Khai thác đá lậu công khai
Đầu tháng 2 vừa qua, gia đình ông Phạm Văn Hợp (ở xã Hbông, H.Chư Sê, Gia Lai) ngang nhiên tổ chức khai thác, tập kết đá trái phép với quy mô lớn. Khu vực khai thác đá trái phép thuộc thửa đất số 65, tờ bản đồ số 50, thuộc khu đất được UBND H.Chư Sê cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Phạm Văn Hợp và bà Hồ Thị Thảo từ năm 2018.
Trên khu đất này là một công trường chế biến đá lậu với đủ loại đá lớn, nhỏ và nhiều nhân công đang làm việc. Sau khi phóng viên báo tin, một thời gian lâu sau chính quyền xã Hbông mới có mặt.
Sau đó, UBND H.Chư Sê lập đoàn kiểm tra địa điểm khai thác đá trái phép trên. Tại thời điểm kiểm tra, gia đình ông Hợp không xuất trình được các loại giấy tờ về nguồn gốc khoáng sản cũng như giấy phép hoạt động tập kết, khai thác, chế biến khoáng sản. Tại hiện trường có khoảng 10.000 viên đá chẻ, kích thước 15 x 20 x 25 cm và 60 m³ đá cục.
"Từ năm 2022 đến nay, đây là vụ khai thác, chế biến khoáng sản trái phép thứ 4 được phát hiện ở địa bàn xã. Chúng tôi đã tăng cường kiểm tra, nhưng do địa bàn rộng, người dân thường lén lút khai thác trong rẫy nên khó phát hiện. Đơn cử như vụ này gia đình họ làm ở giữa vườn nhà, xung quanh nhiều cây cối che khuất, không dễ phát hiện", Chủ tịch UBND xã Hbông Bùi Văn Cường nói.
Công trường đá lậu ở khắp nơi
Tại địa bàn H.Chư Sê còn có một điểm khai thác đá trái phép khác ở xã Al Bá. Đáng chú ý là điểm này chỉ cách trụ sở UBND xã tầm 3 km; là khu vực trồng cao su, vườn rẫy của người dân ở làng Klăh. Tại đây, đá xây dựng được tập kết thành nhiều đống lớn với khoảng 3.000 - 4.000 viên đá chẻ cùng nhiều đống đá cục. Đường dây điện được kéo vào tận nơi. Xung quanh khu vực này là những bãi đá nhỏ đang được khoan, cắt. Đường vào bãi đá có nhiều vệt bánh xe ra vào.
Vào giữa tháng 4.2023, chúng tôi còn phát hiện một công trường đá lậu khác ở thôn Tân Thủy, xã Ia Ga, H.Chư Prông. Tại đây một nhóm người ngang nhiên dùng khoan điện, búa chẻ đá cục thành đá xây dựng, rồi đưa lên ô tô chở ra ngoài tiêu thụ. Tại hiện trường, chúng tôi tận mắt thấy hàng trăm viên đá đã được chẻ vuông vức. Khi phát hiện sự có mặt của chúng tôi, nhóm người đang chẻ đá liền dừng tay, lên xe máy phóng đi. Tài xế điều khiển xe tải BS 49X - 242… đã chổng ben đổ nhiều viên đá chẻ (vừa được chất lên thùng xe) xuống đất rồi lái xe ra khỏi bãi. Tại công trường, mặt đất nham nhở vì bị đào xới để tìm đá.
Ông Rơ Mah Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Ia Ga, thừa nhận: "Trên địa bàn xã không có mỏ khai thác đá nào được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Hoạt động khai thác chủ yếu là bà con lén lút làm hoặc cải tạo vườn tược rồi tận dụng kiếm thêm thu nhập. Trước mắt, chúng tôi giao cho một số lực lượng ra kiểm đếm, trông coi tang vật để tránh việc tẩu tán và tiến hành xử lý vụ việc".
Tại H.Ia Grai, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép cũng đang diễn ra. Theo thống kê của Phòng TN-MT huyện này, trong năm 2022 có 5 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Đầu năm 2023 đến nay đã có 2 vụ khai thác đá trái phép ở 2 xã Ia Bá và Ia Hrung.
"Trên địa bàn huyện có 3 xã thường xảy ra các vụ khai thác khoáng sản trái phép là Ia Krái, Ia Bá và Ia Hrung, chủ yếu là khai thác đá chẻ phục vụ các công trình xây dựng. Chúng tôi đã khảo sát, tham mưu cho UBND huyện 31 vị trí để tổ chức đấu giá khai thác khoáng sản trong năm 2023. Chỉ có đấu giá khai thác thì mới giảm được tình trạng khai thác trái phép", ông Thái Anh Tuấn, Phó trưởng phòng TN- MT H.Ia Grai, nói.
PV Thanh Niên đã liên hệ với ông Lương Thanh Bình, Phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Gia Lai, theo số điện thoại được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Sở này để tìm hiểu rõ hơn về tình trạng trên, nhưng ông Bình không nghe máy.
Tại cuộc họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức, ông Nguyễn Văn Lộc, Chánh văn phòng UBND tỉnh Gia Lai, cũng lưu ý Sở TN-MT tỉnh này về việc phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.