Chứng khoán Phố Wall diễn biến thận trọng
Tại phố Wall, nóng nhất là những báo cáo lợi nhuận kinh doanh quý I của các doanh nghiệp, tập đoàn Mỹ được công bố. Đây là một chỉ báo quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tâm lý thận trọng có thể thấy rõ trong phiên giao dịch đêm 18/4 tại phố Wall. Dù dữ liệu cho thấy lợi nhuận của nhóm ngân hàng đa số là tốt và an toàn sau hàng loạt những áp lực trên hệ thống tài chính Mỹ, tuy nhiên dường như đó là chưa đủ với các nhà đầu tư.
Kết phiên, các chỉ số gần như đi ngang cho thấy tâm lý thận trọng, trong đó S&P tăng 0,086%, Nasdaq 0,04%, Dow Jones giảm 0,03%. Điểm sáng là nhóm cổ phiếu ngành xây dựng.
Ở nhóm ngân hàng, Bank of America cho thấy lợi nhuận tốt, còn Goldman Sachs chứng kiến doanh thu giảm nhẹ. Điều này cho thấy, sức khỏe thị trường tài chính Mỹ vẫn ổn định. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến FED càng dễ dàng tiếp tục với chính sách thắt chặt tiền tệ trong cuộc họp tiếp theo. Đây là điều nhà đầu tư không mong muốn.
Lợi nhuận của nhóm S&P 500 dự báo giảm
Tính đến nay, gần 100 công ty trong nhóm chỉ số S&P 500 (nhóm 500 doanh nghiệp đại chúng có vốn hóa lớn nhất nước Mỹ) đã công bố báo cáo kinh doanh quý I. Đáng chú ý, 90% trong số này đều ghi nhận lợi nhuận vượt kỳ vọng.
Tuy nhiên bức tranh kinh doanh tổng thể sẽ không phải màu hồng như vậy, theo các nhà phân tích nghiên cứu thị trường. Hiện một số tổ chức dự báo, thu nhập của nhóm S&P 500 tổng thể trong 3 tháng đầu năm sẽ giảm từ 4,8 - 7% so với cùng kỳ năm trước.
Điều đó có nghĩa quý I/2023 sẽ đánh dấu sự sụt giảm thu nhập hàng quý thứ 2 liên tiếp cho các công ty Mỹ thuộc nhóm S&P 500 (suy giảm lợi nhuận). Nhóm ngành ngân hàng dù chịu nhiều áp lực từ giữa tháng 3, nhưng dự báo thu nhập lãi thuần không quá bị ảnh hưởng nhờ hưởng lợi từ môi trường lãi suất cao. Tuy nhiên nhóm bán lẻ, hàng hóa, dự báo lợi nhuận quý I sẽ không đạt được mục tiêu.
"Dự báo triển vọng về thu nhập quý đầu tiên của nhóm S&P 500 sẽ giảm 6,5%. Nếu đúng vậy, đây sẽ đánh dấu thu nhập hàng quý tồi tệ nhất kể từ quý II năm 2020 - thời điểm bắt đầu đại dịch COVID-19. Chỉ riêng trong tuần này, sẽ có hơn 280 doanh nghiệp công bố báo cáo kinh doanh quý I, bao gồm IBM, Bank of America, Johnson & Johnson… Thị trường đã có một khởi đầu tốt vào thứ Sáu (15/4) tuần trước, khi một số ngân hàng lớn báo cáo thu nhập cao một cách đáng ngạc nhiên. Dữ liệu về mùa báo cáo quý I sẽ cho thấy sức mạnh của nền kinh tế và cả những gì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hoặc không thể làm sau cuộc họp tháng 5 tới", ông Kevin Mahn, Giám đốc mảng Đầu tư, Quỹ quản lý tài sản Hennion & Walsh, cho biết.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 5 tới. Lãi suất cao đang khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng nước này giảm, ngành bán lẻ lao đao. Câu hỏi đặt ra là động lực chính của nền kinh tế nước này, tiêu dùng nội địa, đang gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng của kinh tế Mỹ thời gian tới?
Lãi suất cao đang khiến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng Mỹ giảm, ngành bán lẻ lao đao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ dựa trên "đôi vai" của người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng vẫn còn mở hầu bao thì các công ty còn thuê người làm và ngược lại, những người lao động đó lại có tiền để tiếp tục chi tiêu mua sắm.
Tuy nhiên, trang CNN cho biết báo cáo doanh thu bán lẻ cuối tuần trước cho thấy người tiêu dùng Mỹ đã "dè sẻn" hơn. Dữ liệu thẻ tín dụng của Bank of America cho thấy chi tiêu tiêu dùng đã hạ nhiệt. Sau khi bùng nổ vào đầu năm, đến tháng 3, chi tiêu từ thẻ tín dụng và cả thẻ debit chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là tốc độ tăng chậm nhất trong 2 năm qua.
Tạp chí Forbes phân tích thêm, ngành bán lẻ Mỹ đang khó chồng khó khi người tiêu dùng giảm chi, trong khi chi phí đi vay (nghĩa là lãi suất) để duy trì hoạt động tăng. FED dự kiến sẽ tăng lãi suất tiếp trong tháng 5. Nhiều hãng bán lẻ có thể trả nợ vay thời COVID-19. Tuy nhiên vay để mở rộng hay duy trì kinh doanh trong thời gian tới sẽ là thách thức với họ, thêm sức ép là tiền lương của người lao động tới nay cũng đã tăng tới 2 lần.
Tiêu dùng nội địa vốn đóng góp tới 70% vào tăng trưởng kinh tế Mỹ. Lãi suất cao khiến tiêu dùng giảm, một vài ngân hàng nhỏ gặp khó. Tuy nhiên vẫn có một số tín hiệu lạc quan về tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong năm nay.
Một bài báo khác của CNNMoney trích lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen rằng khó khăn của ngành ngân hàng không cản trở việc kinh tế Mỹ "hạ cánh mềm". Theo bà Yellen, chuỗi cung ứng tắc nghẽn khiến lạm phát tăng cũng đang được "khơi thông", thị trường nhà đất cũng đã hạ nhiệt. Theo bà, giảm lạm phát trong khi vẫn duy trì thị trường lao động khỏe mạnh chính là con đường "hạ cánh mềm" với kinh tế nước này.
Còn Nhật báo phố Wall cho biết, không có khó khăn với các ông lớn ngân hàng. Cổ phiếu của nhóm các ngân hàng lớn đều khả quan trong tuần qua. Tất cả là vì họ vẫn đạt lợi nhuận lớn. Ví dụ như JPMorgan Chase, lợi nhuận tăng 52% trong quý đầu. Cùng với Citigroup và Wells Fargo, 3 ông lớn này đạt lợi nhuận tới 22 tỷ USD, với doanh thu 80 tỷ, tăng 19% so với năm 2022. Lý do là các ngân hàng này có lượng lớn khách hàng tiêu dùng và các tập đoàn khổng lồ trung thành. Họ cũng có lượng tiền gửi đủ mạnh để chống chịu với áp lực lãi suất tăng.
Nền tảng lớn mạnh đã tạo ra thế đứng vững cho các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, các ngân hàng này cũng ghi nhận sự tăng trưởng không đồng đều giữa các mảng khi lãi suất tăng cao. Cho vay thế chấp mua nhà hay cho vay để đầu tư cũng đã có dấu hiệu chậm lại. Điều này cũng phần nào phản ánh sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành của kinh tế Mỹ.
Tăng trưởng Mỹ và hiệu ứng "Mona Lisa"
Chính sự tăng trưởng không đồng đều giữa các ngành của kinh tế Mỹ cùng áp lực lạm phát và lãi suất cao, FED dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ cả năm nay cũng chỉ đạt 0,4%, thấp hơn dự báo đưa ra hồi tháng 12 là 0,5%. Lạm phát lõi vẫn khó hạ nhiệt, trong khi thất nghiệp ở mức 4,5%.
Với những dự báo liên tục được cập nhật và thay đổi, nền kinh tế Mỹ được ví đang trải qua hiệu ứng Mona Lisa. Thoạt nhìn, bức tranh nổi tiếng nhất thế giới dường như miêu tả nàng Mona Lisa đang mỉm cười. Tuy nhiên, khi nhìn lại, nụ cười của cô ấy biến mất. Sau đó khi nhìn trở lại bức tranh một lần nữa, đó là một kiểu cười khác.
Nền kinh tế Mỹ hậu COVID-19 được ví như nàng Mona Lisa, mông lung và khó dự đoán. Liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có rơi vào một cuộc suy thoái tức "hạ cánh cứng" hay tăng trưởng thấp tức "hạ cánh mềm", vẫn còn nhiều ẩn số để có câu trả lời.
VTV.vn - Biên bản cuộc họp gần đây của FED dự báo kinh tế Mỹ có thể gặp một đợt "suy thoái nhẹ" vào cuối năm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.84770400191403202-asil-anom-gnu-ueih-av-ym-et-hnik-gnourt-gnat/et-hnik/nv.vtv