Trước đó, website của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn đã tăng tải thông tin về phiên đấu giá Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm vào ngày 22-4.
Trong đó, các hiện vật đấu giá số thứ tự từ 2.243-2.254 là các đạo sắc phong được Cục Di sản văn hóa cho rằng khả năng là hiện vật gốc, nguồn gốc của Việt Nam.
Không chỉ 12 sắc phong, nhiều hiện vật đấu giá khả năng có nguồn gốc từ Việt Nam
Hiện các lot đấu giá trên được thay bằng các hiện vật, tài liệu khác. Đồng nghĩa phiên đấu giá không còn đấu giá các đạo sắc phong khả năng có nguồn gốc từ Việt Nam.
Được biết, đây là kết quả nỗ lực phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Ngày 17-4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi văn bản đề nghị phối hợp tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Văn bản nêu, theo thông tin đăng tải trên website của Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn, trong hệ thống hiện vật đấu giá dự kiến sẽ đưa ra đấu giá ngày 22-4 đưa thông tin về 12 đạo sắc phong.
Trong đó có ba đạo sắc có khả năng có nguồn gốc từ di tích đền Quốc Tế, tại xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, và chín sắc phong của bốn địa phương: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương.
Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết vẫn còn nhiều hiện vật, sắc phong trong danh mục, các hiện vật được đăng đấu giá (trong đó có tám sắc phong chưa bán được của các tỉnh như Hà Nam, Nam Định…) có khả năng có nguồn gốc của Việt Nam, có liên quan đến các di tích, địa điểm liên quan tại địa phương khác nhau của Việt Nam.
Ngoại giao để đưa sắc phong trở về
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam và Trung Quốc cùng là thành viên tham gia Công ước UNESCO 1970 về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa.
Trong đó điều 3 quy định "Việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa đi ngược với các điều khoản trong công ước bị coi là bất hợp pháp".
Điều 7 quy định: "Các quốc gia thành viên của công ước cam kết thực hiện những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc gia nhằm ngăn chặn các bảo tàng và các cơ quan tương tự nằm trong lãnh thổ nước mình thu nhận những tài sản văn hóa có xuất xứ và được đưa ra trái phép từ một quốc gia thành viên khác sau khi công ước có hiệu lực tại những nước này.
Bất cứ khi nào có thể, thông báo cho nước xuất xứ là thành viên của công ước về tài sản văn hóa đã bị đưa trái phép ra khỏi nước này.
Công ước cũng quy định, theo yêu cầu của quốc gia thành viên sở hữu tài sản, nước đang giữ tài sản phải tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hóa nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan".
Căn cứ vào những quy định này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, giải quyết:
Phối hợp, hỗ trợ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc kịp thời làm việc với Công ty đấu giá Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá các đạo sắc phong nêu trên và xác minh rõ thông tin về nguồn gốc từ Việt Nam của các đạo sắc phong này.
Chủ trì làm việc với UNESCO và các tổ chức, cơ quan liên quan của Trung Quốc, để thông qua đàm phán ngoại giao hồi hương các hiện vật sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam được nhập khẩu bất hợp pháp vào Trung Quốc.
Đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết cục này cũng đã tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn tới Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao, để cùng phối hợp giải quyết vụ việc.
Hàng loạt sắc phong được cho là của Việt Nam dưới triều Nguyễn, triều Tây Sơn, triều Lê - Trịnh bất ngờ xuất hiện trên một sàn đấu giá cổ vật ở Trung Quốc.
Xem thêm: mth.71225922102403202-man-teiv-auc-ihgn-gnohp-cas-nit-gnoht-og-couq-gnurt-aig-uad-ahn/nv.ertiout