Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I năm nay đạt 1,85 triệu tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 12 năm qua. Các doanh nghiệp thuận lợi về thị trường, nhưng khó về nguồn vốn để thu hoạch.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp, tháng trước, trong thời gian gian thu hoạch cao điểm vụ Đông Xuân 2023 tại Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay vốn để thu mua, kinh doanh lúa gạo.
Là doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo với các hợp tác xã, cái khó nhất của họ là khi vào mùa vụ thu mua lúa cần một lượng tiền lớn. Với lượng lúa thu mua khi vào vụ khoảng 1 - 2 tấn/ngày, doanh nghiệp sẽ cần khoảng vài tỷ đồng. Chính vì vậy, kênh tài trợ của hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi liên kết là rất cần thiết.
"Cần cơ chế chính sách là chúng ta đã đủ rồi. Bây giờ chúng ta cần giải pháp để thực thi cơ chế chính sách đó. Ngân hàng đã cho doanh nghiệp vay, nhưng chỉ cho vay phần ngọn, tức là vay để thu mua lúa, gạo chế biến xuất khẩu. Còn vay để thực hiện cải cách chuỗi từ khi gieo sạ đến khi tạm trữ, chế biến, bảo quản, xuất khẩu... thì không có", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết.
Theo dự báo, năm nay xuất khẩu gạo có thể đạt kim ngạch khoảng 4 tỷ USD. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Hiện nay, Việt Nam là 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thời điểm chiếm tới 30% thương mại gạo toàn cầu. Dù vậy, liên kết trong ngành hàng này mới đạt khoảng 20%. Sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu mô hình cánh đồng lớn, theo các ngân hàng đây là lý do lớn nhất dòng vốn vào ngành hàng này chưa được nhiều.
"Vai trò của chủ vựa lúa, vựa hoa quả đang chính là chủ thể đầu chuỗi, họ ứng vốn, ứng chi phí sản xuất... và đến mùa thu hoạch, chính họ là người thu hoạch và sau khi trừ chi phí, họ sẽ trả cho người có đất, có ruộng một phần thu nhập. Ngân hàng chúng tôi nhiều lần tự hỏi chúng ta đóng vai trò cấp vốn, nhưng chúng ta không thể đứng ra để quản lý chuỗi được", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, nêu quan điểm.
Vốn cho vay trong ngành lúa gạo mới chỉ tập trung vào việc thu mua lúa. Đây không chỉ là thực tế tại một địa phương, mà nó là thực tế chung của cả nước. Ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long, nơi tập trung tới 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, hiện dòng vốn ngân hàng mới tập trung vào hoạt động thu mua lúa mỗi khi vụ mùa tới. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân năm nay, các chuyên gia cho rằng, cần khoảng 70.000 tỷ đồng mới có thể mua hết 10 triệu tấn lúa cho bà con nông dân.
Tín dụng cho chuỗi liên kết ngành gạo
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đối với ngành lúa gạo có tốc độ tăng trưởng bình quân cao khi các năm gần đây luôn có mức tăng trưởng 13 - 15%.
Riêng tại ĐBSCL, tính đến cuối tháng 2 năm nay, dư nợ cho vay đạt hơn 99.000 tỷ đồng - chiếm 55% dư nợ cho vay ngành lúa gạo trên toàn quốc, tăng 6% so với cuối năm 2021. Tuy nhiên, về lâu dài, để có thể tăng giá trị xuất khẩu gạo và giải quyết bền vững về chuỗi liên kết, các doanh nghiệp cần những nguồn vốn dài hạn hơn.
Công ty TNHH Liên Hạnh chuyên xuất khẩu gạo, nhưng vài năm trở lại đây, đơn vị đã đầu tư hàng chục tỷ đồng mua máy móc chế biến gạo ra các sản phẩm như bún, phở, mì khô để xuất khẩu. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ, họ phải thiết lập lại chuỗi ngành hàng.
"Cả một chu kỳ như vậy thời gian rất dài, ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Thứ nhất là đầu tư vốn dài hạn và trung hạn. Thứ hai là hỗ trợ cho chính sách vay trong thời gian doanh nghiệp tiêu thụ nội địa và xuất nhập khẩu", ông Trần Hữu Hạnh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Liên Hạnh, đề xuất.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, vốn tín dụng nếu chỉ giải quyết ở phần ngọn, tức là thời điểm thu hoạch rộ và giải quyết nhu cầu thu mua, về lâu dài vẫn thiếu tính bền vững. Doanh nghiệp vẫn có nhu cầu lớn đối với vốn dài hạn. Ngoài thu mua, doanh nghiệp còn liên kết với nông dân trồng lúa, thu hoạch, lưu trữ, chế biến và xuất khẩu.
"Gạo sản xuất trong cánh đồng liên kết có chất lượng rất cao, bán được khoảng 600 - 1.500 USD/tấn. Nếu gạo của chúng ta sản xuất ở ngoài, giá chỉ khoảng 400 - 500 USD. Giá trị từ mô hình liên kết rất lớn. Chính vì thế ngân hàng cần mạnh dạn đồng hành trong vấn đề này thì số tiền Việt Nam thu về nhiều hơn", ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, nhận định.
Nếu tập trung được sản xuất, quy hoạch được vùng nguyên liệu trồng lúa, thì đây cũng là tiền đề quan trọng để vốn vào ngành lúa gạo được bền vững hơn. Doanh nghiệp đầu chuỗi chính là doanh nghiệp đứng ra vận hành bằng dòng vốn từ ngân hàng.
"Chúng ta quy hoạch được vùng sản xuất, thì chúng ta sẽ tổ chức sản xuất và khi tổ chức sản xuất chúng ta sẽ có phương án tiêu thụ. Bản thân người nông dân không tự xây dựng được thương hiệu và không tự tổ chức được sản xuất, nên chúng tôi thấy rất cần vai trò của doanh nghiệp đầu chuỗi, họ có khả năng tư duy và tổ chức sản xuất", bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho hay.
Theo dự báo, năm nay xuất khẩu gạo có thể đạt kim ngạch khoảng 4 tỷ USD. Nhiều chuyên gia nhận định nếu dòng vốn ngân đổ vào đúng các chuỗi liên kết, khuyến khích các doanh nghiệp làm chuỗi giá trị liên kết sâu rộng với người nông dân, mức kim ngạch có thể tăng lên gấp 2, thậm chí gấp 3 là hoàn toàn khả thi.
VTV.vn - Để tăng giá trị và hình thành các chuỗi liên kết ngành gạo, các doanh nghiệp cần có nguồn vốn dài hạn hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.86125742112403202-oag-hnagn-peihgn-hnaod-ohc-nov-og/et-hnik/nv.vtv