vĐồng tin tức tài chính 365

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm thấy đáy?

2023-04-17 04:49

TTCK vừa trải qua tuần điều chỉnh sau 3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số VN-Index giảm 17 điểm, về sát mốc 1.050 điểm, đây cũng là vùng thấp nhất kết từ cuối tháng 3 đến nay. TTCK trong tuần tới sẽ chuyển động theo xu hướng nào, theo các ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Dù xu hướng có biến động nhất định nhưng từ sau Tết đến nay thị trường chưa bao giờ xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.020-1.030 cũng như vượt được kháng cự 1.080-1.100. Do đó, tuần mới cũng vẫn tiếp tục xu hướng này chưa thể thay đổi.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Tôi cho rằng đây là nhịp điều chỉnh cục bộ của sóng tăng kéo dài từ giữa tháng 3, và thông thường có dư địa điều chỉnh khoảng 60-70% biên độ tăng trước đó (tương đương vùng hỗ trợ 104x). Nhịp điều chỉnh là cần thiết nhằm lành mạnh hoá thị trường, khi dòng tiền có xu hướng đầu cơ và “quay cuồng” luân chuyển khắp các nhóm cổ phiếu mid-cap, small–cap và penny và không quan tâm nhiều đến góc độ cơ bản doanh nghiệp.

Dòng tiền đầu cơ có thể không xấu, nhưng bởi xu hướng giao dịch ở các cổ phiếu vốn hoá nhỏ sẽ khiến chỉ số khó bứt phá. Minh chứng rõ ràng nhất là khi thanh khoản bùng nổ mạnh kể từ ngày 03/04, VN-Index chưa hề có phiên tăng điểm ấn tượng nào. Một nhịp “rũ” có thể khiến các cổ phiếu cơ bản chiết khấu về mặt bằng giá thấp hơn, qua đó chuyển hướng dòng tiền ngắn hạn về các cổ phiếu cơ bản.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Những kỳ vọng rất lớn đã tới sau khi VN-Index vượt thành công ngưỡng 1.070 điểm, tuy nhiên với việc nhanh chóng để mất cột mốc này ngay sau đó chứng minh áp lực bán vẫn duy trì rất cao, và thị trường cũng chưa tạo được động lực cần thiết để đi lên bền vững.

Dù rất gần và có nhiều cơ hội nhưng chỉ số không thể lấy lại được ngưỡng 1.070 điểm, việc quay đầu giảm rất nhanh ở cuối phiên thứ 6, cùng động thái bán mạnh ở nhiều cổ phiếu Bất động sản (vốn là đầu tàu nhịp hồi phục gần nhất), xu thế thị trường trong tuần tới nhiều khả năng quay trở lại với trạng thái giằng co tương tự như giai đoạn trước, trong khung biên độ 1.030-1.070. Diễn biến giằng co đan xen các phiên tăng giảm sẽ là chủ đạo đi kèm với sự phân hóa rõ nét.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, CTCP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Thị trường có lẽ sẽ tăng giảm đan xen trong biên độ nhỏ nhưng nhiều mã sẽ giảm rõ rệt hơn. Trong thời gian ngắn vừa qua dòng tiền quay vòng nhanh đã kéo giá cổ phiếu của khá nhiều nhóm ngành tăng lên như vận tải, ngân hàng, dầu khí và đặc biệt nhóm chứng khoán – bất động sản tăng khá mạnh. Rủi ro điều chỉnh dường như đã tăng cao hơn vào lúc này.

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm thấy đáy? ảnh 1

Ông Nguyễn Hữu Bình

Có vẻ dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại thị trường, khi mà chưa thực sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ. Điều này cũng phần nào khiến cho nhịp tăng của thị trường chỉ diễn ra khá ngắn. Cùng với đó là áp lực từ đợt đáo hạn phái sinh vào phiên thứ 5 tuần tới (20/4). Vậy đâu là yếu tố có thể kích thích dòng tiền quay lại bền vững hơn ở thời điểm hiện tại?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Đó là kỷ nguyên tiền đắt hiện nay sớm kết thúc quay lại kỷ nguyên tiền rẻ, tuy vậy cần lưu ý là dù mặt bằng lãi suất trong nước đang hạ nhưng ở thế giới vẫn tiếp tục tăng hoặc tạm dừng (tùy khu vực) và những nền kinh tế lớn vẫn duy trì chính sách thắt chặt.

