“Phong sát” là gì?
Theo một số nguồn tin tổng hợp, “phong sát” là lệnh cấm hoặc hạn chế hoạt động phát sóng, biểu diễn, quảng cáo - được áp dụng cho các nghệ sĩ, người có sức ảnh hưởng tới công chúng.
Thông thường, việc này xảy ra khi những người nổi tiếng đó vi phạm pháp luật, có hành vi/lời nói trái thuần phong mỹ tục hoặc gây ảnh hưởng không tốt cho xã hội.
Trung Quốc có luật pháp nghiêm ngặt và giữ gìn văn hóa chung tốt. Vì vậy, khi một số người của công chúng làm trái với luật lệ, văn hóa, quốc gia này sẽ “cấm sóng” hoặc có biện pháp ngăn chặn.
Tuy nhiên, trước khi bị ‘phong sát’, một số nghệ sĩ Trung Quốc có thu nhập “cực khủng”
1. Diễn viên Trịnh Sảng
Trịnh Sảng là diễn viên nổi tiếng tại Trung Quốc. Cô sinh năm 1991 và nổi tiếng với nhiều bộ phim như “Cùng ngắm mưa sao băng” hay “Hạ chí chưa tới”.
Cách đây vài năm, một người trong đoàn phim đã tiết lộ, nữ diễn viên đã nhận được số tiền cát-xê khủng lên tới 160 triệu NDT (khoảng 570 tỷ đồng) sau khi đóng bộ phim “Tân thiện nữ u hồn”.
Được biết, bộ phim này chỉ quay trong 77 ngày, nghĩa là trung bình Trịnh Sảng có thể kiếm được khoảng 7,4 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, nguồn tin thân cận cũng cho biết, cô từng nhận mức cát xê 500 nghìn tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng) cho mỗi một tập phim truyền hình từ rất lâu trước đó.
Khi thông tin Trịnh Sảng có thu nhập khủng được hé lộ, Cục thuế quốc gia Trung Quốc đã điều tra và phát hiện nữ diễn viên có hành vi gian lận thuế. Cô phải nộp phạt 299 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.050 tỷ đồng - năm 2021). Ngoài ra nữ diễn viên đã bị “phong sát” và cấm sóng trên truyền hình.
Với một số bê bối liên quan, các doanh nghiệp, thương hiệu hợp tác với Trịnh Sảng cũng gặp tình cảnh “điêu đứng”. Được biết, dù chỉ làm đại sứ cho Prada trong 9 ngày nhưng scandal của nữ diễn viên đã khiến cổ phiếu của thương hiệu này sụt giảm 1,7%.
2. Diễn viên Đặng Luân
Theo thông tin do trang QQ cung cấp, từ năm 2021, thù lao của diễn viên Đặng Luân đã được tính bằng triệu nhân dân tệ. Anh cũng là người đại diện của 17 thương hiệu lớn nhỏ, trong đó có nhiều nhãn hàng xa xỉ phẩm.
Về mức thu nhập, theo tờ Sina, thù lao cho 1 hợp đồng quảng cáo của nam diễn viên thường giao động khoảng 1-2 triệu NDT/năm (3-7 tỷ đồng/năm). Chưa hết, từ ngày 16/4 đến ngày 15/4/2021, Đặng Luân làm người phát ngôn cho thương hiệu đồ ăn "Jinzai", với tổng giá trị hợp đồng là 21,78 triệu nhân dân tệ (đã bao gồm thuế).
Thù lao khi tham dự sự kiện thương mại của anh cũng vào khoảng 800.000-1 triệu nhân dân tệ (2,7-3 tỷ đồng).
Công ty môi giới Shanghai Chuangshi Culture Communication cũng từng tiết lộ Đặng Luân có thể nhận được ít nhất 3,1 triệu USD tiền cát-xê khi đóng quảng cáo.
Ngoài ra, với tầm ảnh hưởng của mình, một số nguồn tin còn đánh giá để mời nam diễn viên đóng phim, nhà sản xuất phải trả số tiền lên tới 8-9 triệu USD/phim (giao động 200 tỷ đồng). Hay nam nghệ sĩ có thể thu về hàng chục triệu NDT (vài tỷ đồng) nhờ hoạt động nhượng quyền kinh doanh nhà hàng và đầu tư vào lĩnh vực sản xuất phim truyện.
Tuy nhiên, khi vướng vào 1 số vấn đề về thuế, nam diễn viên cũng đã bị cấm sóng, một số bộ phim còn xóa hình ảnh và tên của nam diễn viên.
3. Nữ hoàng livestream Vi Á
Vi Á được mệnh danh là nữ hoàng livestream của Trung Quốc khi cô có thể “bán mọi thứ” trên trang mua sắm trực tuyến Taobao.
Vào ngày 11/11/2017, cô đã bán được số sản phẩm thu về doanh thu 70 triệu nhân dân tệ (khoảng 238 tỷ đồng) chỉ trong 5 tiếng.
Thậm chí, cô cũng từng bán một quả tên lửa vũ trụ thương mại sản xuất ở thành phố Vũ Hán với mức giá 40 triệu NDT (5,6 triệu USD) ngay trên chương trình livestream của mình.
Vi Á cũng từng sở hữu khối tài sản ước tính khoảng 1,4 tỷ USD - giúp cô gia nhập danh sách 500 người giàu nhất Trung Quốc năm 2021.
Tuy nhiên, Cục thuế thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) đã phát hiện nữ hoàng Livestream Vi Á có hành vi sai phạm trong quá trình khai báo, nộp thuế. Vì vậy, cô đã bị “phong sát ngầm” - các tài khoản trên Weibo, Douyin của cô đều biến mất. Vì vậy, cô khó có thể quay về công việc cũ.