Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - UPCoM: DHB) công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với kết quả không mấy khả quan.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần quý I/2023 đạt 1.184 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ do giá Urê và NH3 giảm mạnh.
Giá vốn bán hàng tăng 29% lên 1.104 tỷ đồng trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn than thiếu hụt. Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 25% xuống 153 tỷ đồng chủ yếu là lãi vay. Trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng tăng không đáng kể.
Trừ các chi phí, Đạm Hà Bắc báo lỗ sau thuế 129 tỷ đồng trong khi quý I/2022 lãi 868 tỷ đồng. Đây là quý lỗ đầu tiên sau 6 quý có lãi trở lại của doanh nghiệp này.
Năm 2023, Đạm Hà Bắc đặt mục tiêu 4.615 tỷ đồng doanh thu, 931 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, Đạm Hà Bắc mới hoàn thành 26% kế hoạch doanh thu.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty đạt 7.472 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn khoảng 382 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 11% xuống 757 tỷ đồng.
Cuối quý I/2023, tổng nợ vay của Đạm Hà Bắc khoảng 3.177 tỷ đồng, chiếm 43% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu âm 382 tỷ đồng, trong đó, công ty ghi nhận tổng lỗ lũy kế lên tới 3.104 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. Được xem là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, nhưng Đạm Hà Bắc bắt đầu rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015.
Sau khi mở rộng, nhà máy luôn vận hành ổn định nhưng Đạm Hà Bắc lại chuyển từ có lãi sang thua lỗ. Nguyên nhân cơ bản, theo lãnh đaọ Đạm Hà Bắc là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn, với các khoản vay ngân hàng có lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn) dẫn đến lãi chồng lãi. Bên cạnh đó, tranh chấp hợp đồng tổng thầu EPC với nhà thầu chưa được giải quyết dứt điểm.
Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.