Theo Tổ chức Y tế thế giới, ước tính sẽ có hơn 19 triệu người Việt Nam có nhu cầu đối với ít nhất một dụng cụ phục hồi chức năng. Tuy nhiên trong thực tế vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cũng như trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của người dân và người khuyết tật.
Vươn lên vượt "chướng ngại vật"
Bị lao cột sống và chèn ép tủy sống, ông Lê Minh Hùng (52 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp trong tình trạng liệt hoàn toàn, hai chân gồng cứng.
"Chỉ khoảng 4-5 tiếng đồng hồ mà cơ thể đã liệt, một tuần sau bị lở loét. Khó khăn lớn nhất là sự tổn thương về mặt tinh thần, sau đó mới đến thể xác", ông Hùng nhớ lại.
Sau một năm kiên trì điều trị, ông Hùng được xuất viện và tự đi được với nẹp cổ chân và hai nạng. Dù khi đi còn phụ thuộc vào gậy, nhưng ông Hùng vẫn cố gắng thực hiện rất nhiều chương trình thiện nguyện cho cộng đồng.
Chị Vũ Thị Bình (53 tuổi, ngụ tỉnh Long An) bị gãy trật cột sống sau tai nạn giao thông. Nhập viện tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, chị Bình bị liệt hoàn toàn hai chân.
Với sự nỗ lực kiên trì tập luyện, không khuất phục số phận, chỉ mất bốn tháng chị Bình đã được xuất viện. Hiện chị Bình đã có thể đi lại trên chính đôi chân của mình, làm việc nhà bình thường.
Nhìn lại hình ảnh mình lúc nhập viện, ngồi trên xe lăn bật khóc vì đôi chân bị liệt không thể làm gì được, chị Bình bộc bạch: "Tôi tưởng rằng mình đã không khỏi. Tôi không chấp nhận số phận nên hay khóc. Được bác sĩ động viên, tôi cũng tự an ủi cố gắng tập luyện, rồi bệnh tiến triển tốt dần, tinh thần cũng tốt hơn. Hiện tôi đã trở về cuộc sống bình thường gần 80%".
Tương tự, ở tuổi 23 với bao ước mơ và hoài bão, nhưng vì hậu quả của tai nạn giao thông đã cướp đi sức khỏe của anh Nguyễn Chánh Tín (nay 36 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định). Sau tai nạn, anh Tín bị liệt tứ chi, chấn thương cột sống cổ, tổn thương tủy sống... "Sự cố này là cú sốc. Tôi sụp đổ hoàn toàn", anh Tín nhớ lại.
Với những tình cảm và sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp và nghị lực của chính bản thân mình, anh Tín đã dần vượt qua "cửa tử".
Vào cột mốc 10 năm sống với căn bệnh tổn thương tủy sống, anh Tín đã cho ra đời cuốn sách bằng một ngón tay duy nhất (gõ trên màn hình iPad) giúp truyền cảm hứng và nghị lực sống cho mọi người, đặc biệt là cho những người cùng cảnh ngộ.
Hãy cố gắng hết sức, cánh cửa sẽ mở rộng
Bác sĩ Nguyễn Dương Hoàng Khang (Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM) cho biết tổn thương tủy sống là tổn thương nặng đối với các dây thần kinh trong ống tủy sống.
Phần lớn các trường hợp tổn thương tủy sống có nguyên nhân do chấn thương cột sống dẫn đến thay đổi tạm thời hoặc vĩnh viễn trong chức năng vận động, cảm giác hoặc tự chủ bình thường của tủy sống.
Tại Việt Nam chưa tìm được con số thống kê cụ thể người bị tổn thương tủy sống. Riêng tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, trong 5 năm gần đây đã nhận điều trị gần 6.000 người bệnh tổn thương tủy sống, trong đó người bị tổn thương tủy sống vì bệnh lý chiếm 24%, còn tai nạn chiếm 76% (nam giới chiếm 77%).
Dù để lại nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, nhưng theo bác sĩ CKII Lê Hoàng Dũng - trưởng khoa phục hồi chức năng - tổn thương tủy sống - còn rất nhiều bệnh nhân chưa có điều kiện tiếp cận điều trị kịp thời. Việc sơ cứu chưa đúng cách đã vô tình dẫn đến tổn thương nặng nề hơn, để lại nhiều biến chứng cho bệnh nhân như teo cơ, cứng khớp, loét, nhiễm trùng tiết niệu...
Ông Phan Minh Hoàng, giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, cho rằng phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị tổn thương tủy sống rất cần thiết vì phần lớn bệnh nhân ở độ tuổi lao động, thu nhập chính cho gia đình. Tuy nhiên việc điều trị không dễ và khó thành công trong thời gian ngắn.
"Chúng tôi sẽ hỗ trợ, cung cấp "chìa khóa" cho bệnh nhân, nhưng việc mở cánh cửa là ở họ. Chúng tôi luôn cho bệnh nhân mượn bờ vai để tập đi, nhưng không thể đi thay thế họ. Bệnh nhân bị tổn thương tủy sống khi cố gắng hết sức, đồng lòng cùng với bác sĩ thì chắc chắn "cánh cửa" cuộc đời được mở rộng", ông Hoàng chia sẻ.
Người khuyết tật gặp khó vì thiếu phương tiện trợ giúp
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết tại Việt Nam hiện có hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên bị khuyết tật, và 13% gia đình có người khuyết tật (tương đương với 12 triệu người).
TTO - Một nghiên cứu mới đã tuyển chọn 9 người bị bại liệt nặng hoặc liệt hoàn toàn để thử nghiệm một phương pháp điều trị bằng kích thích điện. Kết quả tất cả đều hồi phục hoặc cải thiện khả năng đi lại.
Xem thêm: mth.89794758071403202-aun-nal-meht-om-gnos-yut-gnouht-nahc-ib-iougn-auc-iod-couc-auc-hnac/nv.ertiout