vĐồng tin tức tài chính 365

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ cuối: Tạm biệt Afghanistan trong nước mắt nụ cười

2023-04-19 12:18
Nữ sinh Afghanistan đến trường

Nữ sinh Afghanistan đến trường

Chúng tôi di chuyển miệt mài như con thoi đến các thành phố ở Afghanistan: từ Bamiyan lên mạn bắc Mazar-i-Sharif dài 425km, từ Sharif đến cầu sắt Hữu Nghị là biên giới giữa Afghanistan - Uzbekistan, sau đó vòng sang hướng đông đến thành phố Kunduz (170km). 

Rồi từ Kunduz đi 80km đến cửa khẩu Shir Khan, nơi có dòng sông Panj xẻ đường biên giới tự nhiên giữa Afghanistan và Tajikistan...

Phiêu lưu trên đường cái quan

Nhiều lúc chúng tôi phải thốt lên kinh ngạc trước sự phong phú và tuyệt mỹ của cảnh quan Afghanistan trong tầm mắt mình. Nhiều đoạn sa mạc hoang vu không một bóng người, chim bay mỏi cánh. 

Nhiều đoạn bụi đường đỏ au, cây khô khẳng khiu cạnh những cụm dân cư thưa thớt mà hầu hết nhà làm bằng bùn đắp, gạch vữa. 

Thú vị hơn là, nếu như ở các cửa ngõ vào thị thành, chúng tôi phải trình giấy thông hành cho các binh sĩ ở trạm kiểm soát thì trên cung đường cái quan, có anh lính trạm gác gửi vào xe chúng tôi một bọc to đùng chứa đầy bánh mì dẹt để nhờ "quá giang" đến cho đồng đội tại trạm gác khác ở cách xa hàng cây số băng qua núi rừng đèo heo hút gió.

Càng đi xa, đường sá bắt đầu có chút dằn xóc hơn, nhiều đoạn đầy lồi lõm hoặc ngập trong bùn nhão. Song phong cảnh hai bên đường thường đẹp đến nao lòng. 

Nhất là những đoạn đi qua những dãy núi tuyết trắng xóa phủ tứ bề như trong truyện cổ tích. Núi non ở đây có các thành tạo địa chất rất phong phú và ấn tượng. 

Ẩn sâu trong núi bạt ngàn hóc hiểm này chính là tài nguyên thiên nhiên phần lớn đang ngủ vùi mà người Afghanistan chưa khai phá để giúp đất nước thoát nghèo. Họ có nhiều trữ lượng đất hiếm, khí tự nhiên, dầu, than đá, quặng sắt, hoạt thạch, chì, lưu huỳnh, đá quý...

Đôi khi hai bên vách đá tảng dựng đứng chọc trời, kềm cặp con đường bé xíu lọt thỏm ở giữa như cảnh tượng chỉ thấy trên phim.

Hoặc có đoạn bốn bề là một thảo nguyên xanh trùng điệp với vô số ngọn đồi thấp nhấp nhô như sóng biển và đặc biệt là các bác tài xế chạy xe... "bằng niềm tin" do hoàn toàn không có một con đường đất mòn nào thật sự là đường chính rõ ràng để tiến về phía trước. 

"Tôi bắt tín hiệu bằng đèn pha với các xe chạy trước, báo hiệu rằng chúng tôi đi cùng nhau để không bị lạc đường", Jawad, bác tài vui tính 38 tuổi, lái xe đưa chúng tôi đi Kunduz và đến cửa khẩu biên giới Tajikistan "bật mí".

Các xe đò liên tỉnh chất đầy hành lý, đồ đạc trên mui xe cao nghệu, phà phà khói mệt nhọc leo qua các dãy đèo no gió. Và trời ơi, nơi ngọn đèo cao nhất Afghanistan Sallang thuộc loại ngoạn mục bậc nhất thế giới giữa vùng núi tuyết bao la, chúng tôi trải nghiệm một vụ kẹt xe lớn nhất từng thấy trong đời. 

