Mới đây, nhà sưu tầm Nguyễn Hiếu Tín tái bản cuốn sách Thư pháp là gì? sau 15 năm ra mắt. Cuốn sách tập hợp khá đầy đủ về nghệ thuật thư pháp các nước và Việt Nam từ truyền thống đến hiện tại.
Nguyễn Hiếu Tín là một nhà sưu tập tem, ấm tử sa, gốm Biên Hòa, lũa gỗ nghệ thuật… và là cái tên khá quen thuộc trong giới thư pháp tại TP.HCM.
Anh từng là chủ nhiệm đầu tiên của Câu lạc bộ Thư pháp trực thuộc Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Hiện anh là trưởng bộ môn du lịch của Trường đại học Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
Thư pháp Việt tích hợp văn hóa Đông - Tây
Nguyễn Hiếu Tín nghiên cứu thư pháp từ năm 2000. Anh viết sách Thư pháp là gì? (phát hành năm 2007) được độc giả yêu mến thư pháp đón nhận. Đến nay, sau 15 năm, anh tái bản cuốn sách.
Đây là quyển sách hiếm hoi có đủ lý luận, thông tin để cung cấp góc nhìn trọn vẹn về thư pháp - loại hình nghệ thuật được yêu thích trên thế giới.
“Thời gian qua, có rất ít sách viết về thư pháp, nếu có chỉ dưới dạng catalog (ấn phẩm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ - PV). Mười mấy năm qua không có sách lý luận về thư pháp Việt. Nhận thấy còn hợp thời, để thông tin không bị trôi theo thời gian, tôi quyết định tái bản Thư pháp là gì?” - Hiếu Tín nói.
Ngoài ra, anh ước mơ đặt nền tảng lý thuyết thư pháp vì nghệ thuật muốn phát triển phải có lý thuyết.
Khi một ông đồ cho chữ, khách hỏi sâu về thư pháp mà họ không biết, không truyền đạt được thì mất phân nửa cái đẹp.
Trong lần tái bản, Hiếu Tín bổ sung, chỉnh sửa nội dung thư pháp Tây Tạng; vẽ sơ đồ cho thư pháp Việt. Nội dung sách sơ lược về thư pháp Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Ả Rập và thư pháp Việt Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.
Qua cuốn sách này, anh muốn chứng minh sự tồn tại của thư pháp Việt, chứng minh tiếng Việt đủ điều kiện trở thành thư pháp đúng nghĩa.
Bởi ngoài Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản có văn tự chữ Hán thì các nước Ả Rập, Tây Tạng và một số nước châu Âu dùng chữ Latin vẫn có thư pháp. Việt Nam đặc thù vừa có chữ Hán vừa có chữ Latin, thư pháp Việt tích hợp văn hóa Đông - Tây.
- Tham khảo thêm
"Nhiều người bán đắt để chứng minh tác phẩm giá trị"
Sắp tới, Nguyễn Hiếu Tín sẽ viết 3 cuốn sách chuyên sâu: Địa văn hóa trong thư pháp Việt, Chữ tình trong thư pháp Việt và Thư pháp Việt sản phẩm du lịch Việt Nam. Anh muốn góp phần định lượng giá trị thật thư pháp Việt vì "hiện nay nhiều bạn bán đắt để chứng minh tác phẩm có giá trị, thư pháp đẹp", theo lời Hiếu Tín.
Theo thống kê chưa đầy đủ, TP.HCM có khoảng 300 ông đồ. Người viết thư pháp hoạt động chủ yếu thời điểm Tết hoặc tham gia các sự kiện. Nhiều người lấy thư pháp làm nghề chính.
Thư pháp dần thành nghề sự kiện cùng với nặn tò he, tạo hình bong bóng… thành quà tặng ý nghĩa. Lợi thế của thư pháp là sản phẩm mang giá trị vừa hữu hình (mang về được) vừa vô hình (xem các ông đồ viết chữ).
Ngoài ra, các ông đồ có khả năng viết thư pháp tiếng nước ngoài cũng là lợi thế khi hội nhập. Tuy nhiên, riêng chữ Việt liên quan đến tính văn học nếu người viết chỉ chú ý kỹ thuật, quên sắp xếp chữ, để nhảy chữ sẽ tạo ra ý nghĩa khác.
Về mức giá của thư pháp, nhiều ông đồ trẻ nghĩ thư pháp là sáng tạo nên bán giá đắt. Tuy nhiên so với công lao động của một họa sĩ thì giá của thư pháp quá cao so với tranh vẽ.
Trong khi họa sĩ học 4 năm, có khi vẽ cả tháng mới được một tác phẩm, còn thư pháp gia học mấy tháng, lại đưa giá cao vô tội vạ.
Hiện nay thư pháp bão hòa bởi sự đại trà, Hiếu Tín mong muốn thư pháp cần được định hướng để không bị xem thường, để thú chơi cao cấp thành thông thường.
Tin dịch vụ - Cung Văn hóa Lao động TP.HCM tổ chức chuyên đề “Câu đối trong thư pháp chữ Việt” dành cho tất cả các bạn trẻ yêu văn chương và nghệ thuật thư pháp.
Xem thêm: mth.7373828012403202-irt-aig-oc-cahc-auhc-tad-nab-teiv-pahp-uht/nv.ertiout