Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đang giảm với tốc độ nhanh nhất thế giới bất chấp việc Chính phủ nước này đã chi hơn 212 tỷ USD trong 15 năm qua để ngăn đà khủng hoảng nhân khẩu học.
Một số chuyên gia dự đoán rằng Indonesia, Nigeria, nhờ vào dân số đông, sẽ vượt qua Hàn Quốc về quy mô kinh tế vào năm 2050 - đẩy quốc gia Đông Á này ra khỏi 15 nền kinh tế lớn nhất. Một quan điểm bi quan khác dự báo, Hàn Quốc có thể biến mất vào năm 2750 nếu tỷ lệ sinh tiếp tục giảm với tốc độ như hiện tại.
Bất chấp hàng trăm tỷ USD đã được Hàn Quốc chi ra nhằm thay đổi hiện trạng, số trẻ em trung bình mà một phụ nữ Hàn sinh trong suốt cuộc đời đạt mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm 2022. Tại Seoul, tỷ lệ này chỉ ở mức 0,59.
Hàn Quốc hiện chỉ có một số tập đoàn chi phối nền kinh tế, 99% các công ty địa phương ở quy mô nhỏ. Nhưng mức lương thấp và các yêu cầu công việc đặt ra khiến các công ty này không được lòng lực lượng lao động trẻ Hàn Quốc. Do đó, những ngành như nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất, rất khó tìm đủ lao động.
Trước tình hình này, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm kiếm thêm lao động nhập cư. Năm 1990, Hàn Quốc có khoảng 49.000 lao động nước ngoài cư trú dài hạn. Đến năm 2019, lượng người nước ngoài, bao gồm những người cư trú dưới 90 ngày, đã tăng hơn 2,5 triệu, chiếm 4,9% tổng dân số (khoảng 51 triệu người).
40% người nước ngoài là Trung Quốc, chủ yếu là người có gốc gác Hàn Quốc. Người Việt Nam tạo thành cộng đồng nước ngoài lớn thứ hai. Đứng thứ ba là người Thái Lan.
Năm 2004, Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận lao động nước ngoài có tay nghề thấp. Theo chương trình này, Chính phủ kiểm soát toàn bộ quá trình tuyển dụng: tiếp nhận "tân binh", bố trí công việc, trả người lao động về nước khi hết thời hạn làm việc. Các lĩnh vực công việc theo chương trình bao gồm sản xuất, xây dựng, nông lâm ngư nghiệp.
Trong một động thái mà các chuyên gia đánh giá là "mở cửa" thị trường lao động, Hàn Quốc đã triển khai nhiều cách khác nhau để giúp người lao động nhập cư trở thành thường trú nhân.
Người lao động nhập cư giờ đây có thể được cư trú hợp pháp tại Hàn hoặc trở thành thường trú nhân thông qua kết hôn với người bản địa. Số lượng các cuộc hôn nhân giữa công dân nước ngoài và người Hàn Quốc đã tăng mạnh kể từ năm 2000. Hiện cứ 10 cuộc hôn nhân ở nước này có một cuộc cô dâu hoặc chú rể là người ngoại quốc, chủ yếu là người Trung Quốc hoặc Việt Nam.
Sau khi được nhập tịch nhờ kết hôn, người nước ngoài này có thể tái hôn (sau ly hôn hoặc vợ/chồng qua đời) - và người phối ngẫu mới sẽ tự động trở thành công dân Hàn Quốc. Theo nguồn tin quen thuộc, số nam giới từ Đông Nam Á có được quyền công dân Hàn Quốc theo cách này đã tăng lên đáng kể.
Ikumi Haruki, giáo sư Đại học Seigakuin, người đã viết một cuốn sách về chính sách nhập cư của Hàn Quốc, cho biết sự hỗ trợ rộng rãi của Chính phủ là chìa khóa để tăng số lượng lao động nước ngoài trở thành thường trú nhân hoặc biến Hàn Quốc thành nơi cư trú của họ.
"Hàn Quốc đang cung cấp các khóa học ngôn ngữ miễn phí tại 319 địa điểm trên cả nước", Haruki nói.
Kể từ những năm 2000, Hàn Quốc đã phát triển nhiều chương trình khác nhau để hỗ trợ người nhập cư, chẳng hạn như dịch vụ tư vấn và giáo dục ngôn ngữ. Các trung tâm hỗ trợ, được thành lập trên khắp đất nước, cung cấp các bài học tiếng Hàn qua sách giáo khoa do Chính phủ biên soạn.
Tuy nhiên, công chúng Hàn Quốc cũng đang bất bình trước việc lượng lớn ngân sách được phân bổ để hỗ trợ người nhập cư và con cái của những cặp đôi có bố hoặc mẹ là người nhập cư. Mặt khác, dù nhận được mức lương tương đối cao, lao động người nước ngoài thường phải đối mặt với nạn phân biệt đối xử, quấy rối, phải làm việc nhiều giờ.
Dù vậy, Hàn Quốc vẫn là nơi làm việc hấp dẫn với những người trẻ Đông Nam Á, một phần nhờ vào tính quen thuộc của công ty, sản phẩm. Theo các chuyên gia, sức hấp dẫn của K-pop và phim truyền hình Hàn Quốc cũng góp phần thu hút giới trẻ đến với nước này.
Giới quan sát cũng cho rằng dù tồn tại một số thiếu sót, chính sách lao động với người nước ngoài của Hàn Quốc cũng cung cấp những bài học quý giá về cách làm giảm tác động kinh tế do tỷ lệ sinh giảm.
Đức Minh (theo Nikkei)