Hàng ngàn chiếc xe tải, container chở đầy ắp hàng hóa nằm san sát nối đuôi kéo dài rất nhiều cây số trên cung đường đèo cao cheo leo 3.500m so với mực nước biển này.

Vậy mà bằng một cách nào đó, tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất Afghanistan này vẫn lưu thông trong bình lặng chứ không nhốn nháo hay xung đột giữa các tài xế. Xe chở chúng tôi đã băng qua Sallang được một cách lạ thường sau sự nhẫn nại thót tim của tài xế lẫn khách đi. 

Tôi tự hỏi phải chăng vì từ hơn 2.000 năm, Afghanistan đã luôn là một nơi quan trọng và năng động trên Trái đất bởi có các tuyến đường thương mại cổ xưa liên kết giữa đông và tây gọi chung là Con đường tơ lụa. Phải chăng vì đặc tính con người Afghanistan luôn kiên trì và đầy nghị lực bởi chỉ có thế họ mới vượt qua quá nhiều khó khăn bủa vây trong cuộc sống?

Du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo?

Afghanistan là quốc gia có bề dày lịch sử lâu đời và nền văn hóa hấp dẫn từ 5.000 năm trước, thiên nhiên địa hình đa dạng phong phú. 

Du lịch ở Afghanistan từng có thời kỳ huy hoàng nhất vào những năm 1970, rồi giảm mạnh vì thay đổi chế độ, chiến tranh cùng tình hình cực kỳ nguy hiểm. 

Tuy nhiên, cho dù có những mối đe dọa an ninh và bị chiến tranh tàn phá, đất nước này là một kho báu còn tiềm ẩn, xứng đáng để tham quan đối với những người có máu phiêu lưu.

Sau hàng thập niên chiến tranh, cho đến bây giờ khi chúng tôi có dịp đặt chân đến, Afghanistan rõ ràng vẫn là một đất nước có vẻ đẹp độc đáo và nhiều chốn tham quan bổ ích từ đền đài, thánh tích, núi non hùng vĩ cùng vùng nông thôn quyến rũ. 

Một chuyến đi đến Kabul giao thoa giữa cổ kính và hiện đại; chiêm ngưỡng di sản nghìn năm như tượng Phật ở Bamiyan, tháp giáo đường ở Jam, thành cổ linh thiêng ở Herat; tham quan chuỗi hồ ngọc bích Band-e Amir, đồng bằng tuyệt đẹp Shomali hay thánh đường lộng lẫy giữa thành phố Mazar-i-Sharif sẽ là không thể nào quên với bất kỳ ai đến du lịch Afghanistan.

Nhiều công ty du lịch đã hoạt động trở lại tại Kabul. Các công chức ngành du lịch Afghanistan làm việc có trách nhiệm và quý khách. Nhiều tour chuẩn bị hậu cần cẩn thận và có hướng dẫn an toàn cho người nước ngoài sẽ giúp phát triển ngành du lịch, góp phần giúp địa phương giảm cảnh nghèo đói.

Cảnh thanh bình ở Afghanistan - Ảnh: TR.NGHĨA

Cảnh thanh bình ở Afghanistan - Ảnh: TR.NGHĨA

Đào ra hoa, cỏ lên xanh màu

Trên đường ra thị trấn biên giới Sher Khan Bandar và tạm biệt nhiều ngày rong ruổi ngang dọc Afghanistan, qua ô cửa kính xe tôi nhìn thấy những hàng cây đào bên vệ đường bung hoa khoe sắc thắm, những cánh đồng cằn cỗi thấp thoáng nhiều mảnh cỏ xanh ươm màu hy vọng. 

Niềm vui và nỗi buồn của tôi khi dấn thân vào những điều chưa biết tại Afghanistan, cùng sự diệu kỳ của một cuộc phiêu lưu không thể có kế hoạch như bình thường như chốn đây đã làm thổn thức trái tim tôi. 

