Thời điểm ấy, năm bác sĩ ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cũng đã hy sinh khi chống dịch.
"Hôm nay ngày giỗ thầy tôi và cũng là năm kỷ niệm 20 năm dịch SARS", người bác sĩ Việt ấy viết. Thời gian trôi nhanh quá, đại dịch lớn đầu tiên của thế kỷ 21 đã qua đúng 20 năm, và thế giới đã gánh thêm nhiều đau thương cũng như nhiều kinh nghiệm sau những đợt dịch H5N1, H1N1 rồi COVID-19.
Sự hy sinh của các y bác sĩ
Tròn 20 năm sau dịch SARS, GS.TS Lê Đăng Hà - viện trưởng Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới thời điểm dịch, người hùng trong cuộc chiến chống SARS năm xưa - đã ra đi mãi mãi.
Có người như bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Võ Văn Bản, Minh Hà, y tá trưởng Nguyễn Thị Thục... đã nghỉ hưu sau nhiều năm làm việc. Họ từng kiên cường tham gia chống dịch SARS 2003, dịch cúm A H5N1 năm 2004 - 2005, cúm A H1N1 năm 2009...
Và thế hệ kế bước họ, con gái y tá trưởng Nguyễn Thị Thục năm xưa là bác sĩ Trần Thị Hải Ninh nay cũng là một trưởng khoa vững vàng chống dịch COVID-19 để tiếp tục góp phần cứu sống nhiều người.
Hồi tưởng quá khứ, ông Võ Văn Bản - nguyên phó tổng giám đốc Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội thời điểm dịch SARS - nhớ lại trong năm y bác sĩ của bệnh viện này hy sinh những ngày dịch diễn ra, có hai chị Nguyễn Thị Lượng mất khi mới 46 tuổi và chị Phạm Thị Uyên mới 43 tuổi. Hai người đều đã gắn bó từ những ngày đầu Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội năm 1997.
Còn bác sĩ Nguyễn Thế Phương mới về bệnh viện chừng một năm. Anh không trực tiếp chăm sóc bệnh nhân Chung Cheng, người Hong Kong nhập cảnh bị nhiễm SARS đầu tiên, nhưng đã mổ đẻ cùng bác sĩ người Pháp Jean Paul Derosier khi ấy đã mắc bệnh và lây cho bác sĩ Phương.
"Đó là những ngày rất kinh khủng của chúng tôi", ông Võ Văn Bản xúc động kể.
Trong ký ức chị Nguyễn Thị Thục, hồi dịch SARS là y tá trưởng Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương), nơi tháng 3, tháng 4-2003 được giao điều trị bệnh nhân SARS, chị Lượng là người mạnh khỏe và nhanh nhẹn. Hai chị vốn là y tá cùng làm ở Bệnh viện Bạch Mai.
Sau này, Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới tách riêng, chị Lượng chuyển sang Bệnh viện Việt Pháp họ mới ít gặp nhau, nhưng vẫn cùng trong khu Phương Mai toàn bệnh viện và đồng nghiệp.
Khi nghe tin có nhân viên y tế đều là những người quen biết tử vong vì bệnh dịch, cả khu Phương Mai rụng rời, thương tiếc.
"Thương nhất là đám tang các anh chị ấy vắng vẻ lắm, rất ít người đến đưa tiễn. Ai đến cũng đeo khẩu trang, đó là những đám tang lạ nhất mà tôi từng thấy", chị Thục nghèn nghẹn tâm sự.
Ngoài năm y bác sĩ mất trong những ngày dịch nặng nề, sau này một bác sĩ nữa qua đời tại Pháp cũng liên quan đến tình trạng miễn dịch kém do mắc SARS trong những ngày làm việc tại Bệnh viện Việt Pháp.
Còn bác sĩ Carlo Urbani, người nhận ra những điểm mới bất thường của vi rút SARS ở những bệnh nhân đầu tiên tại Việt Nam, cũng bị lây bệnh và qua đời ở Thái Lan...
Khi đó, Bệnh viện Việt Pháp có gần 200 nhân viên nhưng tới 35 người mắc bệnh và năm người mất. Nhân viên y tế thiếu thốn, có những lúc một y tá phải bóp bóng cho hai bệnh nhân.
