Theo dữ liệu của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc, GDP trong quý I/2023 tăng trưởng 4,5%, so với mức tăng 2,2% trong quý IV/2022.
Ngoài ra, một loạt số liệu kinh tế khác cũng gây nhiều sự chú ý. Trong đó, doanh số bán lẻ của nước này tăng vọt 10,6% trong tháng 3, mức cao nhất từ tháng 6/2021 và vượt xa mức dự báo là 7,4%, đóng góp phần lớn là do thị trường mua bán hàng trực tuyến sôi động. Tính chung trong quý I, doanh số bán lẻ tăng 5,8%.
Đầu tư vào tài sản cố định trong ba tháng đầu năm tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, yếu hơn so với mức dự báo 5,7%. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối tháng 3 giảm xuống 5,3%, thấp hơn 0,2% so với dự báo. Tuy nhiên, nó vẫn cao hơn mức trung bình trước đại dịch COVID-19 là 5%.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 3 lại không được như kỳ vọng, khi chỉ tăng 3,9%, thấp hơn đôi chút so với dự đoán của giới chuyên gia là 4%. Sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 2,4% (Trung Quốc thường kết hợp dữ liệu kinh tế cho tháng 1 và tháng 2 để tính đến tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán).
Ông Fu Linghui, người phát ngôn của Tổng Cục Thống kê Trung Quốc nhận định, nền tảng cho đà phục hồi kinh tế hiện nay chưa bền vững do tình hình quốc tế phức tạp và nhu cầu trong nước chưa đủ lớn để có thể hỗ trợ mạnh mẽ cho kinh tế nước này. Nói về tương lai, ông Fu Linghui cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn phải đối mặt với những rủi ro về nhu cầu của thị trường nước ngoài.
Theo ông Fu, hoạt động xuất nhập khẩu của Trung Quốc sẽ chịu một số áp lực, vì tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn còn yếu. Song, ông vẫn lạc quan về khả năng phục hồi mạnh mẽ của hoạt động thương mại Trung Quốc.
GDP của Trung Quốc đã tăng 3% trong năm 2022, ít hơn nhiều so với mục tiêu mà chính quyền nước này đặt ra là 5,5%. Sang năm 2023, chính phủ nước này đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức khoảng 5%.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch và chuyên gia kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận định rằng: “Đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang đi đúng hướng. Điểm sáng là tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ niềm tin của các hộ gia đình cải thiện. Các chỉ số về tăng trưởng tín dụng cũng cho thấy động lực kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện trong quý II”.
Nói về tình hình giá cả, ông Fu cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong quý I vẫn ở mức bình ổn là 1,3%. “Nhìn chung, không có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Trung Quốc đang rơi vào giảm phát trong quý I và trong giai đoạn tới cũng vậy”, ông Fu kết luận.
Ông cũng dự đoán, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 2 sẽ phục hồi đáng kể. Trong đó, tiêu dùng sẽ đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy tăng trưởng và các hoạt động đầu tư có thể tiếp tục tăng, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục cho thấy hiệu quả.
Cùng quan điểm trên, ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ANZ dự đoán, tăng trưởng GDP quý II/2023 của Trung Quốc có thể đạt tới 8%. Giới chuyên gia dự đoán, GDP của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 7,3% trong quý II/2023, trước khi chậm lại 4,9% và 5,8% trong hai quý cuối cùng của năm 2023. Tính chung cả năm 2023, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3%.