Cuốn artbook do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành, vừa ra mắt bạn đọc nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc.
Cuốn sách là kết quả của một ý tưởng đầy sáng tạo: tập hợp các đoạn trích hay nhất trong sách giáo khoa chương trình phổ thông viết về cảnh đẹp non sông gấm vóc Việt Nam kết hợp với những bức tranh được các họa sĩ hiện đại sáng tác.
Sách gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại viết về những cảnh và tình trên khắp mọi miền đất nước, từ Việt Bắc trong thơ Tố Hữu, người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, một Sa Pa lặng lẽ của Nguyễn Thành Long, một bản người Mông trong văn Tô Hoài…
Đến "sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội", qua "bên kia sông Đuống", về thôn Vĩ Dạ, tới Tháp Chàm, những hàng me Sài Gòn trong văn Bình Nguyên Lộc, chiều Sài Gòn trong thơ Bùi Giáng… xuống đất rừng phương Nam, hương rừng Cà Mau…
Những miền lưu dấu này lâu nay đã thấm đẫm vẻ đẹp của cảnh và tình trong lòng người yêu văn chương, các bạn học sinh, nay lại được tái tạo một lần nữa qua những bức họa "ứng tác" của các họa sĩ đương thời, hầu hết là các họa sĩ trẻ.
Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách (lãng mạn của Trương Văn Ngọc, ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn…), chất liệu (màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kỹ thuật số) đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác.
Khi những cảnh ấy được thể hiện cả trong văn và họa, và đặt cạnh nhau cùng lúc, khiến các bạn trẻ được kích thích cầm sách lên đọc, yêu văn thơ vì tranh, rồi lại vì văn chương mà khám phá lại hội họa.
Ý tưởng táo bạo của cuốn artbook này đã mang đến một cơ hội để hội họa tiếp bước những áng văn mang đến cho người đọc được đọc văn chương theo những cách rộng mở nhất.
Tiến sĩ ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh đánh giá rất cao ý tưởng của cuốn sách này.
Theo bà, việc đưa những sáng tạo hội họa từ văn chương đứng cùng văn chương trong một cuốn sách đẹp giúp các em học sinh học được khả năng biết rung động trước cái đẹp, nhận ra cái đẹp.
Khi các em được mài sắc giác quan, yêu cái đẹp, biết nhận ra cái đẹp chính là điều kiện để các em xây dựng cho mình một cuộc sống tràn đầy, phong phú hơn.
Với những bức tranh sáng tác từ những áng văn, thơ và đặt cạnh áng văn, thơ đó như cách cuốn sách này thực hiện, cũng sẽ dạy cho các em học sinh một điều quan trọng: quyền năng sáng tạo và sự tự do của người tiếp nhận nghệ thuật.
Nhìn vào những bức tranh dường như không chính xác với những gì nhà văn mô tả và cũng không đúng với tưởng tượng của người đọc, bạn đọc sẽ hiểu ra rằng đó chính là cái hay của văn chương nghệ thuật, mọi người đều có quyền tự do cảm nhận nghệ thuật theo cách của mình.
TTO - Một êkip gồm thạc sĩ Thủy Nguyên và 16 họa sĩ vừa hoàn thành tập sách tranh (artbook) Thiện và ác và cổ tích. Đáng chú ý là lần đầu tiên, các nhân vật phản diện của thế giới cổ tích lên tiếng tự kể câu chuyện về mình trong ngôi thứ nhất.