Bên cạnh đó, ngay cả khi mặt bằng lãi suất hạ và chính sách tiền tệ nới lỏng hơn thì cũng sẽ có độ trễ ít nhất một vài tháng. Do đó, hiện dòng tiền dù đã tích cực hơn nhưng để có thể duy trì mức độ bền vững giúp thị trường tăng trưởng ổn định thì cần thêm thời gian.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Cung tiền từ đầu năm cùng tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp đang khiến dòng tiền ngoài thị trường không dồi dào, đồng thời khiến các nhịp bùng nổ thanh khoản của thị trường không bền vững. Nhìn chung để dòng tiền quay lại thị trường ổn định hơn, đòi hỏi các biện pháp nới lỏng tiền tệ và hỗ trợ chính sách thẩm thấu dần vào nền kinh tế. Không chỉ khiến dòng tiền dồi dào hơn, sự cải thiện sẽ giúp các doanh nghiệp trở nên hấp dẫn dưới góc độ nắm giữ dài hạn trong con mắt nhà đầu tư, chứ không chỉ còn là sự hấp dẫn để giao dịch ngắn hạn trong con mắt nhà đầu cơ.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Thanh khoản đã cải thiện so với giai đoạn trước, nhưng chưa thực sự kích thích được nguồn tiền mới. Trong nhịp tăng điểm vừa qua, có thể thấy dòng tiền chủ yếu vận động ở nhóm bất động sản và chứng khoán sau khi có những thông tin tích cực hỗ trợ. Đây là 2 nhóm ngành được đánh giá là sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới do đó đà đi lên cũng của chỉ số cũng khá mong manh.

Chỉ khi nào dòng tiền quay trở lại các mã thuộc nhóm vốn hoá lớn hoặc ngành Ngân hàng thì xu hướng tăng mới có thể bền vững hơn.

Tôi chưa nhận thấy yếu tố thực sự rõ ràng có thể kích thích dòng tiền quay lại bền vững hơn trong ngắn hạn sắp tới. Tuy nhiên phần nào đó có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh quý I được dự báo tích cực của ngành ngân hàng.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, CTCP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Giai đoạn hiện nay về dòng tiền tôi đánh giá mang tính đầu cơ nhiều hơn. Bối cảnh hiện nay đang không thuận lợi, kinh tế kém khởi sắc và một loạt mối nguy đang ở phía trước. Dòng tiền lại có phản ứng tích cực với bất cứ thông tin nào dù tác động của nó chưa rõ ràng, thậm chí chưa triển khai. Vậy nên để tạo sóng tăng cùng dòng tiền lớn lúc này rất khó.

Lần này, khối ngoại có phần đồng pha với thị trường khi mạnh tay bán ròng liên tiếp trong tuần qua, ghi nhận âm 1.733 tỷ đồng; dường như điều hướng chính sách trái ngược giữa các khu vực kinh tế dẫn đến tỷ giá hối đoái chịu áp lực tạm thời dẫn đến tình trạng ‘rút ròng’ từ các quỹ ngoại. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về “biến số” khối ngoại ở thời điểm hiện tại?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm thấy đáy? ảnh 2

Ông Phan Dũng Khánh

Khối ngoại mua ròng ở mức khá ở những tuần trước, thậm chí ở vùng giá thấp nên khi thị trường tiến vào vùng kháng cự quan trọng 1.080-1.100 việc chốt lời có thể hiểu được. Tuy nhiên, điều này mang tính ngắn hạn nhiều hơn khi thị trường điều chỉnh có thể kích thích dòng tiền khối ngoại quay lại.

Tuy vậy, cần lưu ý dòng vốn của khối ngoại hiện tại cũng khá ngắn hạn nên có sự mua ròng và bán ròng ở một số tuần, còn nhìn chung dòng vốn dài hạn vẫn duy trì khi mà chính sách trong nước có phần nới lỏng trong khi thế giới vẫn còn thắt chặt, đây là ưu điểm để giúp dòng vốn ngoại quay trở lại sớm.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Theo quan điểm của tôi, dù dòng tiền nước ngoài có sự hạn chế do mặt bằng lãi suất cao tại Âu – Mỹ, nhưng tương đối dồi dào từ các nước khu vực châu Á, và không thể gọi là trạng thái hết tiền để giải ngân.

