Sáng 20/4, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét kháng cáo kêu oan của cựu Đại tá Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội).
Bị cáo Phùng Anh Lê trước đó kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không có tội và bị kết án oan.
Tại phiên tòa hôm nay, 2/5 luật sư bào chữa cho cựu Đại tá Phùng Anh Lê vắng mặt, nên bị cáo này đề nghị hoãn phiên tòa.
Ngoài ra, bị cáo đề nghị triệu tập 3 bị án liên quan để đối chất trực tiếp, làm rõ nội dung vụ án. Nếu Hội đồng xét xử (HĐXX) không triệu tập 3 bị án này đến phiên tòa, bị cáo Lê đề nghị hoãn phiên tòa.
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê cũng chung đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa.
Trước đề nghị này, HĐXX cho rằng các luật sư vắng mặt đã có đơn xin xét xử vắng mặt, có luật sư đã gửi bài bào chữa cho HĐXX, vì vậy, sự vắng mặt của 2 luật sư không ảnh hưởng đến phiên tòa. Bên cạnh đó, bị cáo Lê còn có 3 luật sư để bảo chữa tại phiên tòa này.
Về việc vắng mặt 3 bị án trong phiên xử, HĐXX giải thích, 3 bị án này không có đơn kháng cáo, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực. 3 bị án có đơn xin xét xử vắng mặt và nêu quan điểm giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra. Vì thế sự vắng mặt của 3 người này không ảnh hưởng đến phiên tòa.
Tuy nhiên, bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng 3 bị án có nhiều lời khai tại cơ quan điều tra, biết lấy lời khai nào?. Bị cáo tiếp tục đề nghị HĐXX triệu tập 3 bị án đến phiên tòa để đối chất trực tiếp, đảm bảo khách quan của vụ án.
"Bị cáo vẫn tin rằng mình không có tội. Do đó, bị cáo kính đề nghị HĐXX triệu tập 3 bị án này đến phiên tòa để đối chất trực tiếp, làm rõ bản chất vụ án", bị cáo Lê nói.
HĐXX giải thích thêm, những người mà bị cáo Lê đề nghị triệu tập tại phiên tòa hôm nay, tòa sơ thẩm đã khẳng định tư cách của họ không liên quan đến vụ án nên không triệu tập.
Cuối cùng HĐXX quyết định phiên tòa được tiếp tục xét xử. Chủ tọa phiên tòa công bố tóm tắt vụ án cho bị cáo và những người tham dự phiên tòa nghe.
Trước đó, ngày 14/8/2022, TAND Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên bị cáo Lê 7 năm 6 tháng tù.
Ngoài ra, tòa còn tuyên buộc bị cáo Lê phải nộp số tiền 110 triệu đồng đã nhận hối lộ để sung công quỹ Nhà nước. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng bị oan.
Theo bản án sơ thẩm, ngày 19/9/2016, anh Nguyễn Công Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) tố cáo một nhóm người bắt giữ trái pháp luật rồi hành hung anh. Sau đó, Nguyễn Hữu Tài (ở Hà Nội) cùng đồng phạm ra đầu thú, do liên quan đến vụ việc trình báo của anh Thành. Quá trình điều tra, Công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 4 ngày.
Khi đó, người thân của Tài đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ bị cáo Phùng Anh Lê, khi đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ) nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đã đặt vấn đề và được bị cáo Lê đồng ý cho Tài về với điều kiện gia đình Tài phải chi 110 triệu đồng.
Tối 22/9/2016, ông Bảy mang số tiền trên đến phòng làm việc của bị cáo Lê. Sau khi nhận tiền, bị cáo Lê chỉ đạo cấp dưới tha người trái pháp luật.
Ngày 22/1/2021, Công an Hà Nội rà soát và lật lại hồ sơ vụ án. Bị cáo Lê bị khởi tố và truy tố sau đó.
Bị đưa ra xét xử, bị cáo Phùng Anh Lê phủ nhận cáo buộc và lời khai của những người liên quan.
Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo khác gồm Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung, Vũ Công Ngọc là cấp dưới biết chỉ đạo của Phùng Anh Lê sai quy định pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Tuy nhiên 3 bị cáo này đều có thái độ ăn năn, hối cải và khai báo thành khẩn.
Bị cáo Nguyễn Đức Châu bị tuyên phạt 10 tháng 28 ngày tù, bằng thời gian tạm giam nên được trả tự do ngay tại tòa.
Bị cáo Vũ Công Ngọc lĩnh 6 tháng tù, cho hưởng án treo. Bị cáo Lê Đình Trung (cựu Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Công an quận Tây Hồ) lĩnh 4 tháng 12 ngày tù, bằng thời gian tạm giam.