Vị thế đồng tiền dự trữ quốc tế của USD đang bị một số nhà phân tích ngờ vực trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày một tăng, khối nợ của Mỹ lớn dần và phương Tây phải đối mặt với các thách thức địa chính trị trong vấn đề Ukraine, Đài Loan (Trung Quốc).
Hôm 17/4, tại tổ chức nghiên cứu chính sách Council on Foreign Relations (New York, Mỹ), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng "một bản đồ toàn cầu mới" đang được vẽ ra. Bà ví dụ một số quốc gia đang tìm đồng tiền thay thế trong thanh toán, như nhân dân tệ của Trung Quốc hay rupee Ấn Độ. Số khác tích trữ vàng hoặc thiết lập hệ thống thanh toán riêng.
"Những diễn biến này không có nghĩa USD hay euro sắp mất thế thống trị. Đến nay, các số liệu chưa cho thấy sự thay đổi đáng kể nào trong việc sử dụng các loại tiền tệ trên toàn cầu. Tuy nhiên, nó cho thấy vị thế tiền tệ quốc tế không nên được coi là điều hiển nhiên", bà nói.
Khoảng 60% dự trữ ngoại hối và nợ quốc tế hiện niêm yết bằng USD. Euro đứng thứ hai với 20%, theo số liệu của ECB.
Tuần trước, trong chuyến thăm Trung Quốc, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi đưa ra tiền tệ thay thế USD trong thương mại giữa các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi). Việc phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga cũng khiến nhân dân tệ ngày càng phổ biến tại quốc gia này.
Giới chức Mỹ đến nay vẫn phủ nhận nguy cơ đồng USD mất vị trí thống trị trên toàn cầu. Họ cho rằng vai trò này có thể còn được củng cố nhiều hơn nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra mắt đồng USD kỹ thuật số.
ECB cũng kỳ vọng phiên bản điện tử của đồng euro sẽ giúp đồng tiền này phổ biến hơn ở nước ngoài. Tuy nhiên, nó cũng sẽ đi kèm nhiều rủi ro khác, như rửa tiền.
Hà Thu (theo Reuters)