Vấn đề mấu chốt của hoạt động đầu tư tới Việt Nam vẫn đến từ “giá nào”. Quan sát xu hướng giao dịch trong nhiều tháng gần nhất, khối nhà đầu tư ngoại chỉ mạnh tay giải ngân khi thị trường tiệm cận về vùng 1.000-1.020, trong khi đó chủ động chốt lời (dù không lớn) khi thị trường hướng về các vùng cản trên 1.060 điểm. Có thể thấy đây là dòng tiền linh hoạt và chủ động, áp dụng chiến lược “mua rẻ - bán đắt”, có tác động xây nền cho thị trường, hơn là thúc đẩy chỉ số vượt kháng cự.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Việc lãi suất đồng USD đang duy trì ở mức cao trong khi chúng ta đang cố giảm mặt bằng lãi suất trong nước cũng là một yếu tố khiến khối ngoại bán ròng. Tuy nhiên việc khối ngoại mua bán có lẽ mang nhiều tính tham khảo hơn và nó không phải yếu tố quyết định xu hướng chung trong giai đoạn hiện tại.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, CTCP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Khối ngoại ở đây chiếm tỷ trọng lớn là các quỹ ETF và cách hoạt động của nó không giống quỹ đóng. Các quỹ này đang chịu tác động mạnh bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là từ biến động thế giới và nước bản địa hơn tình hình tại Việt Nam. Với biến động hiện nay như FED tăng lãi suất, ngân hàng phá sản… thì khả năng rút ròng vẫn còn.

Trong bối cảnh phần lớn doanh nghiệp thận trọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi so với năm ngoái, kết quả kinh doanh quý I/2023 của phần lớn các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp tục kém khả quan thì việc dòng tiền ưu tiên dịch chuyển danh mục đầu tư sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023. Có thể kể đến như ngân hàng, đầu tư công, du lịch hoặc những ngành đầu chu kỳ phục hồi như vật liệu xây dựng… vậy nếu chọn đầu tư theo hướng như thế này, đâu là những “gợi ý” của ông/bà?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Khi thị trường đi ngang trong biên độ 1.020-1.100 từ sau Tết thì việc lướt sóng dễ mang lại lợi nhuận hơn, do đó dòng tiền liên tục di chuyển giữa các nhóm ngành cũng như các cổ phiếu nhỏ hoặc cổ phiếu có yếu tố đầu cơ. Trong ngắn hạn, xu hướng vẫn chưa thay đổi khi biên độ này vẫn còn được duy trì.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm thấy đáy? ảnh 3

Ông Trương Thái Đạt

Đối với mùa kết quả kinh doanh quý I, kết quả tiêu cực là diễn biến đã được chờ đợi từ trước và phản ánh phần lớn vào mức chiết khấu sâu của mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường. Yếu tố hưởng lợi hay ảnh hưởng tiêu cực sẽ tới từ các bất ngờ có thể xảy ra đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo tôi đánh giá, kết quả kinh doanh nhóm ngành lương thực có thể tích cực bất ngờ, nhờ hưởng lợi kép từ giá phân bón giảm về mức thấp nhất trong 2 năm, trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao trong khu vực Đông Nam Á và khi Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại.

Về mặt tiêu cực, kết quả kinh doanh của một số cổ phiếu nhóm hạ tầng và xây dựng có thể gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư đang mua theo sóng hồi phục gần nhất, do tính chất đòn bẩy tài chính cao trong mặt bằng lãi suất không thuận lợi.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Nhà đầu tư nên có góc nhìn mang tính dài hạn đối với hoạt động đầu tư, dù kết quả kinh doanh quý I của nhiều ngành được dự báo kém khả quan, tuy nhiên trong trung và dài hạn những ngành này lại sẽ có sự chuyển biến tích cực hơn, ví dụ đầu tư công, vật liệu xây dựng…

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, CTCP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Thống kê sơ bộ cho thấy số lượng rất lớn doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2023 là giảm so với năm 2022. Cá nhân tôi nghĩ điều này có lẽ đã và đang phản ánh đúng với thực tế. Năm nay mọi ngành nghề đều rất khó và khi đã khó thì ngân hàng chắc chắn chịu ảnh hưởng.

Tôi chưa rõ kế hoạch năm 2023 mà nhiều ngân hàng đặt ra căn cứ theo tình hình như thế nào khi mà hầu như toàn bộ đều tăng trưởng so với năm 2022. Chưa kể nhóm ngân hàng còn đang chịu tác động của nợ xấu mà nhiều doanh nghiệp đang chưa thể thanh toán và trái phiếu doanh nghiệp.

