Nhiều năm liền, ngành điều Việt Nam khẳng định được vị thế dẫn đầu toàn cầu về chế biến, xuất khẩu với kim ngạch đạt từ 3,2 - 3,8 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, vị thế đó đang bị lung lay khi cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức cả về thị trường xuất khẩu lẫn nhập khẩu khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng. Cùng với đó, chiến lược mới trong sản xuất, chế biến điều của nhiều nước châu Phi cũng đặt ngành điều Việt Nam vào tình thế cạnh tranh trực diện với nhiều bất lợi.
Thách thức kép
Theo đánh giá của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều đang gặp thách thức kép cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Với hoạt động xuất khẩu, thị trường giao dịch ảm đạm từ năm 2022 đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Cụ thể, thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, người tiêu dùng làm việc ở nhà và có nhu cầu sử dụng thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe. Hạt điều có lợi thế là loại hạt chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, thời gian sử dụng dài, có thể tích trữ để sử dụng dần. Vì vậy, lượng tiêu thụ không giảm có nơi còn tăng lên.
Tuy nhiên, sau giai đoạn thực hiện giãn cách vì COVID- 19, lạm phát tăng cao cùng những tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến người dân các nước phải thắt chặt chi tiêu, giảm các mặt hàng không quá thiết yếu như hạt điều. Trong khi đó, lượng điều nhân và nhân điều đã qua chế biến sâu còn tồn kho khá lớn ở các nước do tích trữ để dự phòng. Mặt khác, giá các loạt hạt giảm sâu khiến việc tiêu thụ hạt điều bị ảnh hưởng theo. Chính vì vậy, cùng với lượng tiêu thụ giảm, giá điều nhân cũng giảm sâu trong thời gian dài cho đến nay.
Ngành điều đang gặp thách thức kép cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Ảnh minh họa.
Phó Chủ tịch thường trực Vinacas Bạch Khánh Nhựt cho biết, từ tháng 2/2023, lượng xuất khẩu điều đã tăng nhưng chưa thật sự sôi động. Đặc biệt là giá vẫn ở mức thấp, không tương ứng với giá điều thô nhập khẩu quá cao dẫn đến hầu hết các doanh nghiệp chế biến phải giảm công suất. Không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động ngoài lí do không cân đối được giá điều nhân bán ra với giá điều thô mua vào còn do lãi suất ngân hàng quá cao; các chi phí khác như nhân công, nhiên liệu, bao bì, vận chuyển…cũng tăng cao khiến doanh nghiệp càng chế biến càng lỗ.
Trong khi đó, các thị trường EU và Mỹ ngày càng siết chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; Trung Quốc quy định chặt chẽ và thực thi nghiêm các quy định nhập khẩu nông sản thực phẩm qua biên giới. Tranh chấp thương mại khá nhiều; trong đó, phần lớn nằm ở khâu nhập khẩu điều thô về chất lượng, giá cả, thời gian giao hàng do hơn 70% điều thô nguyên liệu của ngành điều Việt Nam là nhập khẩu. Các tranh chấp này ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu điều nhân.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Vinacas, một vấn đề khác gây bức xúc và lo lắng cho các doanh nghiệp điều là Việt Nam đang cho phép nhập khẩu nhân điều mà không áp dụng kèm theo các biện pháp bảo vệ ngành chế biến điều trong nước. Chỉ tính trong 2 tháng đầu năm 2023, lượng điều nhân nhập khẩu vào Việt Nam đã lên tới 10.158 tấn, tương đương gần 44.000 tấn hạt điều thô. Còn năm 2022, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan đã có 78.583 tấn điều nhân được nhập vào Việt Nam, tương đương gần 350.000 tấn hạt điều thô, lớn hơn tổng sản lượng điều thô do Việt Nam sản xuất trong một năm.
