục tiêu lợi nhuận 5.000 tỷ đồng, quý I đạt 900 tỷ đồng
Sáng ngày 14/4, Ngân hàng Eximbank (mã EIB) tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay, với mục tiêu lãi trước 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 34%.
Trả lời cổ đông tại đại hội sáng nay, Tổng giám đốc Eximbank ông Trần Tấn Lộc cho biết, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt trên 900 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Vì thế, theo Eximbank, ngân hàng có cơ sở đặt kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2032 tăng gần 35% so với năm trước. Ông Trần Tấn Lộc cho rằng, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng được đưa ra đã tính toán kỹ, cũng đã dự đoán tình hình kinh tế khó khăn, và đã có phương án thực hiện tối thiểu lợi nhuận trên.
Còn bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng cho hay, trong nhiệm ký VII, Eximbank đã tái cấu trúc mạnh mẽ, năm 2023 sẽ đi sâu vào xử lý nhân sự, quy trình, nâng cao hình ảnh và vị thế của Eximbank, tái cơ cấu toàn bộ các mảng và Ngân hàng tự tin hoàn thành kế hoạch trong năm 2023 và quý 1 đi đúng lộ trình.
Cổ đông Eximbank cũng dần lấy lại niềm tin với bộ máy nhân sự cấp cao của Ngân hàng này sau một thời gian dài cấp "thượng tầng" của Eximbank liên tục thay đổi.
Một cổ đông của Eximbank cho rằng, Eximbank đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận 2.500 tỷ đồng khi ngân hàng đạt khoảng 3.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và kỳ vọng vào kết quả đạt được trong năm nay.
Trước đó, về kết quả kinh doanh năm 2022, Eximbank đã vượt nhiều chỉ tiêu đề ra với tổng tài sản đạt 185.056 tỷ đồng, tăng hơn 11,6% so với thực hiện của năm 2021 và vượt 3% chỉ tiêu kinh doanh. Huy động vốn đạt 148.615 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế công ty đạt 3.709 tỷ đồng, vượt 48% chỉ tiêu đề ra và tăng 207,7% so với thực hiện năm 2021. Với kết quả này, lợi nhuận của Eximbank năm 2022 gấp ba lần so với đạt được của năm 2021.
Eximbank cho biết, năm 2022 ngân hàng đã giảm mạnh danh mục đầu tư trái phiếu, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho vay phục vụ tiêu dùng thiết yếu, sản xuất kinh doanh đã giúp cho ngân hàng tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần an toàn thanh khoản, hạn chế được rủi ro đánh giá lại tài sản đầu tư khi lãi suất tăng nhanh.
Cơ cấu danh mục cho vay tập trung tăng trưởng vào phân khúc khách hàng SME, cá nhân, cho vay nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Kiểm soát chặt chẽ danh mục cho vay theo định hướng giảm dần hạn mức các khoản vay không có tài sản bảo đảm, giảm tỷ trọng nhóm rủi ro cao.
Trên cơ sở đánh giá phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, Eximbank đã lên kế hoạch năm 2023 với các chỉ tiêu và giải pháp để đạt được mục tiêu đề ra. Trong đó, trọng tâm là các giải pháp về nền tảng khách hàng, sản phẩm và giá, quản trị rủi ro, công nghệ vận hành, tổ chức nhân sự, marketing và thương hiệu.
Với nền tảng khách hàng, Eximbank tiếp tục đặt trọng tâm và duy trì phát triển nền tảng khách hàng truyền thống, tìm kiếm khách hàng mới, gia tăng mức độ sử dụng sản phẩm dịch vụ và giá trị sử dụng sản phẩm trên một khách hàng, đẩy mạnh bán chéo.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Eximbank năm 2022 là 3.709 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của năm 2022 là 2.304 tỷ đồng. Sau khi hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 thì vốn điều lệ của Eximbank là 14.814 tỷ đồng. Do vậy, Eximbank cần tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Eximbank dự kiến phát hành gần 265,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận tối đa 18 cổ phiếu mới). Vốn điều lệ dự kiến sau khi phát hành sẽ tăng từ 14.814 tỷ đồng lên 17.470 tỷ đồng.
Lợi nhuận chưa phân phối còn lại sau khi chia cổ tức hơn 125 tỷ đồng, được giữ lại để củng cố và nâng cao năng lực tài chính Ngân hàng. Thời gian thực hiện trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, Eximbank cho biết, sẽ bán toàn bộ 6,09 triệu cổ phiếu quỹ. Hiện số lượng cổ phiếu quỹ của Eximbank là 6,09 triệu ccổ phiếu, các cổ phiếu này đã được mua từ năm 2014 và được nắm giữ đến thời điểm hiện tại. Căn cứ theo quy định này, đối với số cổ phiếu quỹ đã mua trước đây, Eximbank được quyền quyết định chọn một trong hai phương án xử lý là bán cổ phiếu quỹ hoặc dùng cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu thưởng.