Cá nhân tôi chỉ tin rằng một nhóm doanh nghiệp đơn lẻ sẽ có kết quả kinh doanh tích cực... Do đó, nhà đầu tư nên tìm kiếm doanh nghiệp cụ thể thay vì nhìn vào cả ngành.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đã trải qua một nhịp hồi phục từ 10-40% trước khi điều chỉnh ở phiên cuối tuần qua. Rất nhiều quan điểm trái chiều với nhóm cổ phiếu này khi cho rằng đáy của nhóm BĐS đã hay chưa hình thành, cũng như nhận định về chu kỳ trở lại của nhóm BĐS khiến nhiều nhà đầu tư “bối rối” trong quyết định đầu tư. Còn quan điểm của ông bà với nhóm cổ phiếu này?

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank

Nhóm cổ phiếu bất động sản đã trải qua thời kỳ khó khăn trong năm ngoái và đầu năm nay nên rủi ro nếu có đã ở mức thấp hơn trước rất nhiều. Tuy vậy, đối với nhà đầu tư lướt sóng có sự rủi ro khi nhóm này vẫn có những biến động khó lường, nhưng lại là cơ hội cho các nhà đầu tư trung dài hạn với sự tích lũy dần ở những doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích, CTCK DSC

Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong quá trình thanh lọc và đào thải, đồng thời các yếu tố ảnh hưởng tích cực như tình hình kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ, mặt bằng lãi suất hay niềm tin và tiền của người dân cần nhiều thời gian, ít nhất 1-2 năm để có thể ổn định trở lại và tiếp bước phát triển.

Về góc độ chứng khoán, chính vì những yếu tố về cả thị trường lẫn rủi ro nợ vay đã khiến nhóm bất động sản không còn thu hút và bị có thể nói là bị “ghẻ lạnh” bởi đại đa số nhà đầu tư, từ đó giá cổ phiếu các doanh nghiệp rơi xuống khu vực “quá bán”.

Tuy nhiên, trong ngắn – trung hạn, tồn tại các doanh nghiệp có định giá thấp, chịu ít rủi ro tài chính (biểu thị rõ ràng nhất vay nợ thấp). Đây có thể là những cổ phiếu tốt để nhà đầu tư tham gia "bắt đáy" trong ngắn hạn.

Ông Dương Hoàng Linh, Giám đốc Phân tích và Đầu tư - CTCK Sacombank

Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm thấy đáy? ảnh 4

Ông Dương Hoàng Linh

Nhìn chung nhóm cổ phiếu bất động sản có nhịp tăng nóng thời gian qua chủ yếu mang yếu tố đầu cơ, dựa trên một số thông tin hỗ trợ là đòn bẩy.

Trên thực tế, thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn đối diện với nhiều khó khăn và thách thức kéo dài. Do vậy, để kỳ vọng thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn và bắt đầu chu kỳ mới thì còn quá sớm, theo tôi hiện tại chưa phải là thời điểm đó.

Tôi chỉ lưu ý việc lướt sóng cổ phiếu ngành này hiện nay chỉ phù hợp với nhà đầu cơ, chấp nhận rủi ro ở mức cao.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng đầu tư, CTCP bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH)

Riêng với nhóm bất động sản, tôi cho rằng sự khó khăn của họ còn kéo dài, đặc biệt với bối cảnh hiện nay. Nhóm này có một đặc điểm rất đáng quan ngại là hệ số nợ rất lớn và câu hỏi họ sẽ thanh toán nợ như thế nào khi mà thị trường bất động sản đang trầm lắng như hiện nay.

Một điểm nữa là đây là nhóm phát hành TPDN rất lớn và thống kê của Finn Trade cho thấy có một số lượng không nhỏ doanh nghiệp nhóm này đã không thể trả nợ trái phiếu.

Thế nên tôi cho rằng, những ai mua nhóm cổ phiếu này với mức tăng cao là rủi ro không nhỏ và đáy của nhóm này còn ở rất xa so với hiện tại.

Xem thêm: lmth.834913tsop-yad-yaht-mit-ad-nas-gnod-tab-ueihp-oc-mohn-iom-naut-naohk-gnuhc-aig-neyuhc-nihn-cog/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Nhóm cổ phiếu bất động sản đã tìm thấy đáy?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools