Những ngày đầu tháng 4, khi PV Thanh Niên tiếp cận fanpage "Việc làm online tại nhà", lập tức được tài khoản Hy Cuti hướng dẫn đặt mua hàng online để tăng tương tác cho các gian hàng. Với các đơn hàng đầu tiên, số tiền phải nạp vào để thực hiện nhiệm vụ là 68.000 đồng, hoàn thành sẽ nhận được 90.000 đồng, gồm tiền gốc và tiền "hoa hồng". Với yêu cầu nạp thêm 779.000 đồng để thực hiện tiếp nhiệm vụ, PV đề nghị hoàn lại số tiền đã nạp trước đó là 260.000 đồng, nhưng bị từ chối. PV quyết định dừng thì được "động viên": "Mượn tạm ai rồi hoàn thành đơn này và đơn nữa thì chị hỗ trợ làm để rút tiền về", kèm ảnh giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Không nhận được phản hồi, Hy Cuti lập tức cảnh báo: "21 giờ hệ thống ngưng hoạt động không ai giải quyết".
Cũng với chiêu thức này của kẻ xấu, chị P.Q.T (trú Q.Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã bị sập bẫy: "Tôi nạp tiền vào tài khoản rất nhiều lần. Đến khi số tiền gần 3 triệu đồng, muốn chuyển tiền đã nạp cùng tiền hoa hồng vào tài khoản ngân hàng cá nhân thì phát hiện mình bị lừa, mọi giao dịch không thực hiện được nữa". Trong khi đó, chị T.V (trú Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tải ứng dụng Telegram, đăng ký tài khoản và nhận nhiệm vụ từ các đối tượng, nghe lời mời gọi, dụ dỗ của các "chuyên gia đọc lệnh", chị V. mất 44 triệu đồng.
Trò lừa cũ, nạn nhân mới
Nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết từng gặp cảnh phiền hà khi bắt máy thì có cuộc gọi đến mời tham gia hội nhóm kiếm tiền trên mạng.
BĐ Trịnh Cường thông tin: "Vào ngày 1.4 và 3.4, có số lạ gọi đến số máy của tôi không được, sau đó họ nhắn tin xưng là quản lý nhân sự TikTok mời tôi làm việc online, lương từ 500.000 đến 3 triệu đồng một ngày, thanh toán cuối ngày, liên hệ nhanh số...".
Tương tự, BĐ Bui Duc Thanh kể: "Tôi cũng bị tin nhắn kiểu này nhiều lần qua Zalo. Nhưng đối với tôi, tất cả những tin nhắn hoặc những cuộc gọi nói bạn đã trúng thưởng hoặc có bưu phẩm, có quà tặng đều vô nghĩa. Tôi đều nói không và xóa ngay tin nhắn đó. Trong đầu tôi có ngay suy nghĩ: Lại thêm một trò lừa nữa đây".
Tuy nhiên, một số người không kịp nhận ra lưới lừa đang giăng ra bẫy mình. "Người thân tôi cũng bị lừa bằng hình thức nạp tiền đọc lệnh, đến khi số tiền quá lớn không nạp được sẽ không thể rút tiền ra. Cụ thể là một website thông báo tìm nhân sự việc làm qua công ty hợp tác quốc tế. Mong mọi người lưu ý cảnh giác để không bị các đối tượng xấu lôi kéo", BĐ Hanh chia sẻ.
Cũng có người như BĐ Văn Hùng khẳng định đã nhìn ra chiêu lừa đảo và lên tiếng cảnh báo, nhưng người nhà thì lại tin tưởng nên làm theo: "Người nhà tôi dính vô mấy chiêu lừa kiểu này, gần giống vậy, cũng đi nạp tiền với hứa hẹn là sẽ lên sàn chứng khoán gì đó ở nước ngoài. Tôi căng mình ra giải thích, can ngăn nhưng không thành công, còn bị nói ngược lại là không nhạy bén, kiếm tiền dễ dàng như vậy sao lại bỏ qua. Rốt cuộc sàn đâu không thấy mà chỗ đầu tư cũng không còn tăm hơi, thật ngao ngán".
Nâng cao nhận thức, gia tăng giải pháp
Nhiều BĐ cho rằng không khó để nhận ra kịch bản lừa đảo, khi việc kiếm tiền qua mạng được thêu dệt quá dễ dàng. BĐ Duong Yen đặt vấn đề: "Nhiệm vụ là nhiệm vụ gì, làm sao lại có chuyện lạ đời là nạp tiền thì mới hoàn thành nhiệm vụ? Rồi lại ở đâu ra mà tiền đẻ lãi nhanh đến vậy, sao lại mờ mắt không nhận ra chuyện kiếm tiền dễ dàng vậy sao?".
Cùng quan điểm, BĐ Toản Trần đặt câu hỏi về vấn đề mấu chốt thu hút nhiều người lao vào: "Chỉ cần nghĩ người ta lấy đâu ra tiền để trả lãi cùng tiền thưởng cho mình nhiều thế. Nếu người ta nhiều tiền và phóng khoáng vậy thì có cần ngồi năn nỉ mình nạp tiền vào không?".
BĐ cho rằng một số người do thiếu hiểu biết, hám lợi nên bị đưa vào tròng. "Đọc bài báo thấy chiêu lừa cũ rích vậy mà cũng có người sập bẫy. Nguyên nhân là tham và không chịu tìm hiểu thông tin", BĐ Vu Thuc nêu ý kiến. BĐ Blackrose bình luận: "Còn người bị lừa thì đối tượng xấu còn tiếp tục đi lừa, họ còn gọi điện nhắn tin mời gọi ngon ngọt thì thế nào cũng có người lại bị cuốn theo. Chỉ có tự thân mỗi người biết phân biệt thật giả thì may ra mới không bị xỏ mũi, đâu có ai tự dưng đem tiền cho mình như vậy".
Hiện trạng đã được chỉ ra, nên theo BĐ Duong Su, rất cần có biện pháp giải quyết: "Tình trạng lừa đảo qua mạng được chỉ ra là do nhận thức của người dân, do pháp luật có kẽ hở, do quản lý… Thực trạng đã rõ rồi, người dân cần giải pháp".
BĐ Tu Moi đề nghị: "Thông báo thì cũng đã thông báo rồi, cảnh báo thì nhiều cơ quan cũng đã cảnh báo. Nhưng thiết nghĩ cũng cần có thêm cách nào đó để nhiều người như người già, người ở vùng xa, người ít đọc báo, nắm được những kiểu lừa đảo này để mà tránh".
* Tôi cũng là nạn nhân đây. Tôi muốn cảnh báo mọi người để không ai bị giống như mình. Số tiền không phải quá lớn nhưng là bài học đắt giá đối với tôi khi mất tự chủ bị hút theo lời dụ dỗ.
Nguyen That
* Các tổ chức, cá nhân lừa đảo giỏi về công nghệ thông tin, cộng với diễn xuất hay, cùng nhiều phần mềm hỗ trợ… Thế thì người bình thường bị lừa là phải.
Xanh Rong Rêu
* Đề nghị phải có chế tài thật nặng đối với những kẻ lừa đảo mới có tính răn đe cao. Cần nghiên cứu các mức án tù từ 15 năm trở lên. Vì có thể mỗi lần lừa vài triệu đồng nhưng chúng lừa rất nhiều người, thậm chí cả một cộng đồng. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn, nghiêm trọng.
Nam Nguyen Van