Mới đây, video của một nữ đấu giá viên ở Hong Kong (Trung Quốc) đã “gây sốt” trên mạng xã hội. Cô đã tạo ấn tượng mạnh mẽ với khả năng chuyển đổi ngôn ngữ tài tình giữa tiếng Trung và tiếng Anh, giọng điệu tao nhã, khí chất thanh lịch, tinh tế.
Vẻ đẹp mềm mại nhưng không kém phần mạnh mẽ này khiến nhiều người bị thu hút, đó là Trần Lương Linh, đấu giá viên của Christie's (một nhà đấu giá của Anh được James Christie thành lập năm 1766).
Đấu giá viên không phải là công việc phổ biến và chưa được nhiều người biết đến. Trong buổi đấu giá do Trần Lương Linh tổ chức, vật phẩm đấu giá có giá hơn 7 triệu đô la Hong Kong (hơn 20 tỷ đồng) đã được bán thành công với giá hơn 50 triệu đô la Hong Kong (hơn 149 tỷ đồng). Đây là một kết quả vô cùng ấn tượng!
Trở thành đấu giá viên nhờ niềm đam mê với đồ sứ cổ
Trần Lương Linh sinh ra ở Đài Loan (Trung Quốc) và tốt nghiệp Đại học Cornell ở New York (Mỹ), chuyên ngành sinh học và chuyên ngành phụ là Nghiên cứu kinh doanh và Khoa học dinh dưỡng.
Năm 2009, Trần Lương Linh lấy bằng thạc sĩ về lịch sử nghệ thuật Trung Quốc tại Học viện Giáo dục Christie's ở London. Năm 2010, cô gia nhập Phòng Nghệ thuật và Gốm sứ Trung Quốc của Christie's Hong Kong, sau đó chuyển đến Christie's ở New York và trở lại Hong Kong vào năm 2013.
Năm 2014, Trần Lương Linh tham gia khóa đào tạo đấu giá viên của Christie’s. Đến đầu năm 2016, cô đã chủ trì phiên đấu giá đầu tiên. Hiện tại Trần Lương Linh là phó chủ tịch của Christie's Hong Kong, chuyên gia cao cấp và trưởng bộ phận gốm sứ và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc.
Không ai không phạm sai lầm. Trong phiên đấu giá đầu tiên, Trần Lương Linh đã rất hồi hộp bước lên sân khấu: “Tôi vẫn nhớ như in buổi đấu giá đầu tiên trong đời. Các bạn biết không, tôi đã quên mang theo búa đấu giá đấy!”.
Trần Lương Linh cho biết vì đang học về lĩnh vực khoa học ở trường đại học nên cô cũng rất lạ lẫm với các buổi đấu giá nghệ thuật. Chính mẹ là người đã mở ra cánh cửa nghệ thuật cho cô.
Nữ đấu giá viên chia sẻ, khi còn nhỏ, mẹ thường đưa cô đến tham quan Bảo tàng Cố cung Đài Bắc. Cô rất thích vừa nghe nhạc của Đặng Lệ Quân vừa nhâm nhi tách trà nóng. Cô thường ngân nga những bài thơ từ thời Đường-Tống. Tất cả những điều này dần ảnh hưởng đến tâm hồn nghệ thuật và gu thẩm mỹ của Trần Lương Linh.
Sau khi tốt nghiệp tiểu học ở Đài Loan, Trần Lương Linh đến tiếp tục cắp sách đến trường tại New Zealand và Mỹ. Tốt nghiệp lại trở về Đài Loan, cô không vội tìm việc làm mà làm hướng dẫn viên du lịch tình nguyện tại Bảo tàng Cố cung Đài Bắc vì đam mê lịch sử và nghệ thuật.
Trong quá trình thuyết minh về các bộ sưu tập trong bảo tàng cho du khách, Trần Lương Linh phát hiện bản thân có tình yêu mãnh liệt dành cho nghệ thuật và quyết định phát triển theo hướng này. Sau đó, cô đã đăng ký các khóa học tại Học viện Mỹ thuật Christie ở London và gia nhập Christie's Hong Kong.
Cuộc chiến tâm lý trong từng buổi đấu giá
Trong phiên đấu giá mùa xuân của Christie’s năm 2021, Trần Lương Linh đã chủ trì buổi đấu giá chiếc ghế hoa văn kỳ lân gỗ hoa lê vàng có từ niên đại cuối triều đại nhà Minh và đầu nhà Thanh, lập kỷ lục thế giới khi chốt giá cho chiếc ghế hoa lê vàng với con số 55 triệu đô la đô la Hong Kong (hơn 164 tỷ đồng).
