Hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Bắc Kinh vừa bỏ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 16-4. Đây được xem là một phần các biện pháp tiến tới chung sống với dịch COVID-19 của Trung Quốc. Tỉ lệ mắc COVID-19 ở nước này có tăng nhẹ vào đầu tháng 4 nhưng các chuyên gia cho rằng không có khả năng xảy ra một làn sóng lây nhiễm lớn khác khắp nước.
Trong khi đó, theo đài NHK, số ca mắc mới ở Nhật Bản trong tuần lễ kết thúc hôm 13-4 đã tăng thêm 10%, tức tăng trong tuần thứ 3 liên tiếp. Bất chấp xu hướng này, Bộ Y tế Nhật Bản hôm 31-3 vẫn dỡ bỏ toàn bộ yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, chính phủ nước này ấn định ngày 8-5 là thời điểm hạ cấp COVID-19 xuống cấp 5, tức bệnh dịch thông thường như cúm. Một khảo sát của Bộ Y tế Nhật Bản cho biết ít nhất 40% dân số đã có kháng thể thông qua mắc COVID-19.
Theo báo cáo dịch tễ toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 14-4, toàn cầu ghi nhận thêm hơn 3 triệu ca mắc và 21.149 ca tử vong trong 28 ngày gần nhất, giảm lần lượt 28% và 30% so với chu kỳ trước.
Báo cáo lưu ý rằng làn sóng dịch COVID-19 mới thể hiện rõ hơn ở các nước không trải qua đợt gia tăng vào mùa xuân như khu vực Nam Á, Tây Á, Đông Nam Á. Trong số này, khu vực dịch tễ Đông Nam Á (tương ứng Nam Á và một phần Đông Nam Á địa lý) tăng tới 481% trong 28 ngày qua.
Nhân viên y tế đứng bên ngoài một trung tâm xét nghiệm trong bệnh viện ở thủ đô New Delhi - Ấn Độ hôm 10-4.Ảnh: REUTERS
Đáng chú ý, Ấn Độ tăng cao nhất thế giới với tỉ lệ 937% và cũng là quốc gia tỏ ra lo lắng nhất, chủ yếu do kinh nghiệm đau thương từ làn sóng Delta năm 2021. Nối lại sản xuất vắc-xin COVID-19, diễn tập tại các bệnh viện và thực hiện các biện pháp sẵn sàng ứng phó khác là lựa chọn của quốc gia đã dỡ bỏ mọi hạn chế thời đại dịch từ năm 2022 này.
Thị trấn Noida ở bang Uttar Pradesh tỏ ra thận trọng nhất với yêu cầu đeo khẩu trang trở lại trong bệnh viện, trường học và một số không gian công cộng khác. Tuy nhiên, hầu hết địa phương vẫn bình tĩnh chung sống với dịch bệnh.
Bộ Y tế Ấn Độ cho biết hôm 16-4 rằng nước này đã ghi nhận thêm 10.093 ca mắc COVID-19 mới và 23 trường hợp tử vong trong 24 giờ. Cựu Giám đốc Viện Y học toàn Ấn Độ (AIIMS) Randeep Guleria trấn an rằng số ca mắc COVID-19 đang tăng nhưng phần lớn đều nhẹ và tỉ lệ nhập viện không tăng".
Tại Singapore, giới chuyên gia nhận định số ca nhập viện vì mắc COVID-19 có đang tăng nhưng các bệnh viện sẽ không bị quá tải. Họ cũng chỉ ra rằng do các biến thể đang lưu hành có độc lực nhẹ hơn Delta nên số ca bệnh nặng cũng khó có thể tăng đáng kể.
Theo Bộ trưởng Y tế Singapore hôm 14-4, làn sóng lây nhiễm mới đang xảy ra ở nước này, với số ca nhiễm mới hằng ngày tăng lên 4.000 vào tuần rồi, so với mức 1.400 cách đây một tháng.
Còn tại Thái Lan, đã xuất hiện dự báo số ca mắc COVID-19 sẽ tăng 2 tuần sau dịp Tết cổ truyền Songkran. Ông Nitipat Jiarakul, Giám đốc Hiệp hội Lồng ngực Thái Lan, cho biết số bệnh nhân mắc COVID-19 phải nhập viện đã tăng từ tháng 3 nhưng hầu hết đều có triệu chứng nhẹ.
Trong khi đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào cuối tuần rồi nhấn mạnh tiêm chủng là "chìa khóa" để đối phó với nguy cơ số ca mắc COVID-19 gia tăng trong dịp lễ hội Hari Raya Aidilfitri của người Hồi giáo, diễn ra từ ngày 20 đến 21-4. Phát biểu này được đưa ra sau khi giới chức Indonesia xác nhận 2 ca mắc biến chủng XBB.1.16 đầu tiên.
Biến chủng này được cho là nguyên nhân dẫn đến số ca mắc COVID-19 gia tăng tại một số nước, trong đó có Ấn Độ và Singapore. Theo hãng tin Antara, biến chủng XBB.1.16 đã được phát hiện tại khoảng 20 nước cho đến giờ.
Báo cáo khẳng định không có VOI hay VUM nào đang lưu hành cho thấy bằng chứng gia tăng về độc lực, tức khả năng gây bệnh nặng và tử vong.
Ngoài ra, khuyến cáo mới nhất về vắc-xin của WHO không còn yêu cầu tiêm thêm sau mũi 3 cho người khỏe mạnh từ 60 tuổi trở xuống nhưng vẫn khuyến cáo tiêm nhắc mỗi 6-12 tháng cho đối tượng nguy cơ bao gồm người cao tuổi, suy giảm miễn dịch nặng, phụ nữ mang thai.
Xem thêm: nhc.113255560714032881-91-divoc-hcid-iov-taoh-hnil-gnu-hciht/nv.fefac