Chứng khoán châu Âu tiếp tục đà tăng từ đầu năm
Tại châu Âu, kết phiên phiên 20/4 hầu hết các thị trường chứng khoán chủ chốt giảm điểm trong mùa báo cáo kinh doanh quý I. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm đến nay, các chỉ số chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục đà tăng.
Chỉ số Stoxx 600, đại diện cho cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn, vừa và nhỏ tiêu biểu ở 17 nước châu Âu đã tăng khoảng 10%. Mức tăng này cao hơn chỉ số S&P 500 của Phố Wall trong 4 quý liên tiếp. Tờ Financial Times đánh giá, đây là khoảng thời gian tăng trưởng vượt trội dài nhất của chỉ số Stoxx 600 kể từ năm 2008. Thực tế cho thấy các cảnh báo rủi ro cuối năm ngoái đã quá bi quan, đa số dự đoán đều đã không chính xác.
Trên sàn chứng khoán Paris, chỉ số chứng khoán CAC40 lên tới mức cao chưa từng thấy khi đóng cửa phiên giao dịch hôm thứ Ba (18/4) tuần này.
Tờ L'Opinion ra tại Pháp nhấn mạnh sức đẩy của cổ phiếu ngành hàng xa xỉ, chủ yếu nhờ đó mà chỉ số chứng khoán Paris tăng ngày càng cao. Theo bài báo, trong môi trường kinh tế và địa chính trị toàn cầu rất bất ổn, chứng khoán Paris đã tăng 15,5% kể từ đầu năm nay. Mức tăng lên tới hơn 30% nếu so với đáy hồi cuối tháng 9/2022.
Bài báo khá dài phân tích 4 yếu tố tưởng như bất lợi đối với chứng khoán. Tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, lãi suất tăng, lạm phát cao, các quỹ đầu tư bán ròng tới 4,3 tỷ Euro riêng trong tháng 2. Tất cả đều không ngăn được chỉ số chứng khoán Paris vượt 7.500 điểm, cao nhất từ trước tới nay.
Trên thị trường chứng khoán London, chỉ số FTSE 100 cũng đã vọt tăng gần mức đỉnh lịch sử. Một bài trên tờ Thư tín hàng ngày ra hôm 18/4 viết về bước khởi sắc, khi niềm tin phục hồi, sau những tuần hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng.
Tờ báo Anh trích lời ông Trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối châu Âu của ngân hàng HSBC: "Thực tế cho thấy mọi thứ không tệ như mọi người đã từng lo lắng. Lúc này, nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình vẫn đang gặp khó, nhưng Vương quốc Anh đã kiên cường hơn nhiều so với các dự báo trước đó, suy thoái kinh tế đã không xảy ra, hoặc ít ra là chưa xảy ra như những dự đoán bi quan cuối năm ngoái"
Tờ El Economista ra tại Tây Ban Nha đã so sánh mức tăng của các chỉ số chứng khoán châu Âu kể từ đầu năm cho tới nay. Pháp dẫn đầu với mức tăng 16,16%, tiếp đó là chỉ số chứng khoán châu Âu EuroStoxx, hiệu quả hơn cả chỉ số Nasdaq của Mỹ. Ibex Tây Ban Nha và Dax của Đức cũng đã tăng hơn 13%.
Chứng khoán đã tăng đến như vậy, thời điểm này nên chọn những mã nào để tránh đu đỉnh, là góc độ tờ Le Figaro đề cập trong một bài báo. Các nhà đầu tư do dự đối với ngành hàng xa xỉ đã tăng quá nhiều, như một số ví dụ trong bài báo, Hermès, L'Oréal hay Louis Vuitton…
Theo bài báo, cổ phiếu ngành xe hơi và ngành ngân hàng cũng đã bị kéo tụt một cách oan uổng và nay có triển vọng còn lên. Với xe hơi là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện mà xe chạy điện hay chạy xăng đều cần. Với ngân hàng là các ngân hàng lành mạnh nhưng vừa qua bị chao đảo theo cơn sóng dữ bên Mỹ và bên Thụy Sĩ, giờ đây nguy cơ lây lan đã giảm đi nhiều.
IMF dự báo kinh tế châu Âu 2023 không suy thoái
Thị trường chứng khoán thường được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Do vậy việc có những chỉ số tại những thường trường chứng khoán lớn của châu Âu như Pháp ghi nhận mức tăng trên 15% từ đầu năm cho thấy các nhà đầu tư tại châu Âu đã phần nào lạc quan hơn về kinh tế lục địa già.
Biểu tượng đồng Euro. (Ảnh: Alamy)
Theo các nhà phân tích thị trường, sự lạc quan này đến từ việc các định chế tài chính lớn trên thế giới đều dự báo kinh tế châu Âu dù chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong năm 2023, nhưng hầu hết các nước thành viên sẽ tránh được suy thoái.