Trần Lương Linh nói rằng một trong những trách nhiệm của cô là tìm ra những món đồ sứ có giá chào bán cao hơn. Cũng bởi vì càng biết nhiều về đồ sứ nên cô càng hiểu rõ hơn về giá trị của chúng. Vì vậy, khi chủ trì một buổi đấu giá nào đó, cô có thể sử dụng kiến thức chuyên môn của mình để giới thiệu cho khách hàng, nhờ đó tỷ lệ “chốt đơn” với giá trị cao ngất ngưởng cũng nhiều hơn.
Ví dụ, khi có khách hàng do dự ở một mức giá, Trần Lương Linh sẽ đề cập đến tầm quan trọng của những vật phẩm đấu giá này, bao gồm cả nguồn gốc xuất xứ để tăng thêm sự giá trị: "Lần cuối cùng vật này xuất hiện trên thị trường là 30 năm trước. Nếu bỏ lỡ lần này, bạn sẽ không có cơ hội lần sau, hơn nữa liệu lần sau giá trị còn ở mức này hay không, hay cao hơn?"...
Đứng trên bục cao nhất, Trần Lương Linh mặc bộ sườn xám, toát ra khí chất đoan trang và tao nhã, kết hợp với khả năng nói tiếng Trung và tiếng Anh trôi chảy cùng giọng điệu dứt khoát, hùng hồn. Đối với khách hàng, người trực tiếp tham gia phiên đấu giá của Trần Lương Linh, họ cảm thấy vui vẻ và thoải mái, thậm chí bật cười thành tiếng, hơn là phải căng não để mua được vật phẩm với giá “hời” nhất.
"Một cú gõ búa" bỏ túi tiền tỷ?
Đấu giá viên rốt cuộc có thể kiếm được bao nhiêu tiền?
Theo nhiều thông tin, một số đấu giá viên chia sẻ rằng, công việc đấu giá viên thực chất chỉ là “việc làm thêm”, họ phải có công việc chính như nghiên cứu, bán hàng...
Trên thực tế, đấu giá viên chỉ là công việc bán thời gian, còn chuyên gia cao cấp của bộ phận đồ sứ và tác phẩm nghệ thuật Trung Quốc là công việc toàn thời gian của Trần Lương Linh, cụ thể là sưu tầm và định giá. Sau đó, cô nghiên cứu về tính hợp lý của việc định giá này thông qua các tài liệu nghiên cứu, hồ sơ lưu hành, bản khắc, ấn phẩm và triển lãm trước đây và các thông tin khác.
Sở dĩ Trần Lương Linh trở thành đấu giá viên là vì muốn giúp đồ sứ được bán ra với giá trị cao hơn.
Đối với phó chủ tịch của Christie's Hong Kong như Trần Lương Linh, thì mức hoa hồng mà cô nhận được đương nhiên không thể bình thường.
Năm 2019, trong phiên đấu giá mùa xuân của Christie’s, Trần Lương Linh đã “chốt đơn” thành công một cuộn thơ thể thất ngôn của Văn Trưng Minh (một học giả, nhà thơ, nhà thư pháp, và danh hoạ nổi tiếng của Trung Quốc thời nhà Minh) với giá cao hơn giá khởi điểm gấp 10 lần.
"Tôi nhớ rằng giá trị ước tính của cuộn thơ vào thời điểm đó là 5 triệu đô la Hong Kong (gần 15 tỷ đồng), sau đó đã được nâng lên 50 triệu (gần 150 tỷ đồng). Hai khách hàng phải cạnh tranh nhau dữ dội mới chốt được giá này", nữ đấu giá viên chia sẻ.
Theo thông tin của tài khoản mạng xã hội "Cục thông tin đấu giá", theo tiêu chuẩn tính phí của Trần Lương Linh, hoa hồng là 25% cho giá giao dịch dưới 500.000 đô la Hong Kong (gần 1,5 tỷ đồng), 20% cho giá giao dịch từ 500.000 đến 1 triệu đô la Hong Kong (khoảng 1,5-3 tỷ đồng); trên 1 triệu đô la Hong Kong thì tính phí 12,5%.
Lấy chiếc ghế hoa lê vàng nói trên làm ví dụ, với tài nghệ của Trần Lương Linh, cuối cùng chiếc ghế cổ đã được chốt giá 55 triệu đô la đô la Hong Kong (hơn 164 tỷ đồng), tức là cô có thể nhận về khoảng 8 triệu đô la đô la Hong Kong (gần 24 tỷ đồng). Tất nhiên, mức thu nhập thực tế của đấu giá viên sẽ không được công khai, con số này chỉ mang tính chất tham khảo.
Nguồn: Sundaymore, Sohu