Sáng 20.4, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Phùng Anh Lê (cựu đại tá, cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Hà Nội), liên quan đến vụ án tha người trái pháp luật.
Tại phần thủ tục, theo thông báo của thư ký, 2 trong số 5 luật sư bào chữa cho ông Lê vắng mặt. Cựu Trưởng công an Q.Tây Hồ đề nghị hoãn phiên xử, vì cho rằng sự có mặt của luật sư là "rất quan trọng" trong việc chứng minh mình không phạm tội.
Đáng chú ý, tòa triệu tập 3 cựu thuộc cấp của ông Lê tại Công an Q.Tây Hồ, gồm Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự), Lê Đình Trung (cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) và Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự). Tuy nhiên, cả 3 người đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Hồi tháng 8.2022, tòa sơ thẩm tuyên phạt ông Lê 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ, 3 cựu thuộc cấp nêu trên bị tuyên án tù bằng thời gian tạm giam hoặc hưởng án treo, cùng về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Để phục vụ xét xử, tòa còn triệu tập nhiều người liên quan, trong số này nhiều người có đơn xin xét xử vắng mặt, cho biết giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.
Được hỏi ý kiến, ông Phùng Anh Lê nói cần phải triệu tập 3 cựu thuộc cấp để bị cáo thực hiện đối chất, ông cũng đề nghị triệu tập thêm một số cán bộ thuộc Công an Q.Tây Hồ. Luật sư của ông Lê cũng đề nghị hoãn tòa, nếu cần thiết HĐXX có thể áp dụng biện pháp dẫn giải đối với một số người liên quan.
Tuy nhiên, nêu quan điểm, đại diện viện kiểm sát cho biết, một trong 2 luật sư của ông Lê vắng mặt nhưng đã có bài bào chữa, bị cáo cũng đồng ý sự bào chữa của 3 luật sư còn lại.
Cùng với đó, 3 cựu thuộc cấp của ông Lê không kháng cáo nên bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. Cả ba đều có đơn xin xét xử vắng mặt, giữ nguyên lời khai tại phiên tòa sơ thẩm, do vậy không nhất thiết phải có mặt. Tương tự, một số người liên quan dù vắng mặt nhưng đã có đơn giữ nguyên lời khai như trong giai đoạn điều tra.
Nhận định có đủ điều kiện để tiến hành xét xử, đại diện viện kiểm sát đề nghị HĐXX tiếp tục làm việc.
Sau ít phút hội ý, HĐXX quyết định không chấp nhận đề nghị của ông Phùng Anh Lê và luật sư. Lý do, 3 cựu thuộc cấp của ông Lê và một số người liên quan dù vắng mặt nhưng đã có đơn và giữ nguyên lời khai. Với sự vắng mặt của 2 luật sư, một trong số này đã có bài bào chữa, người còn lại vắng mặt do đang đi chữa bệnh ở nước ngoài, bị cáo vẫn còn 3 luật sư trực tiếp bào chữa tại tòa.
Phiên tòa tiếp tục làm việc.
Cựu đại tái từng nói kêu oan tới cùng
Theo hồ sơ vụ án, ngày 22.9.2016, Nguyễn Hữu Tài (trú tại Hà Nội) bị Công an Q.Tây Hồ tạm giữ hình sự để điều tra vụ việc có dấu hiệu bắt giữ người trái phép. Người nhà của Tài thông qua các mối quan hệ, đưa 110 triệu đồng cho ông Phùng Anh Lê để nhờ giúp đỡ.
Nhận tiền, ông Lê chỉ đạo cấp dưới thả Tài ra khỏi nhà tạm giữ trái pháp luật. Tài được về nhà, vụ việc vi phạm không bị xử lý theo quy định.
Đến năm 2021, Công an TP.Hà Nội phát hiện, xử lý hình sự Tài và đồng phạm, đồng thời chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao để điều tra sai phạm của các cán bộ tại Công an Q.Tây Hồ.
Quá trình xét xử sơ thẩm, ông Phùng Anh Lê liên tục bác bỏ cáo buộc của viện kiểm sát cũng như lời khai của những người liên quan, khẳng định mình không chỉ đạo thả người trái pháp luật, cũng không nhận hối lộ.
"Nếu tôi bị tuyên một năm hay 10 năm cũng như nhau, bởi tôi không có tội. Nếu tuyên tôi có tội, tôi sẽ kêu oan, chống án tới cùng" và "trước khi chết tôi sẽ di chúc cho vợ tôi, các con tôi kêu oan bằng được, bởi đây là danh dự của cả dòng họ nhà tôi", ông Lê từng nói trước tòa.