Tọa đàm do Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa của Nhà hát lớn Hà Nội (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với một số đơn vị tổ chức.
Ông Chu Anh Hùng - phó giám đốc Nhà hát lớn Hà Nội kiêm giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn nghệ thuật và sự kiện văn hóa - cho biết đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi hoạt động ở các trường học, các tỉnh thành nhằm góp phần xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, văn minh, thanh lịch trên không gian mạng cho giới trẻ mà các đơn vị này dự kiến tổ chức thời gian tới.
Tọa đàm được nghe chuyên gia nói về thực trạng đáng buồn của văn hóa ứng xử trên mạng của nghệ sĩ và giới trẻ.
Nhắc công bố mới đây của Microsoft rằng Việt Nam nằm trong tốp 5 quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng, GS.TS Từ Thị Loan dùng cách nói ví von, mong xã hội cùng gắng vun trồng hoa cho bớt cỏ dại, để không còn nỗi "nhục nhã quốc thể" như công bố của Microsoft.
Các ý kiến đa phần ủng hộ cần có những biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn đối với những ứng xử kém văn minh trên mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Tuy nhiên cũng có ý kiến ngược lại.
Nghệ sĩ ủng hộ có biện pháp hạn chế nhưng mong không "phong sát"
Người mẫu Hạ Vy nêu ý kiến, về ứng xử của nghệ sĩ trên mạng xã hội, cô rất ủng hộ cần đưa ra giải pháp mạnh hơn chứ không chung chung.
Cô ví dụ nếu nghệ sĩ có hành xử, lời nói gây ảnh hưởng xấu tới xã hội thì cơ quan quản lý nên có giải pháp mạnh như yêu cầu khóa tài khoản mạng xã hội của nghệ sĩ mà "không cần phong sát ai".
Diễn viên trẻ Hàn Trang (Nhà hát Tuổi Trẻ) đồng ý rằng các nghệ sĩ cần lan tỏa điều tích cực trên mạng xã hội, tác động tốt đến giới trẻ chứ không phải ngược lại như một số nghệ sĩ đang làm.
Nhưng cô cũng cho rằng khi nghệ sĩ phạm lỗi thì đã phải nhận sự quay lưng của công chúng, sự nghiệp cũng sẽ khó khăn, thậm chí bị trừng phạt bởi luật pháp. Vì vậy nếu thêm cả "phong sát", cấm sóng nữa thì "hơi nặng nề".
Nói thêm với Tuổi Trẻ Online, Hàn Trang nêu ý kiến: với các nghệ sĩ vi phạm pháp luật hay bộ quy tắc ứng xử, nên chăng chỉ hạn chế hình ảnh chứ không phải cấm sóng hoàn toàn. Hoặc chỉ cấm sóng trong một thời gian nhất định chứ không phải vĩnh viễn.
Cô ví dụ trường hợp hai diễn viên Hồng Đăng, Phương Oanh, theo cô đều là những diễn viên rất tài năng và có nhiều cống hiến cho khán giả. Nếu bị cấm sóng vĩnh viễn thì sẽ là một điều rất đáng tiếc.
Không nói gì đến câu chuyện thời sự "phong sát", đạo diễn Phạm Hoàng Nam đưa giải pháp xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, đó là mọi người hãy chăm đi bảo tàng, nhà hát, tham gia các hoạt động cộng đồng, sống thật nhiều hơn để bớt dần cái ảo.
Ai cũng lo sống đẹp với nhau ngoài đời chắc sẽ bớt thời gian chửi bới, phán xét trên mạng xã hội, không like, không xem những cái xấu trên mạng thì ắt cái xấu ấy tự mất đất sống.
Đã xây dựng dự thảo quy trình xử lý
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết trước thực trạng văn hóa ứng xử không đẹp của một bộ phận nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, sau bộ quy tắc ứng xử, cơ quan quản lý sẽ còn nhiều biện pháp tiếp theo.
Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng dự thảo quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs (người có tầm ảnh hưởng) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Hiện dự thảo này đang được lấy ý kiến Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông… Sau khi thu thập ý kiến sẽ được tiếp tục hoàn chỉnh, trước khi thống nhất với Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành vào tháng 10 tới, thậm chí hy vọng sẽ sớm hơn.
Tuy nhiên, ông Dương cũng nhấn mạnh đây sẽ là các biện pháp đảm bảo hài hòa, chứ không phải là cấm sóng, "phong sát".
Ông cho biết cá nhân ông không thích những từ "nặng nề" này, cơ quan quản lý xây dựng quy trình cũng chỉ dùng từ "hạn chế phát sóng", chưa bao giờ dùng từ "cấm sóng", "phong sát".
"Văn hóa của họ khác. Chúng ta có thể học tập lẫn nhau. Nhưng ai sai thì xử lý theo Luật An ninh mạng, nghị định về nghệ thuật biểu diễn. "Phong sát" nghe nặng nề quá. Chỉ là các biện pháp hạn chế, giảm sự ảnh hưởng của người vi phạm pháp luật, quy tắc ứng xử", ông Dương nói.
Hãy bảo vệ quyền con người của nghệ sĩ chứ đừng chỉ nói mặt trái của họ
Tọa đàm cũng nghe một quan điểm khác biệt.
Ông Ngô Ngọc Diễm - giảng viên khoa luật Trường đại học Văn hóa Hà Nội - nói với vai trò người nghiên cứu luật, ông nói điều cần làm hơn là xây dựng luật pháp bảo vệ quyền con người cho nghệ sĩ để thúc đẩy họ sáng tạo và cống hiến chứ không phải "toàn nói mặt trái của văn nghệ sĩ trên không gian mạng".
Theo ông, nhiều nghệ sĩ cũng là những nạn nhân của ném đá trên mạng xã hội, họ cần được bảo vệ quyền con người.
Khắp mạng xã hội, nhiều khán giả ủng hộ việc hạn chế phát sóng, đưa tin, biểu diễn đối với nghệ sĩ, KOL vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục.
Xem thêm: mth.83274821291403202-gnos-mac-tas-gnohp-iahp-gnohk-gnuhn-is-ehgn-yl-nauq-pahp-neib-oc-es/nv.ertiout