Trong dự báo cập nhật tăng trưởng mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố tuần trước, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay, giảm mạnh so với mức tăng trưởng 3,5% do Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu công bố năm ngoái. Đầu tàu kinh tế là Đức được cho là sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này giảm xuống con số âm 0,1% trước khi tăng trưởng trở lại 1,1% vào năm 2024.
"Năm 2023, châu Âu sẽ chứng kiến một đợt suy giảm mạnh về tăng trưởng do phản ánh những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Đức bị ảnh hưởng lớn hơn vì sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga nhiều hơn các nước châu Âu khác. Sự suy giảm tăng trưởng của đầu tàu kinh tế Đức bắt đầu từ quý IV/2022 và kéo dài sáng 2023. Đó là nguyên nhân kéo kinh tế cả châu Âu giảm", ông Alfred Kammer, Giám đốc khu vực châu Âu của IMF, nhận định.
Thời tiết ấm áp hơn cũng đang là 1 trợ lực tốt. Điều đó có nghĩa là về mặt nhập khẩu khí đốt, khí hóa lỏng... để nạp đầy kho chứa sẽ cần ít nỗ lực hơn. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cần tính tới tác động kinh tế của các đợt đình công. Chúng có thể làm giảm từ 0,1 - 0,2% GDP. Đây là yếu tố không thể bỏ qua.
Dự báo chu kỳ tăng lãi suất của ECB gần đạt đỉnh
Như vậy kịch bản suy thoái tại lục địa già tạm thời đã được loại bỏ. Tuy nhiên trong bối cảnh lạm phát tháng 3 vừa qua tại 27 nước thành viên EU vẫn được ghi nhận tăng ở mức 8,3%, còn riêng khu vực Eurozone tăng 6,9%. ECB đã 6 lần nâng lãi suất liên tiếp. Có thể thấy bối cảnh thế giới đang có sự dịch chuyển. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ FED đảo chiều chính sách về lãi suất có thể sẽ là một tín hiệu quan trọng cho các ngân hàng trung ương trên toàn cầu thời gian tới.
Có thể nói, việc FED giảm tốc về mức tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 do những sức ép của hệ thống ngân hàng là một chỉ dấu cho các ngân hàng trung ương của các nước. Trong suốt 1 năm qua, tại các cuộc họp chính sách hàng tháng, ECB luôn nhấn mạnh tăng lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát hiện vẫn cao gấp 3 - 4 lần mức mục tiêu 2% là nhiệm vụ quan trọng nhất cơ quan này đặt ra. Tuy nhiên chu kỳ tăng lãi suất của ECB được cho đã gần đạt đỉnh, theo đánh giá của chuyên gia trang tài chính Bloomberg.
Bloomberg Economics dự báo lãi suất chuẩn của ECB vào cuối năm 2023 sẽ là 3,5%, cao hơn so với mức hiện tại 3%. Cuối năm 2024, lãi suất chuẩn được kỳ vọng giảm xuống 2,5%.
Các quan chức ECB cũng đã phát tín hiệu cho thấy quá trình nâng lãi suất có thể sắp kết thúc. Dự báo cơ quan vẫn còn một vài đợt tăng nhẹ lãi suất và sau đó duy trì lãi suất ở mức cao để chống lạm phát lõi vốn lập kỷ lục trong tháng 3 vừa qua.
Các cuộc thảo luận về thời điểm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất diễn ra sau khi cả Mỹ và châu Âu ghi nhận những áp lực trong lĩnh vực tài chính.
"ECB đang phải cố cân bằng giữa lạm phát cao, kinh tế suy giảm và sức ép trong ngành ngân hàng. Trong tháng 3/2023, Hội đồng Thống đốc ECB không đưa ra tín hiệu về động thái kế tiếp. Nếu ổn định tài chính vẫn còn đó, Bloomberg Economics dự báo ECB sẽ nâng thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 5 và tháng 6/2023, từ đó nâng lãi suất chuẩn lên 3,5%. Cũng không loại trừ khả năng sẽ có thêm 1 đợt nâng 25 điểm cơ bản trong tháng 7/2023. Sau đó, họ nhiều khả năng sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt này trong thời gian dài", ông David Powell, chuyên gia tại Bloomberg Economics, cho biết.
Các chuyên gia cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine, hiện đã bước sang năm thứ hai, vẫn sẽ là một mối đe dọa có thể gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng mới ở châu Âu và biến nỗ lực chống lạm phát, tăng trưởng kinh tế của khu vực thành "công dã tràng". Dự báo mới nhất cho thấy kinh tế lục địa già mới chỉ có triển vọng "thoát hiểm" khỏi suy thoái, chưa bước vào giai đoạn phục hồi. Do đó, các quốc gia châu Âu cần phải nỗ lực bảo đảm môi trường tương đối ổn định để nền kinh tế từng bước phục hồi vững chắc.
VTV.vn - Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% trong năm nay dù Đức được cho là sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái nhẹ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.71555801112403202-meih-taoht-gnov-neirt-oc-ua-uahc-et-hnik/et-hnik/nv.vtv