Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của ông Lý Thượng Phúc kể từ khi nắm vai trò mới hồi tháng trước. Sự kiện này cũng diễn ra không lâu sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Nga, khi đó Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi quan hệ Nga - Trung đang "đạt tới mức độ cao nhất trong lịch sử".
Nâng tầm hợp tác quân sự
"Lực lượng vũ trang Trung Quốc và Nga sẽ triển khai các thỏa thuận mà nguyên thủ hai bên đạt được và mở rộng hợp tác quân sự, quan hệ kỹ thuật quân sự và buôn bán vũ khí", ông Lý phát biểu trước cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào ngày 18-4. Trước đó, tân bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc cũng đã gặp Tổng thống Putin tại Điện Kremlin.
Kết thúc chuyến đi của ông Lý, bộ quốc phòng hai nước nhất trí tiếp tục duy trì liên lạc cấp cao, cải thiện cơ chế giao lưu quân sự, mở rộng hợp tác giữa các chiến khu, quân đội và học viện...
Theo đánh giá của chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình, các lĩnh vực hợp tác này cho thấy quan hệ quân sự hai nước đã được nâng cấp. Ông Tống nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo rằng hợp tác giữa các chiến khu nghĩa là quân đội hai nước có thể cùng xử lý các trường hợp khẩn cấp theo một hướng hành động cụ thể.
Trong khi đó, lục quân, hải quân và không quân của hai bên có thể chia sẻ kinh nghiệm và nâng cao năng lực, tăng cường giao lưu và nghiên cứu học thuyết quân sự. Các cuộc tuần tra và tập trận chung cũng sẽ được mở rộng.
Mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và Nga khiến giới quan sát phương Tây lo ngại Bắc Kinh khó giữ được thế trung lập khi tìm giải pháp cho Ukraine. Hồi tháng 3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận chưa có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc cung cấp vũ khí sát thương cho Nga, nhưng các quan chức Mỹ vẫn lo ngại khả năng Bắc Kinh gửi linh kiện điện tử có thể được Nga dùng cho tên lửa.
Thông điệp "lợi ích cốt lõi"
Sau những phát biểu lạc quan về chính trị và kinh tế, giờ đây Trung Quốc và Nga tiếp tục bắn tín hiệu mới về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Sự gắn kết này càng đào sâu bức tranh chia rẽ mà giới quan sát quốc tế lo ngại: Trung Quốc và Nga hình thành và thúc đẩy một trục nhằm chống lại sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Thực chất, từ chuyến thăm của ông Tập tới Nga trước đây cho đến cuộc gặp gỡ của lãnh đạo quốc phòng Trung - Nga, Bắc Kinh và Matxcơva vẫn nhấn mạnh quan điểm bảo vệ sự ổn định và an ninh của khu vực và thế giới, xây dựng "cộng đồng toàn cầu chia sẻ một tương lai".
Các nhà phân tích từ Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh vẫn giữ lập trường thúc đẩy hòa bình và đối thoại, đặc biệt không cung cấp vũ khí cho cả Nga lẫn Ukraine. Đây là lời nhắc nhở dành cho phương Tây - bên đã viện trợ vũ khí cho Ukraine trong xung đột hiện nay.
Tuy nhiên, thông điệp đậm nét nhất sau cuộc gặp của lãnh đạo quốc phòng Nga - Trung là sự phản đối với "chính trị bá quyền", và lấy đó là lý do cho việc hai nước nhấn mạnh quyết tâm bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của đôi bên. Nói cụ thể hơn, Nga ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan, còn Trung Quốc ủng hộ Nga về an ninh quốc gia, theo ông Tống.
Đây có thể là thông điệp rõ ràng nhất về khác biệt quan điểm của Nga và Trung Quốc đối với phương Tây. Bắc Kinh xem Đài Loan là một tỉnh và tiếp tục phản đối sự can dự của thế lực bên ngoài vào "chuyện nội bộ của Trung Quốc".
Trong khi đó, Nga lập luận rằng chiến dịch tại Ukraine là hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia. Đó là một trong những "lợi ích cốt lõi" được Nga và Trung Quốc xác định, bên cạnh một số "lợi ích cốt lõi" khác về kinh tế cũng như an ninh trên biển và biên giới đất liền.
Mỹ cảnh báo vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga
Mỹ và các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tiếp tục lo ngại về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột tại Ukraine, đặc biệt sau khi Matxcơva đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus - khu vực ngoài lãnh thổ Nga và sát sườn Ukraine.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 18 về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt của NATO vào hôm 18-4, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman nhắn nhủ các đồng minh NATO cảnh giác về khả năng Tổng thống Nga Putin dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Ukraine.
"Không gì đáng sợ hơn một trong những cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu từ lúc NATO thành lập, ông Putin đã liên tục dùng lời đe dọa vũ khí hạt nhân để gia tăng căng thẳng và nâng cao nguy cơ của cuộc chiến. Ông ta nói Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus. Ông ấy thúc đẩy việc đình chỉ hiệp ước New START (về kiểm soát số lượng vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ), gây nguy hiểm cho sự ổn định hạt nhân toàn cầu", bà Sherm an nói.
Theo Đài truyền hình CCTV ngày 14-4, Trung Quốc đã triển khai một cuộc tập trận tên lửa ở phía tây khu vực Tân Cương.
Xem thêm: mth.60294040002403202-iol-toc-hci-iol-av-gnurt-agn/nv.ertiout