54 người đã bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố trong vụ "chuyến bay giải cứu", trong đó có 21 quan chức, cán bộ bị cáo buộc nhận hối lộ.
Cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng 37 lần nhận hối lộ
Từ kết luận điều tra của công an đến cáo trạng của viện kiểm sát đều cho thấy Bộ Ngoại giao được xem là "mắt xích" quan trọng khi thực hiện các chuyến bay với đầu mối là Cục Lãnh sự. Từ tháng 4-2020 đến tháng 1-2022, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt tổ chức thực hiện 772 chuyến bay đưa công dân từ nước ngoài về nước (400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo).
Tuy nhiên, quá trình cấp phép các chuyến bay công dân tự trả phí, một số cán bộ tại Bộ Ngoại giao đã tạo thành nhóm lợi ích, đưa ra nhiều yêu cầu, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ, thỏa thuận và ra giá chung chi cho mỗi chuyến bay giải cứu.
Ông Tô Anh Dũng, với chức vụ là thứ trưởng, có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Cục Lãnh sự trước khi xin ý kiến của tổ công tác năm bộ. Biết được vai trò của ông, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, đặt vấn đề để thứ trưởng Bộ Ngoại giao khi đó giải quyết các thủ tục liên quan đến cấp phép "chuyến bay giải cứu" đưa công dân về nước khi xảy ra dịch COVID-19.
Trong chín tháng, từ giữa năm 2020, 13 cá nhân đại diện cho các doanh nghiệp đã nhiều lần gặp gỡ đặt vấn đề và chi hàng chục tỉ "bôi trơn" để được "qua cửa".
Lần đầu tiên vào tháng 5-2020, tại phòng làm việc của cựu thứ trưởng ở Bộ Ngoại giao, ông Dũng gặp bà Hoàng Diệu Mơ (tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) và đã giới thiệu công ty của bà Mơ với Hãng hàng không Vietnam Airlines để tổ chức chuyến bay combo.
Theo cáo trạng, ông Dũng đã tám lần nhận hối lộ của bà Mơ với tổng số tiền 8,5 tỉ. Trong đó, sáu lần ông Dũng nhận tiền tại phòng làm việc và hai lần nhận tiền ở gần cổng trụ sở Bộ Ngoại giao.
29 lần khác, ông Dũng nhận tiền của các doanh nghiệp cũng diễn ra tại phòng làm việc của ông, ngoài quán cà phê hoặc nhà hàng gần trụ sở thông qua vợ ông. Tổng cộng ông Dũng bị quy kết nhận hối lộ 21,5 tỉ của các doanh nghiệp trong vụ "chuyến bay giải cứu".
Theo cáo trạng, Bộ Ngoại giao có số lượng nhiều nhất cựu lãnh đạo, cán bộ bị cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án này.
Ngoài ông Dũng, cựu thứ trưởng Vũ Hồng Nam và bảy người khác của bộ này bị quy kết nhận tiền "bôi trơn" từ các doanh nghiệp. Trong đó, cấp dưới chịu sự quản lý trực tiếp từ ông Dũng là bà Nguyễn Thị Hương Lan khi đương chức cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hối lộ số tiền lớn nhất với 32 lần tổng cộng 25 tỉ đồng.
Những lần nhận tiền của bà Lan chủ yếu diễn ra tại phòng làm việc, nhà riêng, quán cà phê, thậm chí có lần doanh nghiệp chung chi cho nữ cục trưởng ngay trên ô tô riêng.
Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế 253 lần nhận hối lộ
Tại Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Quang Linh - trợ lý cựu phó thủ tướng thường trực - cũng được một số doanh nghiệp tiếp cận, nhờ giải quyết giúp thủ tục. Viện kiểm sát cáo buộc ông Linh đã nhận tiền "bôi trơn" giúp doanh nghiệp được phê duyệt gần 30 chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo. Trong hơn một năm, ông Linh đã nhận năm lần với tổng cộng hơn 4,2 tỉ đồng, cáo trạng nêu.
Đáng chú ý nhất, trong nhóm quan chức, cán bộ nhận hối lộ có Phạm Trung Kiên, khi làm thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, có đến 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên đến 42,6 tỉ. Mặc dù chỉ có chức vụ là thư ký giúp việc cho thứ trưởng nhưng ông Kiên bị xác định nhận tiền nhiều nhất, số lần lớn nhất mà chỉ trong thời gian chín tháng.
Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước.
Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình thứ trưởng xem xét, ký duyệt văn bản trả lời. Cơ quan truy tố cáo buộc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thư ký Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu một chuyến bay.
