Vừa qua, lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang thông tin về vụ án Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Công ty Pháp Việt) "núp bóng" công ty luật để đòi nợ.
Theo đó, công an tỉnh này đã khởi tố 60 bị can để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Con số còn có thể tăng lên khi cảnh sát xác định có đến 415 đối tượng, trong đó 400 đối tượng có liên quan trực tiếp, tham gia hành vi đòi nợ bằng các thủ đoạn khác nhau, buộc người thiếu nợ phải trả tiền, cấu thành tội Cưỡng đoạt tài sản.
Số tiền các bị can đã đòi nợ, cưỡng đoạt đến thời điểm điều tra là hơn 1.000 tỷ đồng.
"Cơ quan điều tra kiến nghị thu hồi số tiền mà các đối tượng đã đòi nợ, cưỡng đoạt từ người vay, xem đây là tang vật trong vụ án. Việc xử lý số tiền này như thế nào sẽ thuộc thẩm quyền của tòa án khi đưa vụ án ra xét xử", lãnh đạo Công an tỉnh Tiền Giang nói.
Tuy nhiên, trước thông tin này, luật sư Hoàng Trọng Giáp, Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa, lại đưa ra quan điểm, cơ quan điều tra cần đánh giá, phân loại cẩn thận số tiền hơn 1.000 tỷ đồng trên.
Theo ông Giáp, Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Đối chiếu với vụ án tại tỉnh Tiền Giang, luật sư nhận định, vật chứng sẽ được xác định là công cụ như điện thoại, máy tính, email... Và tiền Việt Nam mà các đối tượng phạm tội (Công ty Luật nhận ủy quyền của Công ty tài chính, ngân hàng đi đòi nợ) đã thực hiện hành vi cưỡng đoạt của những người nợ tiền vay của công ty tài chính, ngân hàng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần đánh giá, xác minh số tiền hơn 1.000 tỷ đồng trên có phải do hành vi cưỡng đoạt tài sản mà có hay không, để tránh gây thiệt hại cho các công ty tài chính, ngân hàng, khi họ có nghĩa vụ phải nộp lại số tiền trên.
Theo luật sư, nếu có đủ căn cứ xác định số tiền là vật chứng của vụ án thì cơ quan điều tra phải thực hiện xử lý theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Ngày 14/2, Công an tỉnh Tiền Giang, lực lượng chức năng của Bộ Công an và Công an TPHCM đột kích trụ sở Công ty Luật TNHH Pháp Việt, bắt nhiều đối tượng cùng nhiều tang vật.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai Công ty Luật TNHH Pháp Việt không có nhân sự nào có văn bằng luật. Công ty này có 15 nhóm nhân viên, mỗi nhóm trên dưới 15 người, chuyên đòi nợ thuê cho các ngân hàng, công ty tài chính.
Mỗi tháng nhóm đối tượng nhận xử lý từ hơn 140.000 đến hơn 240.000 hợp đồng vay nợ từ các ngân hàng, công ty tài chính. Hoa hồng đòi nợ thuê là từ 25% đến 35% khoản tiền đòi được.
Trong quá trình hoạt động, nhóm đối tượng đã đòi được gần 1.000 tỷ đồng. Để đòi được nợ, nhân viên Công ty Luật TNHH Pháp Việt không từ thủ đoạn, đe dọa giết người khắp cả nước.