Trong báo cáo hằng tháng vừa công bố hồi giữa tháng 4, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết hoạt động xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga đã tăng trong tháng 3-2023 lên mức cao nhất kể từ tháng 4-2020, cụ thể đã tăng thêm 600.000 thùng mỗi ngày, lên tổng cộng 8,1 triệu thùng/ngày. Sự gia tăng này đã nâng doanh thu ước tính của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ lên 12,7 tỉ USD vào tháng 3-2023.
Giới quan sát cho rằng trong bối cảnh các nước phương Tây áp dụng những biện pháp trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga vì cuộc xung đột Nga - Ukraine, lẽ ra lượng dầu Nga xuất khẩu sẽ giảm đi. Vậy rốt cuộc lượng dầu xuất khẩu tăng đáng kể như trên đã cập bến nơi nào?
"Rửa" dầu
Tháng 12 năm ngoái, các nước phương Tây tiếp tục tấn công vào nguồn thu từ dầu mỏ của Nga với việc tung ra gói trừng phạt năng lượng lớn nhất từng được áp đặt đối với một quốc gia đơn lẻ. Lúc đó, châu Âu, vốn từng là "khách ruột" mua dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga, đã cấm nhập khẩu mặt hàng này.
Các nước châu Âu cũng cấm các đơn vị vận chuyển, bên cho vay và công ty bảo hiểm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán dầu thô của Nga cho các khách hàng khác, trừ khi dầu được bán dưới mức "giá trần" 60 USD/thùng do phương Tây đặt ra. Đây là một phần trong hàng loạt biện pháp mà châu Âu đưa ra để siết nguồn thu từ năng lượng Nga.
Vài tháng sau, nhiều người dường như nghĩ rằng phương Tây đã gặt hái được thành công to lớn. Tuy nhiên, nào ngờ bằng một phép màu nào đó, dầu Nga vẫn vào được châu Âu.
Theo báo The Independent ngày 19-4, trong báo cáo vừa mới công bố, Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) ở Phần Lan cho biết EU vẫn là nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất của Nga do những kẽ hở trong lệnh trừng phạt. Bởi vì khối này vẫn tiếp tục mua số lượng kỷ lục các sản phẩm dầu mỏ thông qua những bên thứ ba - những nước vốn là khách hàng lớn của dầu thô Nga.
CREA xác định có ít nhất năm quốc gia - gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Singapore - đã xuất khẩu dầu Nga sang EU. Các quốc gia này tăng cường nhập khẩu dầu thô từ Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra và bán các sản phẩm tinh chế cho các đối tác đang trừng phạt dầu mỏ Nga (EU, Úc, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Canada và Mỹ).
Theo CREA, EU đã nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Nga như trên trị giá 19,3 tỉ USD trong 12 tháng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra. Kế đến là Úc (nhập số dầu mỏ trị giá 8,74 tỉ USD), Mỹ (7,21 tỉ USD), Vương quốc Anh (5,46 tỉ USD), Nhật Bản (5,24 tỉ USD).
Nếu so sánh với việc rửa tiền thì có thể ví von hành động trên là "rửa" dầu. Báo cáo trên nhận định: "Đây đang là cách hợp pháp để xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ sang các nước đang áp lệnh trừng phạt lên dầu Nga do nguồn gốc sản phẩm đã bị thay đổi. Quá trình này tiếp tục đổ tiền vào quỹ chiến tranh của Nga".
Phía Nga chưa lên tiếng về thông tin trên. Tuy nhiên, gần đây khi được hỏi về lệnh cấm vận phương Tây nhằm vào dầu mỏ Nga, Thứ trưởng Năng lượng Nga Pavel Sorokin nói: "Hầu hết các thị trường vẫn mở cửa (với dầu mỏ Nga). Ngành công nghiệp này của chúng tôi khá hiệu quả".
Ông Oleg Usenko, cố vấn kinh tế của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gần đây chia sẻ với báo Politico: "Tôi có một người bạn ở New York (Mỹ) vào những năm 1990. Người này phàn nàn rằng những con gián sẽ chui vào căn nhà của anh ta qua bất kỳ khe hở nào. Đó cũng chính là những gì Nga đang làm với nguồn năng lượng của mình".
Khó truy vết dầu thô
Trước khi báo cáo của CREA xuất hiện, ông Saad Rahim, chuyên gia kinh tế tại công ty thương mại đa quốc gia Trafigura, từng đánh giá: "Kể từ khi các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt, lượng dầu thô mà Nga xuất khẩu ít nhiều vẫn ổn định. Có thể dầu của Nga vẫn đang được bán cho EU và các quốc gia phương Tây thông qua các bên trung gian".