Việc đến và rời đất nước này trong bình an là một giấc mơ thành sự thật. Và sau những gì mắt thấy tai nghe, khi trở về từ Afghanistan có thể làm tôi có ánh nhìn cuộc sống nhẹ nhàng hơn bao giờ hết, cũng như tự răn mình đừng bao giờ định kiến với điều gì.

Tôi nhớ mình đã rất hạnh phúc khi nhìn thấy hình ảnh các trẻ em Afghanistan tung tăng chơi diều, nô đùa cầu trượt trong công viên. Tôi cũng lấy làm vui khi nhìn thấy những nữ sinh hiền hậu có ánh mắt cực đẹp và hút hồn tay cầm sách vở bước đến trường đại học ở Bamyan. 

Song tôi cũng day dứt khôn nguôi khi thấy những phụ nữ mặc burqa đứng hành khất giữa sa mạc, hay nhìn thấy nhiều cậu bé trong tuổi đến trường lại phải đi lượm ve chai, làm nghề đánh giày trên hè phố Kabul. 

Ước tính trong năm 2023, Afghanistan có hơn 28 triệu dân (hơn nửa dân số) cần cứu trợ nhân đạo, viện trợ lương thực từ nước ngoài. Ngân hàng Thế giới cho biết 72% dân Afghanistan sống với mức thu nhập chỉ 1,9 USD mỗi ngày và tỉ lệ thất nghiệp ở đây là khoảng 30%.

Địa thế trắc trở, khí hậu khắc nghiệt, đời sống khó khăn, nhiều định chế chưa tự do cùng một lịch sử nhiều bi thương hơn là hoan hỷ... khiến những người Afghanistan mà tôi gặp gỡ có sức sống và chịu đựng phi thường. 

Nhưng, bao giờ thì họ được đền đáp xứng đáng với cuộc sống hòa bình, thịnh vượng và tương lai tươi sáng hơn?

Kabul - Sài Gòn - Kathmandu, tháng 4-2023

Theo Báo cáo Hạnh phúc thế giới thường niên mới nhất dựa trên dữ liệu thu thập về chất lượng cuộc sống của người dân do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc công bố cuối tháng 3-2023, Afghanistan vẫn xếp cuối danh sách với vị trí 137/137 (xếp trên một bậc là Lebanon ở vị trí 136).

"Sự hiếu khách, giúp đỡ từ người dân Afghanistan gây ấn tượng mạnh với tôi trong gần một tháng ở nước này. Những người dân biết tiếng Anh luôn xuất hiện để tìm cách giúp đỡ bạn từ việc mua sim điện thoại, tìm nhà trọ, chỉ đường đi và phiên dịch giúp để dàn xếp ổn thỏa một rắc rối, hiểu lầm nào đó giữa tôi với binh lính Taliban", người bạn Việt Nam đồng hành Lê Kha Giáp chia sẻ kỷ niệm.

Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 8: Lên Bamyan, chiêm bái Phật tích bị Taliban bắn pháĐến Afghanistan thời Taliban - Kỳ 8: Lên Bamyan, chiêm bái Phật tích bị Taliban bắn phá

Như những người hành hương thành tâm, chúng tôi xúc động lẫn xót xa đến ngây người khi đứng trước dãy núi đá ở thung lũng Bamiyan miền trung Afghanistan và tận mắt thấy tàn tích hai tượng Phật khổng lồ trên con đường tơ lụa cổ đại ngàn xưa.

Xem thêm: mth.96432623281403202-iouc-un-tam-coun-gnort-natsinahgfa-teib-mat-iouc-yk-nabilat-ioht-natsinahgfa-ned/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đến Afghanistan thời Taliban - Kỳ cuối: Tạm biệt Afghanistan trong nước mắt nụ cười”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools