Ngày 18-4, ngoại trưởng các nước G7 đã kết thúc ba ngày làm việc tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa, tỉnh Nagano của Nhật Bản.
Nhóm G7 chỉ trích các động thái của Trung Quốc đối với đảo Đài Loan. Các nước G7 cũng nêu lập trường cứng rắn với "mối đe dọa" về việc Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus.
Trung Quốc phản pháo G7
Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày làm việc 18-4, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nói: "Sức mạnh ở sự đoàn kết giữa các ngoại trưởng G7 đang ở mức độ chưa từng thấy trước đây".
"Sự đoàn kết" trở thành cụm từ đáng chú ý nhất cuộc họp tại Nhật Bản. Các nước G7 (Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Ý, Nhật Bản và Liên minh châu Âu - EU) đã phải nỗ lực tìm tiếng nói chung trong vấn đề Đài Loan và Trung Quốc đại lục.
Trong tháng 4 này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gây tranh cãi khi cho rằng EU phải giảm lệ thuộc vào Mỹ, cẩn trọng để tránh bị kéo vào cuộc khủng hoảng Đài Loan.
Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, và gần đây có nhiều động thái quân sự khiến các nước lo lắng cho an ninh của khu vực.
Trong bản thông cáo chung, G7 vừa qua đặc biệt nhấn mạnh sự can thiệp quân sự của Nga tại Ukraine và liên hệ chuyện này với quan hệ Trung Quốc - Đài Loan.
Đáp lại, cùng ngày 18-4, Trung Quốc phản pháo và cho rằng bình luận của G7 là sự can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc.
Trung Quốc và Nga tăng cường hợp tác quân sự
Không chỉ liên tưởng về kịch bản Trung Quốc - Đài Loan và Nga - Ukraine, các nước G7 cũng quan tâm tới quan hệ Trung - Nga. Một số luồng ý kiến từ phương Tây đến nay vẫn đề cập khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga sử dụng tại Ukraine, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ.
Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Trung Quốc vẫn chưa cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Tuy nhiên quan chức Mỹ cũng lo ngại về các sản phẩm có thể bị sử dụng với mục đích kép, ví dụ linh kiện điện tử dùng cho tên lửa và một số vũ khí khác.
Trùng lịch với cuộc họp G7, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Hai bên nhất trí tiếp tục các cuộc tiếp xúc và truyền thông cấp cao, cũng như cải thiện cơ chế tương tác giữa quân đội hai nước.
Tại Matxcơva, ông Lý và ông Shoigu tái nhấn mạnh sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong việc "bảo vệ lợi ích cốt lõi", và phản đối sự can thiệp công việc nội bộ từ các thế lực bên ngoài.
Trong phản ứng trước thông cáo của G7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng G7 "đầy định kiến" với Trung Quốc và kêu gọi G7 tốt nhất nên tự giải quyết vấn đề của riêng họ.
Hôm nay (18-4), ngoại trưởng các nước G7 sẽ kết thúc ba ngày làm việc tại Nhật Bản, với ưu tiên tăng cường sự đoàn kết và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp.
Xem thêm: mth.41571442281403202-neik-hnid-yad-7g-ion-couq-gnurt/nv.ertiout