Dù VN-Index giảm hơn 11 điểm trong phiên cuối tuần, nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là nhịp điều chỉnh cần thiết của chỉ số này, giúp lành mạnh hóa thị trường, bởi dòng tiền có xu hướng đầu cơ và đã luân chuyển khắp các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thậm chí cả các mã penny, trong khi không quan tâm nhiều đến các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, dòng tiền đầu cơ chỉ tạo được hưng phấn trong ngắn hạn, nhưng sẽ khó giúp chỉ số có cơ hội bứt phá. Với góc độ của nhà đầu tư muốn "lướt sóng" theo dòng tiền này để kiếm lợi nhuận, đây cũng là một thử thách lớn.
Nhìn lại toàn bộ quá trình tăng điểm từ nửa cuối tháng 3 đến nay cho thấy, thị trường đã phản ánh bất cứ thông tin nào được cho là tích cực, nhưng lại không kéo dài quá vài phiên. Chẳng hạn, khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, thị trường có phản ứng tích cực trong một phiên, nhưng ngay lập tức áp lực chốt lời xuất hiện. Sau đó, nhiều thông tin hỗ trợ khác cho nhóm bất động sản, nhưng phản ứng cũng rất khó đoán định và không kéo dài.
"Dòng tiền đầu cơ đã thể hiện được sự tích cực khi đẩy chỉ số đi lên. VN-Index đã có chuỗi 10 phiên tăng liên tục và nó thể hiện được sự đầu cơ là giá tăng liên tục mà không có luồng điều chỉnh và không có đối trọng cụ thể. Tuy nhiên khi lên giá cao thì sự hưng phấn lại bị tạt nước lạnh", ông Đoàn Tú, nhà môi giới chứng khoán, đánh giá.
Dòng tiền có xu hướng đầu cơ và đã luân chuyển khắp các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Thanh khoản có cải thiện, nhưng đang có xu hướng chậm lại. Thông thường để thị trường đi xa, cần có nhiều "xăng", "xăng" có nghĩa là thanh khoản, dòng tiền. Ở giai đoạn này dòng tiền đang có trạng thái chững lại. Thông thường lượng hay đi trước, giá đi sau", ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, nhận định.
Cũng theo ông Đỗ Bảo Ngọc, phần "xăng" còn thiếu để thị trường đi xa chính là "nguồn xăng - dòng tiền" đầu tư dài hạn và có tính lan tỏa. Bởi sức nóng của dòng tiền đầu cơ chỉ tập trung vào 1 - 2 nhóm nhỏ trong một thời điểm và có thể nhanh chóng "nguội lạnh" trở lại. Minh chứng là các cổ phiếu đã tăng mạnh 40 - 60% trong thời gian ngắn, như BSI, FTS của nhóm chứng khoán, DIG, NLG của nhóm bất động sản đã chững lại, cũng giống như một số mã đầu tư công trước đó. Nhìn lại thì dễ, nhưng để nhà đầu tư "lướt sóng" kiếm được 10 - 15% lợi nhuận từ các mã này cũng là một thách thức lớn.
"Quan điểm của tôi, 70% đầu tư phải thiên về cơ bản, 30% là phân tích kỹ thuật. Nếu chúng ta đủ khả năng, kỹ năng bám tin tức, bám bảng điện và giao dịch thường xuyên thì hoàn toàn có thể theo thuần túy dòng tiền đầu cơ, vẫn có thể kiếm được lợi nhuận, nhưng sẽ phải tập trung nhiều hơn và phải có những bộ kỹ năng đi kèm", ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SmartInvest, cho hay.
"Ở trường phái nào cũng thế thôi, chúng ta cũng cần phải có sự kiên nhẫn nhất định với cổ phiếu và thị trường. Thay vì việc chạy đua khi tăng giá hay quá sợ hãi khi giảm quá mạnh", ông Đoàn Tú, nhà môi giới chứng khoán, cho biết.
Các công ty chứng khoán cũng dự báo, dòng tiền đầu cơ sẽ yếu dần trong 1 - 2 tuần tới và hướng dần trở lại nhóm cổ phiếu cơ bản như ngân hàng, chứng khoán vốn hóa lớn và nguyên vật liệu cơ bản, với mặt bằng giá hấp dẫn hơn trong mắt dòng tiền đầu tư.
VTV.vn - Lực bán tăng mạnh về cuối phiên đã khiến thị trường chứng khoán phiên hôm nay (14/4) chìm trong sắc đỏ, VN-Index lùi sâu hơn dưới mốc tham chiếu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31085358071403202-ahp-tub-xedni-nv-puig-ohk-oc-uad-neit-gnod/et-hnik/nv.vtv