Như thông lệ, câu chuyện của nhóm doanh nghiệp có trọng số lớn nhất trên sàn chứng khoán - ngân hàng - luôn là tâm điểm thu hút cổ đông, nơi cho giới đầu tư những thông tin quan trọng về kết quả kinh doanh và những báo cáo chi tiết về kế hoạch, hay đặc biệt là những phát biểu gây chú ý của lãnh đạo doanh nghiệp.
Tại Đại hội đồng cổ đông của nhà băng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống - VPBank, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cho biết: "Nền tảng vốn có được ngày hôm nay của VPBank đủ để duy trì tăng trưởng cao trong 5 năm tiếp theo và đủ để được phép chia cổ tức 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm cho cổ đông".
Với cổ đông VPBank, cổ tức có lẽ "không phải nghĩ" trong giai đoạn này, nhưng ngược lại, cổ động của ông lớn trong ngành bán lẻ là Công ty CP Thế giới di động lại phải suy nghĩ khá nhiều về cổ tức khi doanh nghiệp hạ cổ tức tiền mặt một nửa, xuống còn 5%, tương ứng 1 cổ phiếu sẽ nhận 500 đồng.
Một điểm đáng chú ý khác là công ty không có tờ trình phát hành cổ phiếu cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt (ESOP), nguyên nhân đến từ việc lợi nhuận giảm trong năm 2022.
Bên cạnh đó, những thách thức của ngành bán lẻ cũng khiến ông lớn này thay đổi chiến lược về giá bán.
"Các bạn có thể thấy có những thời điểm giá của Thế giới Di động cao hơn các cửa hàng khác đến vài triệu đồng. Trong thời gian sắp tới, các bạn sẽ thấy hiện tượng đó chấm dứt và chúng tôi sẽ không để cho chênh lệch giá đó trở thành điểm lợi dụng của đối thủ. Với vai trò nhà đầu tư, nếu các bạn đầu tư vào các đối thủ cạnh tranh, các bạn sẽ nghe thấy tiếng rên xiết đó trong thời gian sắp tới nó sẽ kéo dài chứ không phải ngắn hạn đâu. Các bạn chuẩn bị cho tinh thần đó", ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, nói.
Các đối thủ khác cũng đã chuẩn bị tinh thần, như ông Tài nói. Trái ngược với quan điểm của Thế giới Di động, thông điệp của FPT Retail được ông Hoàng Trung Kiên, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ: "Kinh doanh của Apple trong 1 năm về đây là cạnh tranh về giá. Tuy nhiên gần đây, FPT Retail đem lại trải nghiệm trong hệ sinh thái của iPhone, chứ không phải chỉ tập trung vào giá. Thế giới Di động cạnh tranh về giá có đáp trả không? Thì ai làm theo mới là đáp trả. Trong thị trường, có người bán rẻ thì các nhà khác bán rẻ theo, trò chơi tổng bằng không".
Phía FRT cũng cho biết thêm, trong bối cảnh thị trường khó khăn sẽ có cạnh tranh giá, nếu ông này xuống giá, ông khác xuống theo với mong muốn kéo khách hàng, nhưng việc này chỉ kéo nhau xuống. Về bản chất cuộc chiến về giá không phải là cuộc chiến hay trong giai đoạn này, để giữ khách FRT sẽ phải thích ứng.
Nhìn chung, các doanh nghiệp trong cả ngành bán lẻ và ngân hàng đều đang nhận diện rất rõ những thách thức và phần nào họ cũng cho cổ đông của mình những kỳ vọng phù hợp trong bối cảnh mới. Đây cũng là những căn cứ quan trọng giúp các nhà đầu tư đưa ra chiến lược cho thời gian tới.
Hiện tại, đã có 8 ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I, đa phần đều tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ, đáng chú ý có Bắc Á Bank tăng trưởng 36%, ACB tăng trưởng 24%… Ngược lại LienVietPostBank lại sụt giảm 13%.
Trong khi đó, ngành chứng khoán lại có sự phân hóa mạnh. Trong số 69 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý I/2023, chỉ có 8 doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận, nổi bật là Chứng khoán VPBank tăng hơn 5.400%, Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS) tăng hơn 900%.
Ở chiều ngược lại, Chứng khoán VNDirect bất ngờ báo lãi sau thuế giảm tới 82%. Tương tự, TCBS và HSC ghi nhận lợi nhuận sụt giảm trên 55%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.95514259012403202-gnourt-iht-nel-gnon-cus-ahp-gnod-oc-gnod-ioh-iad-aum/et-hnik/nv.vtv