Cả bốn bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đều nhiễm bệnh vì bệnh nhân viêm phổi phải chụp hình phổi hằng ngày và đã lây cho họ.
Nhưng trên 160 người còn lại đã không rời vị trí. Có người mắc SARS, được điều trị khỏi và cơ hội về nhà như bác sĩ Lê Viết Vui đã không về mà tiếp tục ở lại bệnh viện tham gia điều trị cho đồng nghiệp.
Họ đã không suy sụp mà chiến đấu thật sự, kể cả khi có đồng nghiệp hy sinh. 20 năm đã trôi qua nhưng ông Bản nói những con người ấy chưa bao giờ đi vào quên lãng.
"Khi có dịch COVID-19, người ta lại nhớ nhiều đến dịch SARS năm xưa. Chúng tôi cũng càng nhớ nhiều về đồng nghiệp mình", ông Bản trải lòng.
20 năm sau đợt dịch năm 2003, bác sĩ Bản nghỉ hưu nhưng đã quay lại vai trò bác sĩ tâm lý như khi ông còn trẻ; bác sĩ Hồng Hà là chỗ dựa vững vàng của các đồng nghiệp trẻ trong chống dịch COVID-19...
Họ sẽ được nhớ mãi
Nhớ lại ngày 11-3-2003, Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới đón những bệnh nhân SARS đầu tiên.
Khi đó tại Việt Nam chưa có ca bệnh SARS nào tử vong, y bác sĩ nhiệt đới lúc đấy biết đây là căn bệnh lạ, gây viêm phổi, toàn thế giới đang lo lắng. Họ cũng đón bệnh nhân trong tâm trạng như vậy nhưng "trách nhiệm của mình là cứu người bệnh".
"Chúng tôi đã tiếp nhận 34 bệnh nhân SARS, nhiều người trong số này rất nặng, nhưng phương án hồi đó sau khi bàn bạc là thở máy không xâm nhập, không mở nội khí quản như các bệnh nhân SARS đã điều trị trước đó.
Chúng tôi cũng tính tới vi rút tích tụ trong các phòng bệnh và quyết định thông thoáng không khí bằng mở cửa buồng bệnh" - ông Nguyễn Hồng Hà, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương, thời điểm đó là trưởng phòng cấp cứu Viện Lâm sàng các bệnh nhiệt đới, chia sẻ.
Năm 2013, kỷ niệm 10 năm dịch SARS được khống chế, trong bài phát biểu tại lễ tưởng nhớ tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Hùng, một trong số những bệnh nhân nặng của bác sĩ Hồng Hà, đã nói một đoạn tiếng Ý riêng với con trai bác sĩ Carlo, anh Tommaso Urbani.
Đại ý "cái chết của bố cháu như sự hy sinh của một người bạn cho một người bạn". Ông Hùng là Việt kiều Ý, trở về Việt Nam năm 1995. Những năm 2000, ông quen bác sĩ Carlo. Cộng đồng người Ý ở Hà Nội rất ít ỏi và Việt kiều Ý ở Hà Nội càng ít hơn nữa. Họ rất quý nhau.
Ngày 14-3-2003, người chú ruột của ông Hùng là ông Nguyễn Hữu Bội cũng là một bác sĩ đã trở về Việt Nam sau hơn 50 năm định cư tại Pháp và đã bị nhiễm SARS (mà lúc đó chưa ai biết là bệnh gì).
Ông Hùng đã gọi điện cho bác sĩ Carlo lúc đó đang ở sân bay chuẩn bị đi Thái Lan. Bác sĩ này lo ngại nói hãy cẩn thận vì đây là căn bệnh rất lạ, ông sẽ nói nhiều hơn khi quay về Hà Nội.
Không ngờ đó là lần cuối cùng họ được nói chuyện bởi ông Carlo đã mất vì SARS ngày 29-3-2003 tại Thái Lan.
Còn ông Hùng thì trải qua hơn một tháng điều trị tại bệnh viện, và một năm kiên trì tập luyện mà vẫn còn âm ỉ di chứng của SARS. Nhiều năm đã qua, điều mà ông nhớ nhất là những người đã giúp ông hồi sinh như bác sĩ Minh Hà, bác sĩ Hồng Hà, y tá Nguyễn Thị Thục...