Eximbank vừa mới phát hành xong cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Đồng thời, trong thời gian tới, Eximbank cũng đang có kế hoạch tăng vốn điều lệ, do đó việc chọn phương án xử lý bán cổ phiếu quỹ là phù hợp. Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua phương án xử lý bán toàn bộ cổ phiếu quỹ mà Eximbank đang sở hữu. Đồng thời, giao và ủy quyền cho HĐQT thực hiện các thủ tục theo quy định Nhà nước.
ĐHĐCĐ ACB: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế hơn 20.000 tỷ đồng, chia cổ tức 25%
Sáng ngày 13/4, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) tiến hành đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua các chỉ tiêu kinh doanh 2023.
Năm 2023, ACB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 20,058 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng dự chi cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 25% bằng tiền mặt và cổ phiếu.
Cụ thể, về kế hoạch kinh doanh, ACB đề ra mục đến cuối năm 2023 đạt 668.788 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 10% so với đầu năm. Tiền gửi mục tiêu đạt 495.411 tỷ đồng (bao gồm giấy tờ có giá) và dư nợ cho vay đạt 453.836 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,1% và 9,7%. Mức tăng hạn mức tín dụng thực tế sẽ được điều chỉnh khi được NHNN cấp bổ sung). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Về phân phối lợi nhuận, HĐQT trình ĐHĐCĐ thông qua việc chia cổ tức năm 2022 tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Cụ thể, ACB dự kiến phát hành hơn 5 triệu cổ phiếu để chia cổ tức 2022 với tỷ lệ 15%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia (theo kết quả kiểm toán tại thời điểm 31/12/2022).
Người sở hữu quyền nhận cổ phiếu sẽ không được phép chuyển nhượng quyền này. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ được tự do chuyển nhượng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2023. Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng.
Dựa trên kế hoạch kinh doanh năm 2023, ACB dự trình chia cổ tức 2023 với tỷ lệ 25% (15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt).
Kết thúc năm 2022 với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 17.100 tỷ đồng, đạt 114% kế hoạch năm. Đến cuối năm 2022, tín dụng đạt 413.700 tỷ đồng, tăng 14,3% và huy động đạt 414.000 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2021. ACB tiếp tục là ngân hàng có tỷ suất sinh lời ROE đứng đầu thị trường với mức 26,5%.
Cùng với tăng trưởng bền vững về lợi nhuận, ACB tiếp tục khẳng định thế mạnh ở chất lượng tài sản vượt trội khi tỷ lệ nợ xấu chỉ 0,74% - thuộc nhóm thấp nhất ngành ngân hàng. Đặc biệt ACB đã duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp dưới 1% liên tục trong suốt 7 năm qua, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục duy trì ở mức cao, trên 155%.
ACB cũng là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường có danh mục đầu tư trái phiếu rất an toàn, chỉ bao gồm trái phiếu chính phủ và trái phiếu các tổ chức tín dụng khác, không có trái phiếu doanh nghiệp.ACB còn được đánh giá là ngân hàng có mô hình quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế hàng đầu khi hoàn thành BASEL III và ILAAP vào năm 2022.
Cũng theo ACB, trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều biến động về thanh khoản, lãi suất trong năm qua, ACB vẫn kết thúc năm với tất cả các chỉ số an toàn thanh khoản rất tốt. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt 78%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ ở mức 20%. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn và tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 riêng lẻ của ACB đạt 12,2% và 12,8%, vượt xa yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN, dự trữ đủ đệm vốn an toàn cho tình hình hoạt động bình thường và cả khi thị trường căng thẳng.
Năm 2022, ACB cũng đã chào đón thêm hơn 1 triệu khách hàng mới. Bước sang năm 2023, ACB tiếp tục tăng tốc số hóa nhằm mang đến hành trình trải nghiệm xuất sắc cho khách hàng song song với chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.
Ngoài việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, nhà băng này cũng đặc biệt coi trọng yếu tố con người, đại diện ACB, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc cho biết, Ngân hàng đang thay đổi mạnh mẽ tư duy và văn hóa nội bộ theo hướng chuyển đổi số, từ đó cùng nhau làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm mang lại thành công cho khách hàng.
Chủ tịch SHB: Trái phiếu doanh nghiệp tại SHB an toàn, chậm nhất năm sau có “rể ngoại” trung hạn
Tại ĐHĐCĐ thường niên SHB diễn ra chiều 11/4, nhiều cổ đông đề nghị chia cổ tức tiền mặt, chất vấn HĐQT về dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, về việc bán vốn cho cổ đông chiến lược nước ngoài.
