Giao dịch nhà đất quý 1-2023 giảm 44%
Cả quý 1, Văn phòng đăng ký đất đai TP tiếp nhận và giải quyết gần 70.000 hồ sơ, giảm hơn 54.000 hồ sơ so với quý 1-2022, nguồn thu phí trong cả quý chỉ hơn 19 tỉ đồng.
Tại quận Bình Tân, số lượng hồ sơ nộp tại chi nhánh này giảm 40% so với năm trước. Loại hồ sơ giảm nhiều nhất là hồ sơ chuyển nhượng và hồ sơ đăng ký thế chấp. Lãnh đạo văn phòng cho hay do thị trường nhà, đất giảm mua bán nên lượng hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở cũng giảm theo.
Bên cạnh đó, lượng hồ sơ đăng ký thế chấp sau khi nhận chuyển nhượng và đăng ký thế chấp không kèm chuyển nhượng cũng giảm so với những năm trước vì lãi suất ngân hàng cao. Lãnh đạo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Tân Bình cũng xác nhận hồ sơ giao dịch nhà, đất tại địa phương này giảm hơn 40% so với năm trước. Khối lượng công việc giảm một nửa so với trước đây.
Thiếu tiền, nợ lương nhân viên từ tháng 2-2023
Ngày 7-4 vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chấp thuận chủ trương hỗ trợ VPĐK 20 tỉ đồng để bổ sung nguồn chi lương cơ bản từ tháng 2 đến tháng 5 -2023 cho 1.108 cán bộ, nhân viên của đơn vị này.
Trong quý 1-2023, VPĐK chỉ còn hơn 48 tỉ đồng (kể cả 29,7 tỉ đồng kết dư từ năm 2022 chuyển sang). Sau khi chi cho các khoản, chỉ còn đủ tiền trả lương tháng 1-2023 cho 1.108 cán bộ công nhân viên, còn lương tháng 2 đến nay chưa có nguồn chi trả. Hiện đơn vị này chỉ đủ khả năng nộp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trong quý 1-2023, VPĐK còn thiếu hơn 12 tỉ đồng để trả lương cơ bản và nộp phí công đoàn tháng 2, 3 cho cán bộ nhân viên. Lương tháng 4 cũng chưa có nguồn chi trả.
Nguyên nhân thiếu hụt kinh phí, theo Sở Tài nguyên và Môi trường, do số lượng hồ sơ làm thủ tục đăng ký đất đai tại VPĐK trong quý 1-2023 giảm 44% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, VPĐK hiện chưa thu phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận và phí đăng ký giao dịch bảo đảm nên nguồn thu bị thiếu hụt nghiêm trọng.
Giám đốc một số chi nhánh VPĐK tại các quận, huyện xác nhận cán bộ, nhân viên và người lao động tại các chi nhánh hiện chưa được nhận lương tháng 2, nay đã quá thời hạn nhận lương tháng 4 nhưng VPĐK vẫn chưa chi trả cho nhân viên (hạn trả lương từ ngày 5 đến ngày 10 hằng tháng).
Đề xuất tăng phí
HĐND TP.HCM cho biết đã thẩm định tờ trình của UBND TP về các đề án thu phí một số dịch vụ hành chính công liên quan đến nhà, đất trên địa bàn và xem xét thông qua tại kỳ họp ngày 18-4.
Phí cấp sổ đỏ cho hộ dân cao nhất 1,4 triệu đồng
Có nhiều loại phí liên quan được đề xuất tăng trong đợt này. Trong đó, theo tờ trình đề án thu phí thẩm định đối với hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND TP đề xuất phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chuyển nhượng cao nhất 1,4 triệu đồng/hồ sơ hộ gia đình, cá nhân và 2,3 triệu đồng/hồ sơ của tổ chức, tăng khoảng 40% so với hiện hành.
