Kết quả trên được công bố chiều nay tại phiên họp thường niên của Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB).
Ban lãnh đạo nhà băng này cho biết mục đích của việc nhận sáp nhập để tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của MSB. Tiêu chí lựa chọn là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường tại Việt Nam, với tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.
Nội dung này sau đó trở thành một trong những chủ đề "nóng" nhất trong phiên họp. Những thắc mắc của cổ đông chủ yếu xoay quanh kế hoạch chi tiết hơn, gồm danh tính của ngân hàng MSB tìm hiểu, kế hoạch và phương hướng hoạt động trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Hoàng An, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị MSB, tờ trình này mới là bước đầu xin chủ trương. Kết quả cuối cùng không do Hội đồng quản trị quyết mà cần sự đồng ý của các cổ đông, sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. "Hội đồng quản trị và ban lãnh đạo sẽ có sự đánh giá khắt khe với những lựa chọn và xin ý kiến cổ đông khi có quyết định cuối cùng", ông An nói.
Trước lo ngại về ảnh hưởng tới hoạt động MSB, đại diện nhà băng này cho biết đã có kinh nghiệm nhận sáp nhập một ngân hàng khác trước đó là Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB). Nhờ có những kinh nghiệm quản trị hoạt động, MSB không để việc sáp nhập ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, kết quả hoạt động cũng như nợ xấu.
Dù vậy, khi biểu quyết thông qua, tờ trình này chỉ nhận được sự đồng ý của các cổ đông đại diện hơn 56% số cổ phần tham dự đại hội, không đủ điều kiện thông qua theo quy định (65%).
Ngoài vấn đề sáp nhập, cổ tức cũng là một chủ đề được quan tâm. Các cổ đông liên tục chất vấn ban lãnh đạo về việc không chia cổ tức năm nay, đồng thời đề nghị ngân hàng xem xét chia cổ tức bằng tiền. Đại diện một cổ đông sở hữu 6% vốn của nhà băng này cho rằng MSB có đủ điều kiện chia cổ tức tiền mặt với nền tảng tài chính trong năm vừa qua.
Theo Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh, lợi nhuận ngân hàng sau khi trích lập các quỹ, phần còn lại là giá trị của cổ đông. Tuy nhiên, MSB cần củng cố hoạt động sau khi vừa tăng vốn lên hơn 20.000 tỷ đồng, vì thế đề nghị cổ đông thông qua việc không chia cổ tức. Ban lãnh đạo kỳ vọng năm nay có thể hoàn tất thương vụ bán vốn tại Công ty tài chính FCCOM với mức lợi nhuận cao, khi đó MSB có thể chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn.
Năm ngoái, MSB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.700 tỷ đồng. Mức thấp hơn kế hoạch chủ yếu do ảnh hưởng của thương vụ bán vốn tại FCCOM.
Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết đã làm việc với nhiều đối tác là các định chế tài chính nước ngoài quan tâm đến việc bán vốn. Hai bên đã tiến tới bước thỏa thuận về giá chào mua, điểu khoản hợp đồng mua bán, đặc cọc. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực khiến dòng tiền đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng.
Lãi suất huy động tăng khiến giá cổ phiếu thị trường bị sụt giảm mạnh, các hoạt động cho vay của ngân hàng mẹ và FCCOM đều ít nhiều bị ảnh hưởng. "Các yếu tố bất lợi này đã ảnh hưởng đến giá chào mua ban đầu của đối tác khiến việc đàm phán thoái vốn chưa thể hoàn thiện trong năm 2022", báo cáo của ban tổng giám đốc cho biết.
Dù khó khăn trong việc chuyển nhượng FCCOM, ban lãnh đạo MSB cho biết nhà băng vẫn duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận 14% nhờ các hoạt động kinh doanh cốt lõi, chủ yếu là thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng. Ngoài ra, ở phần doanh thu ngoài lãi, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng đột biến năm ngoái, gấp 2,6 lần cùng kỳ 2021.
Năm nay, MSB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.300 tỷ đồng, tăng 9%. Tổng tài sản dự kiến tăng 8% lên 230.000 tỷ, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 10%.
Hết quý I, theo CEO Nguyễn Hoàng Linh, MSB đã tăng trưởng tín dụng hơn 13%, gần hết hạn mức được giao từ Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, từ nay đến cuối năm, ngân hàng sẽ thực hiện các phương án kinh doanh như thu hồi nợ, tái cơ cấu lại danh mục khách hàng cho vay để lựa chọn khách hàng tốt, thu phí, tài trợ thương mại. Đồng thời, MSB sẽ tiếp tục xin cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Minh Sơn