Trả lời cổ đông về khoản mục “chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn” trong báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB, tính đến cuối năm 2022, SHB đang nắm giữ 19.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, chiếm 60% lượng chứng khoán nắm giữ đến ngày đáo hạn. Ngoài ra, ngân hàng còn nắm giữ hơn 13.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
Trong danh mục trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng nắm giữ, có 60% là trái phiếu thuộc mảng năng lượng tái tạo có kỳ hạn 3 - 5 năm, 40% còn lại là trái phiếu bất động sản, liên quan đến một số Dự án đầu tư khu công nghiệp và nhà ở. Các dự án đều có thanh khoản tốt. Hiện các doanh nghiệp phát hành đang thanh toán gốc và lãi đầy đủ cho các trái chủ, trong đó có SHB.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định thêm, tất cả các trái phiếu doanh nghiệp mà SHB nắm giữ đều có tài sản đảm bảo và hồ sơ pháp lý đầy đủ. “Nếu nói về trái phiếu doanh nghiệp thì cả người SHB và cổ đông SHB đều rất yên tâm”, Chủ tịch SHB khẳng định.
Liên quan đến việc tìm kiếm đối tác nước ngoài để tăng thêm năng lực tài chính, Chủ tịch SHB cho biết, trước đây, SHB chủ trương tìm các đối tác dài hạn, có năng lực tài chính tốt, đầu tư lâu dài, không chỉ đầu tư vốn mà còn tham gia quản trị, điều hành cùng SHB.
Tuy nhiên, qua thực tế tiếp xúc với khách hàng, hầu hết khách hàng đều muốn đầu tư trung hạn 3 - 5 năm, do đó, SHB đang thay đổi chiến lược tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài.
“Thực tế, SHB đã tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều đối tác trên thế giới, song họ chỉ dừng lại ở việc đầu tư ngắn và trung hạn, chủ yếu là đầu tư tài chính. Thời gian gần đây, một số định chế tài chính lớn có ý định mua cổ phần SHB với thời gian đầu tư trong vòng 3 - 5 năm. Dự kiến, cuối năm nay hoặc đầu năm sau, chúng ta sẽ có những "chàng rể" về trung hạn”, ông Đỗ Quang Hiển cho biết.
Năm 2023, SHB dự định chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu. Nhiều cổ đông đề nghị chia một phần cổ tức bằng tiền mặt. Trước đề nghị này của cổ đông, lãnh đạo SHB cho rằng, mức cổ tức 15% là dự kiến trước những khó khăn trong năm 2023. Nếu doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng tốt hơn, SHB sẽ chia cổ tức bằng cao hơn. Việc chia cố tức bằng cổ phiếu là nhằm tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính. SHB sẽ cân nhắc vấn đề cổ tức tiền mặt trong các năm sau.
Trước sự sốt ruột của một số cổ đông vì giá cổ phiếu, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển cho rằng, cổ đông là người chủ của ngân hàng thì nên quan tâm ngân hàng làm ăn thế nào và sức khỏe thế nào, chứ không chỉ nhìn vào giá trị vốn hóa.
“Trước khi quan tâm đến vốn hóa thì cần quan tâm đến cái ruột là sức khỏe tài chính doanh nghiệp có tốt, có khỏe không”, ông Hiển nói.
Về kết quả kinh doanh quý I/2023, bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB cho biết, đến hết quý I/2023, tín dụng SHB tăng trưởng hơn 6% trong khi hạn mức tín dụng của cả năm là 7,9%, tăng trưởng tín dụng của SHB đạt khoảng 6%, lợi nhuận ước đạt 3.600 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.
Được biết, room tín dụng SHB được Ngân hàng Nhà nước cấp đầu năm là 7,9%.
Tân Chủ tịch MB: Trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm và nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu
Nợ xấu tăng, dẫn đầu hệ thống về nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và doanh thu bảo hiểm, nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém… sẽ là những chất vấn chờ đợi tân Chủ tịch HĐQT MB tại ĐHĐCĐ sắp tới.
Ông Lưu Trung Thái, tân Chủ tịch HĐQT MB |
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - Mã: MBB) vừa công bố quyết nghị của HĐQT về nhân sự cấp cao.
Theo đó, HĐQT thông qua việc Chủ tịch HĐQT MB Lê Hữu Đức xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, HĐQT bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Dự kiến ngày 25/4 tới, MB tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Nhiều vấn đề đang chờ đợi tân Chủ tịch Lưu Trung Thái trong ĐHĐCĐ thường niên sắp tới. Trong tài liệu gửi cổ đông trước thềm đại hội, năm nay, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 26.100 tỷ đồng, tăng 15% và đứng ở mức cao nhất trong số các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.
Năm 2023, ngân hàng cũng sẽ thực hiện nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại theo các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua năm 2022 và các giao dịch hợp tác, hỗ trợ với ngân hàng thương mại đó để chuẩn bị cho việc MB nhận chuyển giao bắt buộc.
Chiến lược tăng trưởng giai đoạn tới cũng như kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém sẽ là thách thức đặt ra với tân Chủ tịch HĐQT MB giai đoạn tới. Tại ĐHĐCĐ năm 2022, một số cổ đông MB tỏ ra lo lắng về việc ngân hàng này sẽ phải nhận 'khúc xương" ngân hàng yếu. Nhiều cổ đông lấy ví dụ các trường hợp sáp nhập ngân hàng yếu thời gian qua (ví dụ Sacombank sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam) sau đó đều mất nhiều năm mới xử lý được các tồn tại của ngân hàng yếu.