"Việc nhập khẩu nhân điều ồ ạt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam cả trong sản xuất điều thô lẫn chế biến điều nhân. Mặc dù nhiều năm qua Việt Nam đang dẫn đầu chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị điều toàn cầu, nhưng vị thế đó của Việt Nam đang bị lung lay, bị đe dọa và chắc chắn sẽ xảy ra nếu chúng ta không thay đổi và ngăn chặn xu thế này ngay từ bây giờ", Phó Chủ tịch thường trực Vinacas nhấn mạnh.
Cạnh tranh trực diện
Ngành điều trước nguy cơ mất “ngôi vương”. Ảnh minh họa.
Trong chuỗi giá trị điều toàn cầu, Việt Nam vốn được đánh giá cao nhờ năng lực cuối chế biến, chế biến sâu nhân điều, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, còn các nước châu Phi và Campuchia chủ yếu cung ứng điều thô nguyên liệu cho Việt Nam.
Tuy nhiên, gần đây, các nước trồng điều ở châu Phi và cả Campuchia đang đẩy mạnh chiến lược phát triển công nghiệp chế biến điều, giảm dần xuất điều thô.
Ông Michael Waring, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Hạt quả khô quốc tế (INC) kiêm Thường trực Ban chấp hành Hội đồng Điều toàn cầu (GCC) đã chia sẻ, chuỗi sản xuất - chế biến - xuất khẩu điều đang có xu hướng dịch chuyển đến các quốc gia có vùng nguyên liệu dồi dào như châu Phi vì nhiều lý do. Các quốc gia này sau nhiều năm xuất khẩu điều thô đã dần tiếp cận được công nghệ, máy móc và tích cực kêu gọi đầu tư nước ngoài vào chế biến điều nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu tại chỗ, giá nhân công rẻ. Hơn nữa, xét về vị trí địa lý, việc xuất khẩu trực tiếp từ châu Phi đến các thị trường tiêu thụ điều lớn như châu Âu, Mỹ đều gần hơn từ Việt Nam.
Chính phủ nhiều nước châu Phi đưa ra chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút đầu tư các nhà máy chế biến điều. Đồng thời, với điều thô xuất khẩu, họ quy định và giám sát chặt giá xuất khẩu tối thiểu; áp mức thuế xuất khẩu cao. Nhưng với điều nhân xuất khẩu, họ miễn thuế. Trong khi đó, cả điều thô và điều nhân khi nhập vào Việt Nam để chế biến, xuất khẩu đều được Việt Nam miễn thuế.
Theo doanh nghiệp điều Việt Nam, bất cập trong chính sách thuế nhập khẩu nhân điều của Việt Nam đang tạo ra sự bất bình đẳng thương mại giữa các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài nước; tạo điều kiện để điều nhân từ châu Phi nhập khẩu vào Việt Nam. Việc này không đem lại lợi ích gì cho đất nước, đồng thời kéo nguy cơ lớn đối với sự tồn tại và phát triển toàn ngành điều Việt Nam.
Một số doanh nghiệp lớn, chủ yếu là doanh nghiệp FDI đang làm đầu mối nhập khẩu điều nhân, chỉ thực hiện một vài công đoạn cuối, thậm chí chỉ đóng gói vào bao bì mới nên không tạo ra giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, các loại nhân nhập về hầu hết có chất lượng thấp; khi xuất đi dưới danh nghĩa điều chế biến từ Việt Nam sẽ làm giảm chất lượng chung của ngành điều Việt Nam, làm mất dần uy tín và thị phần của điều nhân Việt Nam trên thương trường quốc tế. Nếu không ngăn chặn sớm sẽ dẫn tới dánh mất đi một Thương hiệu quốc gia được dày công xây dựng trong nhiều năm qua.
Đại diện Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, nếu để phương thức kinh doanh trên phát triển, các doanh nghiệp chế biến lớn của Việt Nam để tồn tại cũng sẽ chuyển sang phương thức này. Từ đó, phải thu hẹp sản xuất theo hướng tập trung vào vài công đoạn cuối, bỏ phí đi phần lớn dây chuyền hiện đại đã đầu tư, trong khi đó mỗi nhà máy hiện đại thường phải đầu tư từ 100 - 500 tỷ đồng. Nhiều công nhân, người lao động sẽ mất việc làm.
Song song đó, các công ty châu Phi thông qua Việt Nam bán được hàng, có lợi nhuận cao sẽ tiếp tục đầu tư nhà máy chế biến điều, ngành chế biến của các nước này sẽ phát triển mạnh từ chính sự "dễ dãi" của thị trường Việt Nam và sự không công bằng trong cạnh tranh giữa doanh nghiệp chế biến tại châu Phi và Việt Nam. Từ đó, các nhà máy này sẽ chặn dần nguồn nguyên liệu hạt điều thô của các nhà máy Việt Nam để đáp ứng nhu cầu chế biến tại chỗ, khiến các nhà máy nhỏ và vừa Việt Nam phá sản. Tiếp đến, vươn lên nắm vững công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng và chiếm dần thị trường điều nhân thế giới, "bóp chết" ngành chế biến điều Việt Nam trong tương lai không xa.
Kiến nghị khẩn
Theo đánh giá của Vinacas, việc miễn thuế nhập khẩu nhân điều không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu điều trong nước mà còn tác động tiêu cực đến nông dân trồng điều của Việt Nam. Theo đó, nhờ được miễn thuế, nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam sau đó xuất khẩu sẽ cạnh tranh trực tiếp về giá với cả hạt điều thô trong nước. Các nhà máy chế biến ngày càng chịu áp lực chuyển sang sử dụng nhân điều nhập khẩu thay vì chế biến từ điều thô, do chi phí chế biến và quản lý chế biến thấp hơn vì chỉ phải làm khoảng 20% công việc so với chế biến từ điều thô.
Thời gian hoàn thành sản phẩm để giao cho khách hàng nhanh hơn. Dự trữ nguyên liệu ít hơn, ngắn hơn nên sử dụng vốn ít hơn, quay vòng nhanh hơn. Hạt điều thô Việt Nam sẽ ngày càng khó tiêu thụ. Mặt khác, việc các nhà máy chế biến của Việt Nam thu hẹp dần hoạt động chế biến cũng đồng nghĩa vùng nguyên liệu ngày càng bị thu hẹp; đời sống của hàng trăm ngàn hộ nông dân trồng điều sẽ gặp khó khăn.
Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề này, Vinacas vừa có báo cáo gửi Cục Xuất nhập khẩu, khẩn thiết đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tìm giải pháp, trình Chính phủ cho phép thực hiện để sớm tạo sự công bằng trong chế biến và kinh doanh điều nhân trên thị trường quốc tế.
Theo đó, Vinacas kiến nghị Bộ Công Thương chủ trì đàm phán, ký các hiệp định song phương với từng nước về miễn thuế xuất nhập khẩu với hàng hóa của nhau; trong đó, có việc đối tác miễn thuế với điều thô xuất khẩu sang Việt Nam. Như vậy, Việt Nam sẽ không cần phải thay đổi các quy định hiện hành.
Nếu các nước không đồng thuận, Việt Nam cần xem xét để áp dụng nguyên tắc "có đi có lại" trong quan hệ quốc tế, không miễn thuế nhập khẩu với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam; áp thuế xuất 25% với hạt điều đã bóc vỏ (Mã 0801.32.00), theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Nghị định 57/2020/NĐ-CP ngày 10/07/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, cần áp giá nhập khẩu tối thiểu đối với nhân điều nhập khẩu vào Việt Nam tương tự như Ấn Độ đang áp dụng, lí do các nước xuất khẩu nhân điều vào Việt Nam cũng đang áp thuế xuất khẩu và giá xuất khẩu tối thiểu với hạt điều thô, khiến cho nhân điều chế biến tại Việt Nam bị cạnh tranh không công bằng với nhân điều nhập khẩu.
Hiệp hội điều Việt Nam cũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ nghiên cứu,đề xuất và ban hành các biện pháp phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật phù hợp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất, chế biến điều trong nước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.19283110102403202-gnouv-iogn-tam-oc-yugn-court-ueid-hnagn/et-hnik/nv.vtv