Đây là một trong những nội dung mới trong dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ.
Rút kinh nghiệm từ việc xử lý khủng hoảng ở Silicon Valley Bank, Signature Bank (Mỹ) hoặc Ngân hàng Credit Suise (Thuỵ Sỹ), Ngân hàng Nhà nước cho biết Việt Nam cũng cần có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt.
Theo đó, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi quy định một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả sẽ xếp vào diện được Ngân hàng Nhà nước "can thiệp sớm". Ngân hàng nào có lỗ luỹ kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.
Đây là nội dung mới so với quy định hiện hành. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ "can thiệp sớm" với tổ chức tín dụng vi phạm một trong ba tiêu chí như không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong 3 tháng liên tục, không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong 6 tháng, xếp hạng dưới mức trung bình của Ngân hàng Nhà nước.
Khi một tổ chức tín dụng rơi vào diện "can thiệp sớm", Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp riêng để xử lý từ sớm khi tình trạng yếu kém chưa nghiêm trọng.
"Cho vay đặc biệt" là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này, theo dự thảo. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ "cho vay đặc biệt" với nhà băng cần can thiệp sớm với lãi suất 0% một năm.
Trường hợp cần thiết để bảo đảm an toàn hệ thống và trật tự an toàn xã hội, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc một số tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt với lãi suất 0%.
Trong khi đó theo quy định hiện hành, chỉ tổ chức tín dụng "bị kiểm soát đặc biệt" mới được tiếp cận "khoản vay đặc biệt" này (nhưng cũng không quy định rõ mức lãi suất vay).
Nhà băng tham gia "cho vay đặc biệt" theo dự thảo mới sẽ nhận được sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước như được vay tái cấp vốn lãi suất 0%, được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, được nhận tiền gửi dài hạn của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam với lãi suất ưu đãi. Các khoản cho vay này cũng được áp dụng hệ số rủi ro khi tính tỷ lệ an toàn vốn và phân loại vào nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, theo dự thảo.
Sự cố rút tiền hàng loạt từng xảy ra ở một số ngân hàng Việt Nam. Tháng 10 năm ngoái, nhiều khách hàng đến rút tiền ở Ngân hàng Sài Gòn (SCB) khiến thanh khoản hệ thống gián đoạn tạm thời. Hay cách đây nhiều năm, tình trạng rút tiền hàng loạt cũng đã xảy ra tại ACB, DongABank, Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương... khi xuất hiện thông tin tiêu cực về lãnh đạo các nhà băng này.
Theo chuyên gia trong ngành, xu hướng giao dịch ngân hàng điện tử đặt các ngân hàng vào tình thế dễ bị tổn thương hơn khi có sự cố rút tiền hàng loạt. Vì thế, việc có thêm các cơ chế để kịp thời xử lý tình huống trên là điều cần thiết.
Quỳnh Trang