Trả lời về vấn đề này, ông Lưu Trung Thái khi đó khẳng định, MB là một trong 7 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mời nhận chuyển giao bắt buộc và phương án của MB được chọn. Những năm qua, MB tăng trưởng 20-25% và vẫn kiểm soát an toàn, việc nhận chuyển giao bắt buộc là để mở rộng không gian tăng trưởng cho MB, ngân hàng hoàn toàn tự nguyện, không bị bắt buộc.
Mặc dù MB có kết quả kinh doanh năm 2022 tích cực, mục tiêu tăng trưởng năm 2023 cũng rất khả quan, song MB đang có nợ xấu tuyệt đối tăng khá nhanh. Bên cạnh đó, việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống cũng như có doanh thu lớn về bảo hiểm trong khi hai thị trường này đều đang bị ảnh hưởng khá tiêu cực là vấn đề khiến nhiều cổ đông lo ngại.
Trong năm 2022, nợ xấu của MBBank tăng 54% lên hơn 5.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng gấp 2,8 lần so với năm 2021, lên mức 2.293 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ xấu của MBBank.
Kết thúc năm 2022, MB cũng dẫn đầu hệ thống ngân hàng về số lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ, với 46.870 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với cuối năm 2021, chủ yếu là trái phiếu bất động sản và trái phiếu năng lượng.
Theo FiinGroup, hiện tỷ lệ nợ xấu trái phiếu năng lượng đang lên tới 63,1% còn nợ xấu trái phiếu bất động sản cũng lên tới hơn 20%. Tại ĐHĐCĐ sắp tới, rất có thể cổ đông MB sẽ chất vấn tân Chủ tịch HĐQT về vấn đề chất lượng trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ.
Tại ĐHĐCĐ năm 2022, lãnh đạo MB cũng trấn an nhà đầu tư hầu hết trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng này nắm giữ chủ yếu là trái phiếu Dự án, tức là có dự án, có mục đích kinh doanh, có kế hoạch dòng tiền, không có gì đáng lo ngại.
Ngoài trái phiếu, nguồn thu từ bảo hiểm cũng là vấn đề mà cổ đông băn khoăn. Năm 2022, MB là ngân hàng có doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm lớn nhất hệ thống, đạt 10.185 tỷ đồng, cao hơn gần 1.800 tỷ đồng so với số thu 8.386 tỷ đồng của năm 2021. Con số này gấp đôi sau 2 năm, nhờ MB sở hai công ty con là Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.
USD hồi phục, vàng hạ nhiệt nhưng vẫn đứng vững mốc 2.000 USD/ounce
Khép lại tuần giao dịch giữa tháng 4, giá vàng thế giới có nhịp điều chỉnh mạnh, thậm chí có lúc xuống dưới mốc 2.000 USD/ounce do nỗi lo lãi suất còn tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tại thời điểm cuối giờ sáng ngày 15/4, giá vàng miếng tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) yết ở mức 66,3 - 67, triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), lần lượt giảm 200.000 đồng và 100.000 đồng so với phiên hôm qua. Giá vàng bán ra tại các cửa hàng khác đa phần vẫn neo được ở ngưỡng 67 triệu đồng, một số nơi thấp hơn khoảng 50.000 đồng. Giá vàng miếng SJC tại Bảo tín Minh Châu chiều bán ra là 66,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng miếng trong nước ghi nhận tuần giao dịch từ 10/4 đến 15/4 đầy biến động khi chịu ảnh hưởng của diễn biến vàng thế giới. Vàng miếng SJC tăng giá mạnh ở giữa tuần và cũng chỉ mới điều chỉnh từ thứ 6. Chênh lệch giữa hai chiều mua - bán duy trì ở mức khoảng 600.000 - 700.000 đồng/lượng. Giá vàng thế giới đã có thời điểm bật lên khá nhanh, qua đó thu hẹp đáng kể khoảng cách với giá trong nước. Hiện vàng trong nước cao hơn khoảng hơn 10 triệu đồng/lượng so với giá thế giới quy đổi.
Sau khi thiết lập mức mức đỉnh cao nhất kể từ tháng 3/2022, giá vàng thế giới bất ngờ sụt giảm mạnh và gần như đã xóa sạch thành quả trong tuần qua sau khi chỉ số USD hồi phục.
Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay chốt phiên giao dịch cuối tuần Mỹ ở 2.004 USD/ounce; giảm khoảng 2% so với ngày thứ Sáu. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vàng vẫn giữ được mức tăng 0,8%. Vàng tương lai giao tháng 6/2023 trên sàn Comex New York giảm 1,83% xuống 2.017,7 USD/ounce.
Trước đó, vàng đã được hưởng lợi từ sự kỳ vọng của giới đầu tư về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ thay đổi chính sách tiền tệ khi lạm phát đang có dấu hiệu giảm nhiệt. Ngày 12/3, Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố dữ liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 3 của Mỹ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn con số dự đoán 5,1% và đánh dấu tháng thứ 9 liên tiếp số liệu này đi xuống. Tiếp đến, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 cũng giảm mạnh nhất trong vòng gần 3 năm.
Hai bộ dữ liệu quan trọng đã khiến nhiều người tin rằng Fed sẽ sớm ngừng nâng lãi suất. Thậm chí những người lạc quan hơn đã mơ về viễn cảnh lãi suất sẽ bắt đầu giảm từ cuối năm nay. Chính điều này đã khiến chỉ số USD yếu đi, rơi xuống mức thấp nhất trong một năm trở lại đây (100,78 điểm).
Tuy nhiên, xu hướng trên quay đầu đảo chiều sau khi Bộ Thương mại Mỹ thông báo doanh số bán lẻ tháng 3 giảm tới 1% so với tháng trước, thấp hơn mức giảm 0,5% được các chuyên gia kinh tế dự đoán. Việc doanh số bán lẻ giảm trong 2 tháng liên tiếp cho thấy sự thay đổi trong thói quen chi tiêu của người tiêu dùng, vốn đóng góp tới 2/3 GDP của Mỹ. Đây cũng là một dấu hiệu cho thấy áp lực chi phí và lãi suất tăng đang cân nhắc đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng.
Trong bối cảnh xu hướng hạ nhiệt của lạm phát tại Mỹ có thể đảo ngược bất cứ lúc nào bởi lạm phát lõi (không kể giá nhiên liệu và thực phẩm) vẫn giữ ở mức chưa thể kiểm soát đã kéo theo rủi ro lãi suất tăng cao có thể sẽ tiếp tục sẽ kéo dài. Một vị quan chức chủ chốt của Fed đã đưa ra cảnh báo ngân hàng trung ương cần tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Thống kê của CME FedWatch đã có sự thay đổi khi nghiêng thêm nhiều hơn với gần 80% nhà đầu tư đặt cược vào khả năng Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5.
Ông Daniel Pavilonis - chiến lược gia nghiên cứu thị trường cấp cao của RJO Futures nhận định thị trường kim loại có thể sẽ suy yếu hơn nếu như Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5 và giá vàng sẽ giữ ổn định quanh mốc 2.000 USD.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết triển vọng của vàng vẫn tích cực đặc biệt thông qua những phiên tăng điểm cực kỳ ấn tượng trong những ngày qua trước bối cảnh nỗi lo về một cuộc suy thoái kinh tế tại Mỹ có thể sẽ khiến Fed phải chùn tay.
Trong ngắn hạn, sự gia tăng của đồng USD là nguyên nhân trực tiếp khiến nhu cầu mua thêm vàng của các nhà đầu tư nước ngoài bị giảm sút mạnh. Sau khi chạm đáy trưa ngày 14/4, chỉ số DXY - đo lường biến động của USD so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới đã tăng lên 101,55 điểm.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 40.000 tỷ đồng trong 4 ngày, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục neo cao
Chỉ trong 4 ngày tuần này, NHNN đã bơm ròng hơn 40.700 tỷ đồng ra thị trường trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng vẫn neo cao. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND tiếp tục suy giảm.
Sáng 14/4, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ kỳ hạn qua đêm và 1 tuần trong khi giảm nhẹ ở các kỳ hạn 2 tuần và một tháng. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm hiện đang là 5,45%, tăng 0,01% so với hôm qua.
Trước đó, ngày 13/4, NHNN chào thầu 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 15.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5,0%. Tổng cộng có 6.177,31 tỷ đồng trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày, 10.303,58 tỷ đồng ở kỳ hạn 28 ngày; có 424 tỷ đồng đáo hạn. NHNN không chào thầu tín phiếu NHNN, không có khối lượng đáo hạn. Như vậy, NHNN bơm ròng 16.056,89 tỷ đồng ra thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở.
Như vậy, trong 4 ngày đầu tuần qua, NHNN đã bơm ròng hơn 40.700 tỷ đồng ra thị trường qua kênh thị trường mở, lượng trúng thầu tăng hơn trước do lãi suất chào thầu của NHNN “rẻ” hơn lãi suất trên thị trường liên ngân hàng.
Trong khi mặt bằng lãi suất liên ngân hàng được neo cao thì tỷ giá tiếp tục có dấu hiệu hạ nhiệt. Tỷ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh sau khi đồng USD thế giới xuống thấp nhất 2,5 tháng, sau khi chỉ số giá sản xuất của Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 3, thúc đẩy kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất.
Sáng nay, Vietcombank sáng nay niêm yết giá mua vào – bán ra đồng USD ở mức 23.275 – 23.615 VND/USD, tăng nhẹ 5 đồng mỗi USD so với phiên hôm qua nhưng giảm 15 đồng so với phiên hôm kia. VietinBank niêm yết tỷ giá mức 23.277 – 23.617 VND/USD, tăng tới 44 đồng so với phiên hôm qua.
Trên thị trường tự do, tỷ giá đồng loạt giảm khoảng 20 đồng mỗi USD, xuống quanh 23.400 – 23.450 VND/USD.
Sự thật đằng sau hàng loạt nhóm “dạy” cách "bùng nợ"
Thời gian vừa qua, trên các trang mạng xã hội, xuất hiện rất nhiều hội, nhóm dạy nhau cách “bùng nợ” vay qua app.
Theo đó, chỉ cần lên Facebook gõ cụm từ “bùng nợ” hoặc “bùng vay tiền qua App” sẽ cho ra một loạt hội nhóm với số lượng thành viên đăng ký tham gia từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, có thể kể đến như: Hội bùng App vay tiền Online và chia sẻ cách đối phó (59.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (174.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (97.000 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (10.000 thành viên); Hội Bùng App/web vay tiền online và chia sẻ cách đối phó (3.500 thành viên); Hội bùng App vay tiền và chia sẻ cách đối phó (87.000 thành viên)...
Tại các hội nhóm này, mỗi ngày sẽ có hàng chục bài chia sẻ hướng dẫn cách quỵt nợ bài bản. Không những vậy, mỗi khi có ai đó than thở về việc chưa biết xoay tiền đâu ra để trả nợ là ngay lập tức nhận được vô số những lời động viên, chấn an tinh thần kèm theo hướng dẫn rất chi tiết cách đối phó hay các chiêu trò tiền bùng tiền, quỵt nợ.Điều này đặt ra câu hỏi rằng liệu các đối tượng tư vấn, hướng dẫn người vay bùng nợ hưởng lợi gì khi mà thực tế các thành viên trong nhóm không hề quen biết nhau?
Ông Bùi Chiến Thắng – Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết : “Những đối tượng lập ra những hội nhóm dạy cách "bùng" tiền, nhiều khả năng lại chính là những đối tượng lập ra những app cho vay. Mục đích là để những người dân thiếu hiểu biết nghĩ rằng việc cho vay tiền qua app rất đơn giản, không có khả năng trả nợ thì cũng có thể dễ dàng "bùng tiền".
Từ đó thu hút ngày càng nhiều người tìm đến việc vay tiền qua app. Đây có thể coi như là một kiểu quảng cáo cho các app cho vay tiền chứ không phải đơn giản là việc tư vấn, chia sẻ một cách miễn phí. Do vậy có thể nhận định việc tham gia và làm theo việc hướng dẫn của các nhóm "bùng" tiền này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Cũng rất đáng lo ngại khi rất nhiều thành viên trong các hội nhóm này không hề e ngại khoe khoang chiến tích "bùng" được tiền vay qua App. Lấy đó như một cái cớ để quảng cáo, mời chào các thành viên khác sử dụng các dịch vụ hỗ trợ trốn nợ như làm căn cước công dân giả, bán tài khoản mạng xã hội ảo, bán danh bạ điện thoại ảo hay thậm chí là cả những bộ hồ sơ đẹp để dễ dàng vay tiền qua app”.
Thực tế, pháp luật hiện nay chưa có quy định quản lý cụ thể đối với các app cho vay online, do đó, khách hàng vay tiền từ các nền tảng online có nguy cơ bị đòi nợ khủng bố nếu không trả nợ, mà không có bất kỳ sự bảo vệ nào từ pháp luật.
Như vậy, có thể thấy việc"bùng" nợ, đặc biệt là hành vi lôi kéo, bày cách quỵt nợ đều tiềm ẩn những động cơ rất nguy hiểm. Nếu người vay không tỉnh táo thì sẽ vướng vào những hệ lụy pháp lý mà sau này khó kiểm soát được.
Bàn về hệ quả của việc "bùng" nợ, theo các chuyên gia, với các khoản nợ dân sự thì thời hiệu pháp luật quy định để đòi là không có thời hạn. Do đó, bên cho vay có thể đòi khoản nợ bất cứ lúc nào. Trong trường hợp bên cho vay gặp những khó khăn mà không thể đòi trực tiếp thì bên cho vay có thể bán khoản nợ cho một tổ chức khác để tiến hành thu hồi nợ.
Và các việc thu hồi nợ ngoài việc thỏa thuận giữa hai bên là thông báo nhắc nợ thì có thể khởi kiện ra tòa án. Vì vậy, với hành vi hướng dẫn nhau về cách "bùng" khoản nợ, quỵt nợ là một nhận thức vô cùng sai lầm.
“Trường hợp ngay từ đầu mà các bên đã thực hiện giao dịch cho vay ngay thẳng, hợp pháp nhưng mà về sau khi đã nhận được một khoản tiền vay rồi thì người đi vay lại nghe theo những lời kích động, dụ dỗ của những thành viên trên nhóm "bùng" nợ cho vay app từ đó nãy sinh là sẽ "bùng" nợ, quỵt nợ để nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, hành vi này này có thể bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản. Mức hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể đến 20 năm tù. Đối với trường hợp tham gia, bình luận, chia sẻ cách "bùng" tiền, quỵt nợ trong các hội nhóm, nếu cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ để khởi tố thì sẽ bị khởi tố hình sự.” – chia sẻ từ Luật sư Trần Thị Thanh Lam, văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội.
Hạ chuẩn tín dụng: Doanh nghiệp sốt ruột, ngân hàng chùn chân
Với nợ xấu tăng vọt và nguy cơ hình sự hóa lơ lửng, nhiều ngân hàng không dám hạ chuẩn tín dụng theo kiến nghị của các chuyên gia trước tình trạng doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022) vừa công bố cho thấy, tiếp cận tín dụng là mối lo lớn nhất với tỷ lệ lên tới 55,6%, tăng liên tục từ con số 34,8% của năm 2019, 40,7% của năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Cùng với mối lo tiếp cận tín dụng tăng lên là tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng có xu hướng giảm dần trong thời gian gần đây (năm 2017 là 49,4%, thì đến năm 2022 chỉ còn 17,8%).
Khó tiếp cận vốn buộc doanh nghiệp phải tăng vay mượn từ kênh khác. Đáng lo hơn cả, theo Báo cáo PCI 2022, có tới 12,5% doanh nghiệp phải xoay sang vay “tín dụng đen” (tăng gấp hơn 3 lần so với con số 4% của năm 2021). Khảo sát PCI ghi nhận, lãi suất trung bình các khoản tín dụng đen khoảng 46,5%/năm, cao gấp 5,5 lần so với lãi suất trung bình năm của các khoản vay từ ngân hàng.
Thủ tục vay vốn phiền hà, điều kiện vay vốn khó khăn là nguyên nhân dẫn tới tình trạng khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Bất ngờ là khối ngân hàng TMCP tư nhân được doanh nghiệp đánh giá là có thủ tục phiền hà hơn cả khối ngân hàng có vốn nhà nước.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại rà soát lại toàn bộ thủ tục, điều kiện tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Tại các quốc gia trên thế giới, ngân hàng trung ương không đưa ra điều kiện cho vay, mà trao quyền chủ động cho các ngân hàng thương mại, tùy vào khẩu vị rủi ro của các ngân hàng. Ở Việt Nam, các ngân hàng thương mại cũng được tự thẩm định và quyết định cho vay, song nếu không may doanh nghiệp không trả được nợ, thì cán bộ ngân hàng dễ phải chịu trách nhiệm hình sự vì để thất thoát vốn nhà nước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế nói: “Nếu không hạ chuẩn tín dụng, thì rất khó cứu doanh nghiệp. Song nếu hạ chuẩn, ngân hàng có thể gặp rủi ro. Trên thế giới, chuyện doanh nghiệp thua lỗ, phá sản là bình thường. Ngân hàng cho vay phải trích lập dự phòng rủi ro, trong trường hợp doanh nghiệp thua lỗ, phải lấy nguồn trích lập dự phòng ra bù đắp. Tuy nhiên, ở nước ta, khi doanh nghiệp vay vốn phá sản, ngân hàng cho vay có nguy cơ chịu trách nhiệm hình sự”.
Là người có thâm niên hàng chục năm làm việc ở ngân hàng thương mại, ông Hòe cho hay, ngay cả chuyện cơ cấu nợ cho doanh nghiệp, bản thân cán bộ ngân hàng phải phân loại rất kỹ. Thông thường, doanh nghiệp có khả năng phục hồi và có phương án phục hồi khả thi, ngân hàng sẽ giãn nợ, bơm vốn tiếp để doanh nghiệp tái cấu trúc. Tuy vậy, nếu doanh nghiệp đó không thể phục hồi, thì lãnh đạo ngân hàng ra quyết định “cứu” doanh nghiệp có nguy cơ dính vòng lao lý. Đây là thực tế đau xót đã xảy ra khiến nhiều ngân hàng thương mại chùn chân.
Ngay cả với các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, trong Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, tuy NHNN đề xuất cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tham gia xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, song nhiều bộ, ngành vẫn không đồng tình.
Ngoài nỗi lo dính vòng lao lý, hạ chuẩn tín dụng còn khiến ngân hàng lo ngại nợ xấu tăng vọt. Sức khỏe doanh nghiệp yếu đi đáng kể sau đại dịch Covid-19 do ảnh hưởng của việc sức mua suy yếu trên thị trường thế giới và khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản trong nước… đang ảnh hưởng tiêu cực lên chất lượng tài sản ngân hàng.
Cuối năm 2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng đã tăng lên mức 1,6%, tăng 0,2% so với năm trước. Tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 1,8% do một phần nợ tái cơ cấu chuyển nhóm khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN hết hiệu lực. Các ngân hàng đang có động thái tăng cường trích lập trước thời hạn cho thấy sự cảnh giác trước rủi ro nợ xấu tiềm tàng.
