Liên minh châu Âu (EU) vẫn là nhà nhập khẩu năng lượng nhiên liệu hóa thạch lớn nhất từ Nga mặc dù khối này dẫn đầu trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Moscow, theo dữ liệu mới từ Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA).
Lý do là vì khối này tiếp tục mua một số lượng lớn các sản phẩm dầu thô nhưng thông qua trung gian chính là những khách hàng lớn của Nga.
5 trung gian lớn đưa dầu Nga vào EU
CREA đã liệt kê 5 quốc gia nhập khẩu dầu thô của Nga và xuất khẩu sang EU dưới dạng các sản phẩm tinh chế trong báo cáo mới của mình.
Năm quốc gia đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Singapore.
EU, Nhóm 7 nước phát triển (G7) và Australia đã cùng với Mỹ áp đặt một số biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt nhất đối với hầu hết các sản phẩm dầu xuất khẩu sang châu Âu và áp giá trần với dầu thô của Nga.
Một đợt trừng phạt khác – trong đó EU cấm vận các sản phẩm tinh chế như dầu diesel, xăng và các sản phẩm khác – đã có hiệu lực vào tháng Hai năm nay. Giá trần cũng được áp dụng cho các sản phẩm này.
Tuy nhiên, nhập khẩu các sản phẩm này đã “nhảy vọt” từ các quốc gia trung gian, các nước trở thành nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga kể từ sau chiến dịch quân sự đặc biệt, báo cáo cho biết.
Cụ thể, EU, các nước G7 và Australia đã nhập khẩu tổng cộng 42 tỷ Euro (khoảng 46 tỷ USD) các sản phẩm dầu từ các quốc gia "trung chuyển" trong cả năm, kể từ sau chiến dịch của Nga.
Trong đó, EU là nhà nhập khẩu lớn nhất với 19,3 tỷ USD cho các sản phẩm có nguồn gốc từ Nga này trong 12 tháng sau chiến dịch quân sự đặc biệt, theo CREA, tiếp theo là: Australia (8,74 tỷ USD); Mỹ (7,21 tỷ USD); Vương quốc Anh (5,46 tỷ USD) và Nhật Bản (5,24 tỷ USD).
Lauri Myllyvirta, đồng tác giả của báo cáo và nhà phân tích hàng đầu tại CREA, cho biết điều này làm suy yếu lệnh trừng phạt đối với Nga.
Ông nói với tờ The Independent (Anh) rằng EU và G7 đã “thất bại trong việc hạ giá trần xuống mức có thể thực sự ngăn cản lợi nhuận vượt trội của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ”.
“Tất nhiên, tình hình cũng làm nổi bật sự phụ thuộc vào dầu mỏ và việc EU và G7 thiếu hành động để giảm nhu cầu dầu mỏ,” ông nói thêm.
Nhập khẩu dầu thô của Nga bởi 5 quốc gia châu Á và Trung Đông đã tăng hơn 140% về khối lượng so với năm trước chiến dịch quân sự.
Xuất khẩu của các nước này sang phương Tây đã tăng 80% về giá trị và 26% về khối lượng.
Nơi nào trung chuyển nhiều dầu Nga nhất?
Báo cáo cho thấy phần lớn sản phẩm từ các quốc gia thứ ba đi đến chính các nước cấm vận dầu.
Cụ thể, các quốc gia này đã tăng nhập khẩu dầu tinh chế từ Trung Quốc lên 93%, từ Ấn Độ lên 2%, Thổ Nhĩ Kỳ lên 43%, UAE lên 23% và Singapore lên 33% .
Dầu của Nga vào các quốc gia áp đặt giá trần thường ở dưới dạng dầu diesel, nhiên liệu máy bay...
Tờ WSJ cho biết, các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là UAE, cũng đã trở thành trung tâm lưu trữ và giao dịch quan trọng đối với các sản phẩm năng lượng của Nga.
Các quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới mua dầu giá rẻ của Nga và bán với giá cao hơn, tờ WSJ nói thêm.
Nga đang vận chuyển 100.000 thùng mỗi ngày đến Ả Rập Saudi hoặc hơn 36 triệu thùng mỗi năm, so với mức hầu như không có trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Trong khi đó, Ấn Độ đã trở thành nhà xuất khẩu dầu lớn nhất cho các quốc gia thuộc liên minh cấm vận kể từ tháng 12/2022 sau khi các nước G7 áp đặt các biện pháp hạn chế.
Theo dữ liệu theo dõi tàu từ Kpler và Vortexa, bất chấp việc EU "tẩy chay" dầu Nga, lượng dầu thô nhập khẩu cao kỷ lục từ Nga của Ấn Độ đã được "biến hóa" thành dầu diesel và nhiên liệu máy bay sang châu Âu.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, châu Âu nhập khẩu trung bình mỗi ngày 154.000 thùng dầu diesel và nhiên liệu máy bay từ Ấn Độ.
Sau khi Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu Nga từ ngày 5/2, con số này đã tăng lên 200.000 thùng/ngày.
Tờ Bloomberg đã gọi Ấn Độ là lỗ hổng nghiêm trọng trong chiến lược trừng phạt dầu nhập khẩu từ Nga của EU.
Bên cạnh đó, POLITICO chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu trực tiếp của Nga vào năm ngoái.
CREA cũng từng cảnh báo vào cuối năm ngoái rằng "một tuyến đường mới" cho dầu mỏ của Nga tới EU đang xuất hiện thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.