Đại tá Nguyễn Quang Nhật, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), đã chia sẻ như vậy và nhấn mạnh đây là hành vi nguy hiểm, tại Hội thảo tác nghiệp báo chí về an toàn giao thông ngày 19-4.
Hội thảo do Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phối hợp với Viện phát triển phát thanh - truyền hình châu Á - Thái Bình Dương (AIBD) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.
3 nhóm vi phạm cần "ngăn chặn ngay"
Theo đại tá Nhật, lãnh đạo Bộ Công an xác định 3 nhóm hành vi vi phạm cần ngăn chặn ngay. Nhóm một là ma túy, nồng độ cồn, nhóm hai là vi phạm tốc độ và nhóm ba là quá tải, cơi nới thành thùng xe.
Để thực hiện tốt, ông Nhật đề nghị các cơ quan báo chí tiếp tục sát cánh cùng lực lượng chức năng trong tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật.
Như xử lý nồng độ cồn, vị này khẳng định ý thức, thói quen của người dân tốt hơn, nhất là ở các thành phố lớn, khi mức xử phạt cao nhất cho tài xế uống rượu bia cố tình lái xe lên tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 24 tháng được phổ biến rộng rãi. Kéo theo đó là giảm gây rối trật tự công cộng, bạo lực gia đình…
Nhân hội thảo, đại tá Nhật kể nhiều người có thói quen vui, buồn đều uống rượu bia, thậm chí "không vui không buồn cũng uống". Cạnh đó, nhiều người đi xe đến quán bia, quán nhậu nhưng ăn uống xong lại lái xe về nhà. Đó là hành vi nguy hiểm cần phải thay đổi, ông Nhật bày tỏ.
Tất cả phản ánh về vi phạm giao thông đều được xử lý
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật, các lỗi phổ biến là đi không đúng làn đường, vi phạm tốc độ, sử dụng điện thoại, xao nhãng nên không quan sát khi quay đầu xe, không giảm tốc độ khi qua ngã tư, vi phạm nồng độ cồn…
Dẫn chứng ở Hà Nội, ông nói có những ngã tư, ngã ba vắng cảnh sát giao thông, người dân sẵn sàng vượt đèn đỏ. Thậm chí cảnh sát giao thông có mặt, vẫn có người sẵn sàng vượt đèn đỏ.
Một ví dụ khác tại nút giao Ngã Tư Sở (Hà Nội), ngay sau khi điều chỉnh giao thông, người dân sẵn sàng đi ngược chiều để rút ngắn thời gian đi lại.
"Không chỉ đi một người mà đi nhiều người, mấy chục người, mấy trăm người trong cùng một thời điểm. Cảnh sát bó tay, không thể xử lý được", ông nêu và cho biết việc này tiếp diễn dù lực lượng chức năng đã tuyên truyền, giáo dục, thậm chí xử phạt.
Tuy vậy, đại tá Nguyễn Quang Nhật nêu rõ tất cả phản ánh về vi phạm giao thông từ người dân, báo chí đều được xử lý. Tuy nhiên, việc xử phạt xe máy khó hơn so với ô tô do xác minh chủ xe không dễ vì hiện tượng không sang tên đổi chủ, đổi chỗ ở, chây ì không chấp hành…
Đề nghị báo chí tiếp tục phản ánh về trật tự an toàn giao thông
Thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục có những bài viết phản ánh về lực lượng cũng như cách làm hay, gương người tốt, việc tốt, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Cùng với đó, các cơ quan truyền thông cần kịp thời viết, đăng tải tin, bài phản ánh tồn tại, bất cập của hệ thống giao thông, tình trạng xuống cấp của cơ sở hạ tầng để cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát, bố trí nguồn vốn để duy tu, sửa chữa kịp thời.
Bằng các hình thức như phóng sự, tọa đàm, chùm ảnh, video, phỏng vấn, Cục Cảnh sát giao thông mong các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức người tham gia giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Ngoài ra, cơ quan truyền thông có thể cung cấp thông tin cho lực lượng cảnh sát giao thông những sự vụ trên tuyến giao thông hay sự cố trên đường, ùn tắc, tai nạn, thời tiết để cùng khuyến cáo kịp thời đến người dân.
Theo Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Minh Hùng, hội thảo là một cơ sở dữ liệu vô cùng quý giá cho các nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp đưa tin về vấn đề an toàn giao thông.
"Các cơ quan báo chí, truyền thông đều mong muốn kéo giảm số vụ, số người chết, số người bị thương vì tai nạn giao thông. Đây là trách nhiệm chung của các phóng viên, nhà báo và của các cơ quan báo chí", ông Trần Minh Hùng chia sẻ.
Nhiều người lầm tưởng đi xe đạp sẽ không bị đo nồng độ cồn nên vô tư đi nhậu bằng phương tiện này.