Trong bối cảnh nợ xấu dềnh lên, các ngân hàng sẽ cân nhắc việc cơ cấu nợ, giãn nợ, cũng như hạ chuẩn cho vay, bởi có thể nợ xấu vượt mức kiểm soát. Thực tế, năm nay, nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trưởng thận trọng, không đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận lên hàng đầu, thay vào đó là tăng cường thu hồi nợ và bảo toàn vốn.
Tại Đại hội đồng cổ đông vừa tổ chức đầu tuần này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, năm 2023, trọng tâm của ngân hàng này là tăng cường cấu trúc nợ, cấu trúc tài chính, tài sản. SHB cũng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 6-10% năm nay, dù đã đạt mức tăng trưởng tới 55% trong năm 2022.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS cho rằng, sự đóng băng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đang làm tăng rủi ro nợ xấu với hệ thống ngân hàng. Cụ thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động dòng vốn mới để đảo nợ. Đồng thời, hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản đảm bảo chính cho phần lớn các khoản vay.
Theo dự báo, năm 2023, nợ xấu tiếp tục có xu hướng gia tăng do sự đóng băng của thị trường bất động sản và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp cũng như người vay tiền có xu hướng yếu đi trong môi trường lãi suất cao. Nhóm ngân hàng có rủi ro nợ xấu lớn nhất thời điểm này là các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp cao và có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp.
Tuần đầu tháng 4 lại vắng bóng TPDN phát hành mới, Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo
Trong thông tin gửi tới báo chí ngày 13/4, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp, cảnh báo bên bán trái phiếu phải tư vấn khác biệt giữa TPDN và tiền gửi tiết kiệm
Theo Bộ tài chính, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong bối cảnh cần phải tháo gỡ một số khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư
Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nêu trên, để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, về phía doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định, các doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.
Về phía nhà đầu tư, cần có hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp không phải là tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, Bộ cho rằng các đơn vị này phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật và thực hiện nghĩa vụ báo cáo, tư vấn và cung cấp đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư mua trái phiếu, làm rõ sự khác biệt giữa trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi tiết kiệm ngân hàng, tuyệt đối không được mời chào nhà đầu tư không đáp ứng đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trong khi Bộ Tài chính tiếp tục cảnh báo các bên tham gia thị trường trái phiếu thì hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới tiếp tục trầm lắng. Trong tuần đầu tháng 4/2023, không có lô trái phiếu mới nào được phát hành. Trước đó, trong tháng 3/2023, phát hành TPDN sôi động trở lại với hơn 73% lượng TPDN mới phát hành là của doanh nghiệp bất động sản, chủ yếu ở các doanh nghiệp không mấy tên tuổi.
Phát hành trái phiếu riêng lẻ của nhóm tổ chức tín dụng tiếp tục trầm lắng đầu năm nay do các vướng mắc liên quan đến quy định về báo cáo tình hình sử dụng vốn với trái phiếu còn dư nợ phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Đến nay, tất cả các tổ chức kiểm toán đều từ chối kiểm toán tình hình sừ dụng vốn trái phiếu còn dư nợ của ngân hàng trong khi Bộ Tài chính chưa có động thái tháo gỡ.
Trong 3 tháng đầu năm, đã có 69 tổ chức phát hành có một hoặc nhiều hơn lô trái phiếu lưu hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ, với tổng giá trị 94,43 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, trong đó có 65 tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ nợ và 4 tổ chức phát hành có TPDN đến hạn nhưng đã được tái cơ cấu nợ.
Kỳ vọng lợi nhuận quý II/2023 sẽ tăng, nhưng vẫn có ngân hàng lo ngại lợi nhuận âm
Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) vừa công bố kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) quý II/2023. Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 cải thiện chậm so với quý trước. Các TCTD đánh giá lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý I/2023 có tăng trưởng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng.
Đánh giá triển vọng cả năm 2023, có 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ điều tra trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.
Theo các TCTD, trong quý I/2023, nhu cầu vay vốn, dịch vụ thanh toán và thẻ, gửi tiền của khách hàng trong Quý I/2023 có cải thiện nhưng chưa được như kỳ vọng. Các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II/2023, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Các TCTD dự đoán, trong quý II/2023, huy động vốn toàn hệ thống tăng bình quân 3,2, tín dụng tăng 4%. Cả năm 2023, huy động vốn tăng 9,2% và tín dụng tăng khoảng 13,1%.
Đáng mừng - theo nhận định của các TCTD - thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong Quý I/2023 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với Quý IV/2022. Các TCTD dự báo tình hình thanh khoản sẽ giữ ổn định trong Qúy II/2023 và tiếp tục được cải thiện trong năm 2023 so với năm 2022.
Tại kỳ điều tra này, các ngân hàng thương mại đều nhận định lãi suất sẽ tiếp tục giảm thời gian tới. Dù vậy, mức độ rủi ro lại tăng lên. Tại kỳ điều tra này, các TCTD nhận định “tăng nhẹ” tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý I/2023 và kỳ vọng nợ xấu sẽ cải thiện hơn trong quý II/2023.