Đối với việc thẩm định hồ sơ cấp mới, cấp đổi, cấp lại, hồ sơ đăng ký biến động đất đai hiện chưa có thu phí (do ngân sách TP cấp bù) nay đề xuất thu cao nhất 2,8 triệu đồng/hồ sơ đối với cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư và 3 triệu đồng/hồ sơ của tổ chức, cơ sở tôn giáo (xem bảng bên dưới).
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, mức thu theo các đề án là mức chi phí cơ bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước quy định để thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Các chi phí bao gồm chi phí nhân công, vật liệu, dụng cụ, thiết bị, chi phí quản lý và kiểm tra nghiệm thu, chi phí thuê đất, chi phí phải trả ngân hàng về thu phí qua thẻ. Các loại phí trên được miễn đối với trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng...
Tăng phí, thêm niềm nở?
Bà Nguyễn Thị Minh Thư ở quận Bình Thạnh cho rằng dù phí có tăng hay không vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ. Nay phải tăng phí, ngoài chất lượng dịch vụ còn phải có thái độ phục vụ tốt, niềm nở.
"Văn phòng đăng ký đất đai TP (VPĐK) xác định là một đơn vị làm dịch vụ, mức phí bằng giá thị trường cho từng trang giấy A4 thì phải phục vụ người dân như một khách hàng, một đối tác chứ không phải là người đi xin làm thủ tục hành chính", bà Thư nói.
Trưởng bộ phận pháp lý một doanh nghiệp bất động sản ở TP.HCM nhận xét mức phí làm hồ sơ dịch vụ công về nhà, đất nên phù hợp với giá cả về nhân công, khấu hao máy móc mà các đơn vị bỏ ra để hoàn thiện hồ sơ.
Nhưng VPĐK và các cơ quan liên quan phải bảo đảm việc giải quyết hồ sơ đúng thời hạn quy định, trễ hạn phải có văn bản xin lỗi và giải thích lý do, trễ quá bao nhiêu ngày phải bồi thường.
Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường giải quyết hồ sơ trực tuyến, ứng dụng công nghệ thông tin, điện thoại để trao đổi, liên lạc với người làm hồ sơ để thông tin được tiếp nhận nhanh nhất. "Chúng tôi sẵn sàng trả phí cao nhưng phải là một loại phí duy nhất và thống nhất về một mối", vị giám đốc pháp lý nói.
* Chuyên gia kinh tế Chung Thành Tiến:
Công khai lý do tăng phí
So với nhu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân giải quyết nhu cầu vay, kinh doanh, mua đất... thì mức chi phí mà TP.HCM dự định thu là hợp lý, có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, người dân TP đã quen với mức phí cũ nay tăng cao do vậy cần giải thích và công khai nguyên nhân phải tăng phí.
* TS Ninh Thị Hiền (trưởng Văn phòng công chứng Ninh Thị Hiền):
Tăng tiện ích, thêm nguồn thu
Ở góc độ dịch vụ công, VPĐK cần nghiên cứu cách tăng nguồn thu bằng cách "bán" - cung cấp thông tin giao dịch bất động sản thu thập được cho các tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng thông tin này để kinh doanh như ngân hàng, cơ quan công chứng hoặc người dân có nhu cầu.
* Bà Hứa Thị Thảo (TP Thủ Đức):
Rút ngắn thời gian làm hồ sơ được không?
Một số tỉnh thành xung quanh TP.HCM đã tăng phí đăng ký giao dịch bảo đảm, phí thẩm định và cấp giấy chứng nhận từ vài năm trước. Thực tế không ít người đã chi thêm để thuê người làm dịch vụ cho nhanh. Do vậy, khi tăng phí phải kèm theo nâng chất dịch vụ như rút ngắn thời gian chờ, hồ sơ không trễ hẹn, được hướng dẫn cặn kẽ và trao đổi nhiệt tình...
ÁI NHÂN ghi
Tăng thuế đất phi nông nghiệp không quá 5 lần, tăng thuế thu nhập cá nhân không quá 2 lần khi chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên là những chính sách đặc thù được đề xuất áp dụng tại TP.HCM.