Dầu thô là sản phẩm khó truy vết trên thị trường toàn cầu. Nó có thể dễ dàng được trộn lẫn với các lô hàng khác ở những quốc gia quá cảnh, từ đó tạo ra một lô dầu lớn hơn với nguồn gốc không thể xác định được. Quá trình tinh chế - cần thiết cho mọi ứng dụng trong đời sống - cũng loại bỏ mọi dấu vết về nguồn gốc của dầu thô.
Mạng lưới phức tạp gồm các công ty vận chuyển treo cờ của nhiều nước phủ thêm một lớp bí ẩn lên dầu thô. Một số bên đã bị cáo buộc giúp Nga che giấu nguồn gốc xuất khẩu dầu thô bằng nhiều cách khác nhau.
Câu hỏi đặt ra là dầu Nga có thể lọt qua lỗ kim bằng cách nào khác nữa hay không? Câu trả lời là: Có thể.
Một tuyến đường tiềm năng để dầu Nga đi vào châu Âu là thông qua Azerbaijan, quốc gia Tây Á giáp với Nga và là điểm khởi đầu của đường ống dẫn dầu Baku - Tbilisi - Ceyhan (BTC). Trong đó, cảng Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ) là trung tâm cung ứng lớn mà từ đó dầu thô được vận chuyển đến châu Âu. Cảng này cũng tiếp nhận số lượng lớn từ Iraq thông qua đường ống dẫn dầu thô Kirkuk - Ceyhan.
Ông François Bellamy, thành viên của Ủy ban Công nghiệp, Nghiên cứu và Năng lượng thuộc Nghị viện châu Âu, đã đặt nghi vấn về đường ống trên trước Ủy ban châu Âu gần đây. Ông nói rằng dữ liệu cho thấy Azerbaijan đã xuất khẩu lượng dầu mỏ nhiều hơn 242.000 thùng mỗi ngày so với lượng sản xuất được từ tháng 4 đến tháng 7-2022 - mức chênh lệch lớn so với lượng dầu sản xuất trong nước (sản xuất với mức 648.000 thùng/ngày vào tháng 2-2023 và đang giảm đi).
"Làm thế nào mà một quốc gia có thể giảm sản xuất và tăng xuất khẩu cùng một lúc?" - ông Bellamy đặt vấn đề.
Ủy ban châu Âu thông tin họ đang nỗ lực khắc phục những kẽ hở trong các gói trừng phạt nhằm vào Nga và đã bổ nhiệm cựu đại sứ EU tại Mỹ David O'Sullivan làm đặc phái viên có nhiệm vụ giải quyết hành vi lách luật.
Nga sản xuất, xuất khẩu dầu lớn ra sao?
Nga là thành viên của nhóm OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác. Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong số các thành viên OPEC +, chỉ đứng sau Saudi Arabia, chẳng hạn bơm hơn 9,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 10-2022, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).
Nga cũng là nước xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ lớn nhất thế giới ra thị trường toàn cầu và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai sau Saudi Arabia. Trước khi áp lệnh trừng phạt, các quốc gia châu Âu thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã nhập khẩu 34% lượng dầu của họ từ Nga vào tháng 11-2021 (thời điểm Nga xuất khẩu 7,8 triệu thùng mỗi ngày).
****************
Những tháng qua các nước phương Tây đã hợp lực siết chặt nguồn thu từ dầu mỏ của Nga bằng nhiều cách từ cấm vận cho tới áp giá trần, trong khi Nga cũng tung ra các đòn đáp trả. Hiện nay một số nhà kinh tế đề xuất áp giá trần 30 USD/thùng để gây khủng hoảng cho Nga. Trong lúc đó, châu Âu cũng phải tìm các nguồn cung khác để lấp khoảng trống mà Nga để lại.
>> Kỳ tới: Ngăn dầu Nga "loang" ra thế giới
Nguồn cung dầu cho Ấn Độ sẽ tăng đáng kể nhờ thỏa thuận giữa nhà máy lọc dầu hàng đầu nước này Indian Oil Corp và nhà sản xuất dầu lớn nhất của Nga Rosneft.
Xem thêm: mth.78530530102403202-ua-uahc-auc-auc-ehk-auq-hcal-1-yk-oas-ar-nav-mac-hcal-agn-uad/nv.ertiout