Đây là một trong những biện pháp để TP.HCM hạn chế số ca mắc, số ca ung thư tử vong, điều trị bệnh nhân tốt hơn như chỉ đạo của Thủ tướng tại lễ khánh thành cơ sở 2 của bệnh viện mới đây.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - xung quanh những vấn đề này.
* Phóng viên: Theo Thủ tướng, sau khi ban hành nghị quyết 30/2023 và nghị định 07/2023 thì việc mua thuốc, trang thiết bị y tế cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, trong thực tế các bệnh viện vẫn còn những vướng mắc. Những vướng mắc này tại Bệnh viện Ung bướu là gì, thưa ông?
- TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh: Sau nghị quyết 30 và nghị định 07, hiện Bệnh viện Ung bướu không bị thiếu thuốc. Nghị quyết 30 và nghị định 07 đã giao quyền rất lớn cho bệnh viện.
Hội đồng khoa học công nghệ của bệnh viện được trao quyền quyết định cấu hình, tính năng kỹ thuật các vật tư thiết bị, thậm chí chỉ định chủng loại thiết bị cần thiết cho phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, trên cơ sở hiệu quả và minh bạch.
Điều này đã "gỡ trói" cho bệnh viện. Nhưng dù bệnh viện đã được trao quyền trực tiếp nhưng hiện vẫn còn một cái vướng, đó là các vấn đề sửa chữa, thiết bị máy móc.
Thiết bị máy móc trong ngành y tế rất đặc thù. Thường một nhà sản xuất chỉ tập trung sản xuất một vài chủng loại thiết bị chuyên sâu, nên khi trang thiết bị cần sửa chữa chỉ có nhà sản xuất này, chứ không có nhà sản xuất khác.
Vậy nhưng theo quy định hiện nay, khi bệnh viện tiến hành sửa chữa trang thiết bị vẫn phải tuân theo yêu cầu phải đấu thầu với ba mức báo giá khác nhau. Tuy nhiên, trong thực tế chỉ có một báo giá nên bệnh viện đang bị vướng vào việc này.
Trong dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự lễ khánh thành Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, lãnh đạo bệnh viện cũng đã trình bày những bất cập này với Thủ tướng. Thủ tướng cho rằng đây là một bất cập và cần thiết phải thay đổi. Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế phải có ý kiến về bất cập này để Chính phủ điều chỉnh sớm trong thời gian tới.
Khi nghe Thủ tướng chỉ đạo vậy, các bệnh viện rất mừng vì khi bất cập này được điều chỉnh sẽ tiếp tục "gỡ trói" cho các bệnh viện.
* Hiện nay số người mắc bệnh ung thư và tử vong do ung thư có xu hướng tăng lên. Nước ta cần có những biện pháp gì ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này?
- Không chỉ riêng nước mình mà nhiều nước khác cũng sẽ có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch, ung thư gia tăng trong thời gian tới. Mỗi năm, tại Việt Nam, số ca mắc ung thư mới có thể tăng 5%. Có rất nhiều nguyên nhân làm số ca mắc bệnh ung thư mới tăng như do tình trạng ô nhiễm không khí, lối sống không lành mạnh, ít vận động, chế độ ăn ít rau, ít trái cây...
Nhân dịp này, PGS Tăng Chí Thượng - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã trình bày một chiến lược "Phòng chống ung thư" cho TP.HCM trên cơ sở huy động toàn bộ nguồn lực của các cơ sở y tế có năng lực chuyên môn về ung thư trong việc phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm và điều trị ung thư. Đây là cú hích để cải thiện chất lượng chăm sóc ung thư hiện nay.
Khi phát hiện sớm bệnh, bệnh nhân sẽ được điều trị tốt và có thể thay đổi kết quả điều trị. Cơ sở Bệnh viện Ung bướu cũ ở số 3 Nơ Trang Long sẽ được xây dựng thành một trung tâm khám tầm soát ung thư hiện đại.
Sau đó, trung tâm này sẽ dần mở rộng tầm soát cho một số loại bệnh lý không lây nhiễm như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp.
Để phòng chống bệnh ung thư, theo tôi, nhiều ban ngành cần truyền thông về vấn đề ô nhiễm môi trường, phải kiểm soát ô nhiễm môi trường, tăng cường vận động thể dục thể thao, ăn uống, vận động lành mạnh. Người dân phải có ý thức không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia... để giảm số người mắc bệnh ung thư, đặc biệt trong việc tránh khói thuốc.
* Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ phát triển thành trung tâm chuyên sâu về ung thư của khu vực ASEAN? Hướng phát triển của bệnh viện trong thời gian tới?
Bệnh viện đã có chiến lược đầu tư cho nhân lực trong bệnh viện để thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu, công nghệ sinh học... xứng tầm là một trung tâm chuyên sâu về ung thư của khu vực ASEAN.
Sinh học phân tử được xác định là một mũi nhọn phát triển của bệnh viện. Cùng với sự hiểu biết ngày càng sâu rộng về đặc tính sinh học và sự phát triển nhanh chóng của các liệu pháp điều trị nhắm đích cá thể hóa cho từng bệnh nhân với từng loại ung thư, các kỹ thuật sinh học phân tử hiện đại cũng đã và đang được đưa vào áp dụng.
Trong tương lai, bệnh viện sẽ tiếp tục mở rộng những xét nghiệm dựa trên kỹ thuật NGS như giải trình tự đa gene, giải trình tự trên DNA khối u lưu hành trong máu (ctDNA), nhằm cung cấp cho bác sĩ điều trị một bức tranh toàn cảnh về đặc tính phân tử của khối u, qua đó hỗ trợ việc lập kế hoạch điều trị hiệu quả cho bệnh nhân.
Những phương pháp điều trị mới cũng đã được áp dụng, giúp bệnh viện đạt trình độ ngang với các bệnh viện chuyên khoa ung thư khác trong khu vực và trên thế giới. Với hệ thống 16 phòng mổ hiện đại được trang bị tại cơ sở 2, bệnh viện cũng đã lên kế hoạch phát triển những kỹ thuật ngoại khoa hiện đại như phẫu thuật robot, phẫu thuật thần kinh… qua đó đáp ứng nhu cầu chuyên môn cũng như mong muốn của người bệnh.
Ngoài ra, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai những kỹ thuật mới như xạ trị hạt nặng. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng được áp dụng trong việc lập kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân.
Khi bệnh viện phát triển hơn nữa, bệnh viện kỳ vọng sẽ giữ chân được những người bệnh có ý định, hoặc đã từng sang nước ngoài điều trị bệnh ung thư. Như vậy, bệnh viện sẽ giữ được nguồn thu ngoại tệ ở Việt Nam.
* Thưa ông, trước mắt, người dân sẽ được hưởng những lợi ích gì khi Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 tại Thủ Đức chính thức đi vào hoạt động?
- Trong dịp khánh thành cơ sở 2, TS.BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc bệnh viện và tôi cùng cán bộ viên chức bệnh viện đã được gặp Thủ tướng, các lãnh đạo cấp cao của TP, của Chính phủ.
Điều này đã thêm động lực rất lớn cho tập thể, cán bộ công nhân viên chức, lãnh đạo của bệnh viện. Tập thể bệnh viện sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình, vận hành cơ sở mới trơn tru, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân trong thời gian tới.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động, bệnh nhân được nằm điều trị ở những phòng bệnh sạch sẽ và tiện nghi hơn trước rất nhiều. Trước đây, có lúc 20 bệnh nhân nằm điều trị trong một phòng bệnh ngột ngạt, phòng không có máy lạnh.
Còn tại cơ sở mới này, một phòng bệnh chỉ có 2-3 giường, có máy lạnh, mỗi phòng đều có toilet riêng. Mỗi người nằm một giường, chứ không phải 2-3 bệnh nhân/giường bệnh như trước. Điều kiện chăm sóc tốt hơn nhiều so với trước đây.
Ngoài ra, bệnh viện còn có nhiều trang thiết bị mới, hiện đại nên bệnh nhân sẽ được hưởng những giá trị từ những thiết bị hiện đại này.
Khi Bệnh viện Ung bướu chuyển về cơ ngơi mới này, ban giám đốc bệnh viện cũng thường nói với đội ngũ anh em, phải thay đổi cung cách phục vụ, thay đổi cách giao tiếp ứng xử với bệnh nhân đúng như phương châm "trao niềm tin, nhận hy vọng" mà bệnh viện đặt ra để phát triển. Tức là, khi bệnh nhân đến bệnh viện sẽ có niềm tin, bệnh nhân sẽ được phục vụ tốt nhất.
Chiều 15-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ cắt băng khánh thành Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức).
Xem thêm: mth.42572507161403202-iad-neih-uht-gnu-taos-mat-mahk-mat-gnurt-oc-es-mch-pt/nv.ertiout