"Họ hầu như không ngủ, mỗi bữa ăn của tôi kéo dài hàng giờ mà họ vẫn kiên nhẫn bón từng thìa và liên tục động viên tôi", ông Hùng nhớ lại. Khi ông được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng hoảng loạn, chuẩn bị phải mở nội khí quản để cho thở máy thì các bác sĩ đã quyết định cho ông thở máy không xâm nhập.
Đó là quyết định sáng suốt khi có đến 5/6 bệnh nhân SARS mở nội khí quản đã qua đời, người còn sống thì di chứng đến mãi sau này.
Còn bác sĩ Hồng Hà tâm sự anh mới gặp lại y tá Nguyễn Thị Mến, một trong những bệnh nhân SARS nặng nhất trong đợt dịch 2003 được cứu sống.
Thỉnh thoảng các bác sĩ được gặp những bệnh nhân, họ vẫn nhớ về những câu chuyện 20 năm trước đã cùng trải qua thời khắc sinh tử và mong bình an cho tất cả.
Dịch bệnh đau thương ai cũng muốn khép lại, nhưng những bài học cần được nhớ mãi để tiếp tục vững bước tương lai.
Dịch SARS 2003
* Xuất hiện tại Việt Nam lần đầu tiên ngày 22-2-2003, và 8-4-2003 là ngày bệnh nhân SARS cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam.
* 28-4-2003: Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới được WHO công nhận khống chế thành công dịch SARS. Tổng cộng có 63 người nhiễm SARS ở Việt Nam, 37/63 người nhiễm bệnh là nhân viên y tế.
Trong đó có năm người tử vong (chưa kể ba người mắc bệnh tại Việt Nam nhưng tử vong ở nước ngoài). Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, toàn bộ bệnh nhân điều trị tại đây đều khỏi bệnh và không lây nhiễm ra cộng đồng, cán bộ y tế.
Miếu thờ các y bác sĩ đã hy sinh
Cũng là một bệnh nhân mắc SARS năm 2003, nữ hộ sinh Chu Thị Phương (sinh năm 1954), cựu nhân viên khoa sản Bệnh viện Việt Pháp, vẫn xúc động nhớ như in những ngày tháng lịch sử ấy.
Sau khi trải qua đại dịch, bệnh viện này chìm trong đau thương khi có tới năm y bác sĩ ra đi.
Năm 2005, một miếu thờ được lập ngay trong khuôn viên bệnh viện, trên tấm bia tưởng niệm ghi tên các y bác sĩ đã ra đi (gồm một người mất sau khi đã về Pháp) là y tá Nguyễn Thị Lượng, bác sĩ Jean - Paul Dirosier, y tá Phạm Thị Uyên, bác sĩ Nguyễn Thế Phương, bác sĩ Nguyễn Hữu Bội và bác sĩ Jacque.
Miếu thờ được lập tại một góc khuôn viên bệnh viện, cây cối um tùm. Mọi người phát quang, trồng thêm cây cảnh xung quanh. Còn chị Phương chăm lo nhang khói cho miếu các ngày giỗ, ngày lễ, ngày rằm.
Giọng trầm xuống, chị Phương bộc bạch cùng trải qua ranh giới giữa sự sống - cái chết với nhau, mấy anh chị em đã ra đi ở độ tuổi còn quá trẻ, bác sĩ Nguyễn Thế Phương mất lúc ấy mới hơn 30 tuổi.
Chị Phương may mắn hơn, có cơ hội khói hương cho miếu thờ đồng nghiệp. Nó là tấm lòng luôn tưởng nhớ đến những y bác sĩ đã ra đi.
Năm 2017, khi Bệnh viện Việt Pháp xây dựng công trình mới, miếu thờ được chuyển ra ngoài khuôn viên bệnh viện và giờ đây nằm lặng lẽ dưới gốc cây ven đường, giữa dòng người tấp nập qua lại để lặng nhìn và tưởng nhớ...
DƯƠNG LIỄU
Bác sĩ Jiang Yanyong, người đã cảnh báo mức độ nguy hiểm của SARS khi đại dịch càn quét Bắc Kinh năm 2003, vừa qua đời ở tuổi 91.
Xem thêm: mth.68504108081403202-neuq-auhc-neihc-couc-3202-3002-sras-hcid-man-02/nv.ertiout