Đối với chuyến bay combo, thư ký Kiên ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 - 2 triệu đồng một khách. Với hình thức "đếm đầu người"cho khách lẻ, ông Kiên ra giá 7 - 15 triệu đồng/khách.
Trong 253 lần nhận hối lộ, đa số những cuộc gặp mặt ngã giá và đưa nhận tiền của cựu thư ký thứ trưởng đều diễn ra ngay tại trụ sở Bộ Y tế hoặc doanh nghiệp chuyển khoản vào tài khoản của mẹ vợ ông Kiên. Một số ít lần ông Kiên nhận tiền ở bên ngoài trụ sở bộ.
Theo cáo trạng, không chỉ đưa hối lộ trong tổ chức các chuyến bay, một số doanh nghiệp còn tiếp cận lãnh đạo địa phương khi làm thủ tục cách ly công dân về nước. Tại Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng khi đương chức phó chủ tịch UBND Hà Nội trong tám tháng cuối năm 2021 đã ký 66 văn bản đồng ý cho 16 công ty được đưa người từ nước ngoài về cách ly. Lợi dụng việc này, ông Dũng đã chín lần nhận 2 tỉ đồng để ký chấp thuận cho cách ly với bốn công ty.
Tương tự, cựu phó chủ tịch UBND Quảng Nam Trần Văn Tân cũng ký chấp thuận cho công dân trên "chuyến bay giải cứu" được cách ly trên địa bàn và nhận "bôi trơn" 5 tỉ đồng của hai lãnh đạo Công ty Bầu Trời Xanh.
18 người đối diện án cao nhất
18 người bị truy tố khung cao nhất từ 20 năm tù, chung thân hoặc tử hình, trong đó có hai cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam và Nguyễn Quang Linh - cựu trợ lý nguyên phó thủ tướng Phạm Bình Minh cùng Phạm Trung Kiên - thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Kế hoạch chạy án 2,65 triệu USD
Lê Hồng Sơn - cựu tổng giám đốc Công ty Bầu Trời Xanh và Nguyễn Thị Thanh Hằng - cựu phó tổng giám đốc, là hai người bị cáo buộc đưa số tiền hối lộ lớn nhất trong vụ án, lên đến hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, hai người này chi 38,5 tỉ "bôi trơn" 12 quan chức để được cấp phép 109 chuyến bay và phê duyệt cách ly tại địa phương.
Khi vụ án được điều tra, lo sợ vướng lao lý, bà Hằng đã tìm đến người quen là Nguyễn Anh Tuấn (khi đó đang là phó giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ "chạy án".
Cơ quan truy tố xác định bà Hằng và ông Sơn đã đưa hối lộ 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ) cho cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để nhờ Hoàng Văn Hưng - trưởng Phòng điều tra của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an) - giúp "chạy án". Tuy nhiên, kế hoạch chạy án triệu đô này đã không thành.
Bộ ba ra giá chung chi 200 triệu/chuyến bay
Tại Bộ Công an, cựu cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh Trần Văn Dự được phân công duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo. Hai thuộc cấp Vũ Anh Tuấn (phó Phòng tham mưu) và Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Phòng tham mưu) được giao giúp việc cho ông Dự. Tuy nhiên, ba cán bộ công an này đã tạo thành một nhóm lợi ích từ liên hệ, gặp gỡ đến yêu cầu doanh nghiệp chung chi để được cấp phép chuyến bay.
Vũ Anh Tuấn là người trực tiếp liên hệ doanh nghiệp, ngã giá chung chi 50 - 200 triệu đồng trên một chuyến bay hoặc 500.000 đến 1,5 triệu đồng/hành khách tùy thời điểm. Quá trình điều tra xác định thông thường ba ông Dự, Tuấn, Cường cùng bàn bạc, tổng hợp tiền để chia. Tuy nhiên, có những lúc ba người tự nhận tiền riêng rẽ của doanh nghiệp mà không có sự bàn bạc, trao đổi cùng nhau.
Ông Tuấn đã 49 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 27,3 tỉ đồng, ông Dự nhận hối lộ 7,6 tỉ đồng, ông Cường nhận 9,3 tỉ đồng.
Đại án "chuyến bay giải cứu" làm người ta kinh ngạc vì mức độ "ăn" của các cán bộ, quan chức liên quan. Kể cả người có chức vụ "nho nhỏ" vẫn có thể ăn "to to".
Xem thêm: mth.38710700002403202-gnod-it-561-ol-ioh-aud-nal-005-noh-uuc-iaig-yab-neyuhc-uv/nv.ertiout