Theo thống kê của Bộ Y tế, trong ngày 20-4 có 2.461 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày thứ hai số ca mắc cao nhất, chạm mốc 2.500 ca trong hơn nửa năm qua. Trong ngày, có 245 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong hơn 3 tháng qua nước ta chưa ghi nhận ca COVID-19 tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Về tình hình tiêm chủng vắc xin, trong ngày 19-4 có 4.420 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.114.033 liều.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân không chủ quan nhưng cũng không nên hoang mang, lo lắng khi số ca COVID-19 gia tăng.
Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng nhưng hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng và tử vong không nhiều và không xuất hiện biến chủng mới kháng lại vắc xin đang có thì vẫn có thể kiểm soát dịch ổn định.
"Tuy nhiên, cần theo dõi tình hình dịch trên thế giới, giám sát và đánh giá nguy cơ dịch để có đáp ứng phù hợp. Đặc biệt cần bảo vệ nhóm nguy cơ cao là những người có bệnh nền, người cao tuổi, hệ miễn dịch suy giảm để tránh chuyển nặng và tử vong", ông Phu cho hay.
Ông Phan Trọng Lân, cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cũng nhận định mục tiêu phòng chống dịch giai đoạn tới là giảm nhập viện, giảm ca nặng và tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế.
"Vắc xin COVID-19 vẫn có hiệu quả phòng được ca bệnh nặng và nhập viện, tử vong. Tại Việt Nam, từ đầu tháng 4 cho đến nay, tỉ lệ bệnh nhân nặng/số ca mắc thậm chí còn thấp hơn so với tháng 3", ông Lân cho hay.
Ngày 20-4, TP.HCM cũng chính thức kích hoạt chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại TP có dấu hiệu tăng, miễn dịch cộng đồng giảm, xuất hiện các biến thể phụ của Omicron.
Ca mắc COVID-19 đã tăng trở lại khoảng 10 ngày gần đây, ngày 19-4 đã ghi nhận 2.159 ca, tăng khoảng 30% so với ngày trước đó.