Doanh nghiệp xuất khẩu loay hoay tìm kiếm đơn hàng
Xuất nhập khẩu là 1 trong 3 nội dung chính trong công điện do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành mới đây, bên cạnh sản xuất kinh doanh và đầu tư xây dựng. Trong công điện này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tích cực chủ động, tập trung chỉ đạo quyết liệt, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, điều kiện kinh doanh, thanh khoản ngân hàng, nợ và thuế, phí, lệ phí...
Trong đó, tăng cường việc kiểm tra, chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập, tiêu cực để sớm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu, duy trì, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Xuất khẩu chính là 1 trong 3 cỗ xe tam mã kéo theo sự tăng trưởng của nền kinh tế. Do đó, nhìn nhận đúng các khó khăn, vướng mắc của ngành xuất nhập khẩu, sẽ là bước đầu tiên nhằm đưa ra giải pháp phù hợp.
Mặc dù đã được dự báo trước tổng cầu dệt may thế giới sẽ giảm từ 6 - 10% trong năm 2023, nhưng các doanh nghiệp dệt may đều không ngờ tới việc đơn hàng sụt giảm mạnh ngay từ quý I. Đơn hàng sợi nhỏ lẻ, đơn giá thấp hơn từ 20 - 50%; đơn hàng may cũng nhỏ giọt, thất thường.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Với ngành may, các đơn hàng hiện nay giảm, khoảng 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đặc biệt là giá gia công lại giảm rất sâu. Hiện nhiều doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đến hết tháng 3, 4, trong khi thông thường phải hết tháng 6, hay cả năm 2023", ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, cho biết.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 18,63% so với cùng kỳ. Ngay lập tức, nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất may mặc xuất khẩu đã được triển khai ngay trong quý II.
"Tìm thị trường ngách để tổ chức các hoạt động xuất khẩu cho doanh nghiệp. Trong tháng 5, từ 25 - 28, chúng tôi sẽ tổ chức hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu để từ đó các doanh nghiệp hàng Việt Nam sẽ gặp gỡ đối tác, nhà hoạch định chính sách để thảo luận tìm cách gia tăng lợi ích từ FTA", ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, thông tin.
Bên cạnh việc tìm kiếm thị trường mới, các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu cũng chú trọng việc nhận nhiều đơn hàng dệt may yêu cầu chi tiết phức tạp, dồn nhiều đơn hàng nhỏ và tối ưu chi phí sản xuất, cân đối lại tỷ lệ phục vụ nội địa - xuất khẩu để vừa duy trì công việc cho người lao động, vừa đảm bảo chuyền may không bị ngưng nghỉ, ảnh hưởng đến hiệu quả doanh thu cả năm.
"Do tác động đến từ thị trường thế giới, nhu cầu của thị trường nhập khẩu nên tình hình xuất khẩu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến phục hồi của thị trường nhập khẩu. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc. Về lâu dài, đó cũng là áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khi nguồn hàng của Trung Quốc bắt đầu trở lại", bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đánh giá.
Bộ Công Thương cũng cho biết, trong bối cảnh các thị trường Âu - Mỹ đang gặp khó khăn do sức mua giảm mạnh, xuất khẩu sẽ có cơ hội tiếp tục khai thác các thị trường khu vực châu Á, tranh thủ sự hồi phục nhanh của các thị trường khu vực ASEAN và một số nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu
Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, quý I năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt trên 79 tỷ USD, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài nguyên nhân do sức cầu hàng hóa thế giới suy giảm, theo các doanh nghiệp, chính việc các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc đều đang có những yêu cầu cao hơn về chất lượng hàng hóa nhập khẩu. Đây cũng là một lý do khiến đơn hàng của doanh nghiệp Việt chưa tăng như kỳ vọng. Thực tế này buộc các doanh nghiệp trong nước phải linh hoạt thích ứng, nâng chuẩn chất lượng sản phẩm, giá cả vẫn phải cạnh tranh mới mong các đơn hàng quay trở lại.
Như vậy, những chuẩn mực cao hơn từ thị trường quốc tế, trong bối cảnh số lượng đơn hàng suy giảm, là thử thách kép với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương bày tỏ kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu sẽ có xu hướng phục hồi từ cuối quý II và tăng trở lại trong nửa cuối năm nay khi vào mùa vụ cao điểm của xuất khẩu. Tuy nhiên, để thực hiện được các mục tiêu xuất khẩu, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cần gấp rút đẩy nhanh.
"Hướng đến các thị trường tiềm năng ở Trung Đông, Mỹ Latinh; triển khai đàm phán FTA với Mercosur. Đây là hướng để khai mở thị trường Mỹ Latinh", bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, cho biết.
"Rất mong sắp tới tham tán ở các nước sẽ tích cực tham gia tất cả những hội chợ ở nước ngoài và dành kinh phí, dành gian hàng cho các sản phẩm từ Việt Nam. Đó là sự hỗ trợ tôi nghĩ rất thiết thực, rất cấp bách trong thời gian ngắn", ông Trịnh Đức Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ, nói.
"Phải giảm chi phí kinh doanh, chi phí vận tải, chi phí logistics. Những chi phí này cấu thành rất lớn trong chi phí xuất khẩu của chúng ta. Doanh nghiệp bán 1 sản phẩm giá 100 đồng nhưng nhiều khi chi phí vận tải logistics đã chiếm 30 - 40% ở trong đó. Như vậy doanh nghiệp không còn sức cạnh tranh, hàng hóa của chúng ta không có khả năng cạnh tranh và tiếp cận các thị trường", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam, nêu quan điểm.
"Nhà nước phải đưa ra những gói hỗ trợ như hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu để giúp họ giảm chi phí đầu vào, cùng với hỗ trợ về thuế sẽ giúp cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Trịnh Viết Hoàng Minh, chuyên viên phân tích vĩ mô, Công ty Chứng khoán ACBS, nêu đề xuất.
Trong Công điện 238 vừa ban hành ngày 10/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, thời gian tới, Thủ tướng sẽ phân công các đồng chí thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành liên quan trực tiếp làm việc với từng địa phương để kịp thời nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu tại địa phương, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả nhằm sớm phục hồi tăng trưởng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và cả giai đoạn nhiệm kỳ 2021 - 2026.
VTV.vn - Xuất nhập khẩu tháng 3 đã lấy lại đà tăng trưởng so với tháng 1 và tháng 2 bị giảm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.81082233202403202-uahk-taux-ohc-ohk-og-tur-pag/et-hnik/nv.vtv