Tăng trưởng tín dụng tập trung ở khách hàng doanh nghiệp
Sáng 21/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Tại Đại hội, cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tổng tài sản năm 2023 tăng trưởng từ 5-10%. Dư nợ tín dụng thực hiện theo hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và định hướng chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ.
Chủ tịch HĐQT Vietinbank Trần Minh Bình cho biết, kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay dự kiến tăng 10-15%.
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Vietinbank đạt 21.113 tỷ đồng, như vậy, theo dự kiến lợi nhuận năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu tưd 23.224 - 24.279 tỷ đồng.
Trong quý I/2023, kết quả của VietinBank đều đạt và vượt mức so với kế hoạch đề ra. Theo đó, tổng tài sản tăng 0,9%, tương đương hơn 16.000 tỷ đồng, đạt mức 1,8 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 4,6%, trong khi tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân của toàn hệ thống ngân hàng là 2%.
Sự tăng trưởng tập trung ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), khách hàng cá nhân, FDI, doanh nghiệp nhà nước. Nguồn vốn có tốc độ tăng trưởng phù hợp tuy không nhiều nhưng đảm bảo khả năng thanh khoản.
Vietinbank cũng chủ động giảm lãi suất, tăng cường tìm kiếm nguồn vốn giá rẻ, ngắn hạn, giảm nguồn vốn dài hạn.
Còn theo chia sẻ của ông Trần Văn Tần - Thành viên HĐQT, tính đến 31/3/2023, dư nợ tín dụng bao gồm cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp tăng 4,6%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 28.091 tỷ đồng, tăng 4,61% còn ngược lại, lượng trái phiếu doanh nghiệp đã giảm 1,43%
“Năm 2022, tăng trưởng tín dụng 50% rơi vào phân khúc khách hàng doanh nghiệp và phần còn lại là bán lẻ. Định hướng chung của ngân hàng ở mảng này là đẩy mạnh biện pháp tối ưu, sử dụng nguồn vốn cho bán lẻ. Sắp tới, Vietinbank sẽ tiếp tục nâng cao vị thế trên mảng này, hướng tới trải nghiệm của khách hàng”, ông Tần nói.
Vốn điều lệ tăng lên mức 60.387 tỷ đồng
Năm 2023, VietinBank có kế hoạch tăng vốn điều lệ, thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại luỹ kế đến hết năm 2016. Cụ thể, ngân hàng sẽ dùng 12.330 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu, khối lượng phát hành hơn 1,2 tỷ đơn vị.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 của VietinBank cũng đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 48.057 tỷ đồng lên 53.700 tỷ đồng nhưng chưa được hoàn tất. Nguồn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2020.
Do đó, trong năm nay, nếu tại thời điểm phát hành, vốn điều lệ VietinBank vẫn đang ở mức 48.058 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến tỉ lệ chia cổ tức tương đương với 25,66%. Vốn điều lệ sẽ tăng lên 60.387 tỷ đồng.
Trường hợp tại thời điểm phát hành, ngân hàng đã hoàn tất việc tăng vốn lên 53.700 tỷ đồng, Vietinbank sẽ chia cổ tức là tỉ lệ 22,96%. Vốn điều lệ sau khi phát hành thành công là 66.030 tỷ đồng.
Thời gian hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định tại giấy phép/chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Tại Đại hội, cổ đông Vietinbank cũng thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm và bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024. Theo đó, ngân hàng miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Masahiko Oki theo đề nghị của MUFG từ ngày 2/6/2023.
Đồng thời, bầu ông Koji Iriguchi tham gia HĐQT từ 2/6. Ông Koji Iriguchi hiện là Đồng Trưởng phòng Kế hoạch và Quản trị tài chính, Khối tài chính kiêm Đồng Trưởng ban chiến lược và quản trị thay đổi, Văn phòng HĐQT VietinBank.