Doanh nghiệp kỳ vọng sớm được giãn, hoãn nợ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, trong đó có nhiều nội dung quan trọng.
Đối tượng áp dụng là các khoản nợ phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực và phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi trong khoản thời gian Thông tư này có hiệu lực cho đến hết 31/12/2023. Thời gian cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ không vượt quá 12 tháng, tuỳ thuộc vào mức độ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của từng khách hàng. Hiểu nôm na là khách hàng đến hạn sẽ không phải trả nợ ngay mà có thêm một khoảng thời gian để thu xếp, giảm áp lực tài chính.
Giải pháp này từng được thực hiện trong giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, được một số doanh nghiệp ví như chiếc bình oxy, tiếp sức cho họ vượt qua những lúc khó nhất, cạn kiệt về dòng tiền.
Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị Bilico có nhu cầu vay 20% doanh thu mỗi năm để xoay vòng vốn kinh doanh. Khoản lãi vay sẽ được doanh nghiệp thanh toán theo tháng. Trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, việc được gia hạn thời gian trả tiền vốn vay và lãi cũng giúp doanh nghiệp đỡ áp lực chi phí. Doanh nghiệp cũng mong muốn chính sách này sớm được thực hiện.
"Việc đưa lại chính sách để hỗ trợ giãn hoãn nợ, giữ nhóm cơ cấu nợ và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cần được hỗ trợ càng sớm càng tốt. Làm kinh doanh chưa có lãi để trả những khoản nợ là vấn đề không đơn giản", ông Trần Thanh Bình - Công ty Cổ phần Xây dựng và Thiết bị Bilico nói.
Những khách hàng gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh sẽ được các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Thông qua chính sách này, doanh nghiệp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận, có thể được cơ cấu lại thời gian trả nợ hoặc không phải chuyển nhóm nợ xấu. Đây được coi là điểm sáng trong dự thảo Thông tư lần này, vì nếu bị chuyển sang nhóm nợ xấu, doanh nghiệp sẽ không thể tiếp cận được vốn cho sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá: "Chúng tôi thấy rằng giải pháp xử lí vấn đề tín dụng này rất có ý nghĩa, giá trị giúp các doanh nghiệp sẽ không bị đưa về điểm liệt, nhóm nợ xấu, dẫn đến việc không thể tiếp cận nguồn vốn khác".
Giữa năm ngoái, chính sách cơ cấu nợ cũng đã từng được ban hành khi các doanh nghiệp gặp ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nếu Thông tư lần này được thông qua, đây là lần thứ hai trong 3 năm Ngân hàng Nhà nước cho phép giữ nguyên nhóm nợ với một số khách vay.
"Dự thảo Thông tư về giãn, hoãn, khoanh các nhóm nợ là động thái giúp các ngân hàng thương mại có cơ sở pháp lý để có thể khoanh nợ, giãn nợ đối với các doanh nghiệp", ông Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính nhận xét.
Đồng thời, do nguồn lực thực hiện cơ cấu nợ là nguồn của chính các ngân hàng thương mại nên các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ cơ cấu theo lộ trình.
Đề xuất mở rộng đối tượng và thời gian cơ cấu nợ
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo là quy định khách hàng phải được đánh giá có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và lãi khi được cơ cấu lại. Nhiều ý kiến đề xuất cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về thế nào là có khả trả nợ để cả ngân hàng, và doanh nghiệp cùng xem xét, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch cho hoạt động này.
Bên cạnh đó, hiện đã là cuối tháng 4,Thông tư chưa ban hành, nên cần cân nhắc mở rộng thời gian áp dụng, nhằm giúp chính sách chạm tới nhiều doanh nghiệp cần hỗ trợ hơn nữa.
Thời hạn tiến hành cơ cấu nợ gói gọn trong năm nay, với thời gian cơ cấu nợ tối đa là 12 tháng. Theo chuyên gia, chờ đến khi Thông tư được ban hành, cũng chỉ còn 6 - 7 tháng để xem xét cơ cấu nợ trước khi hết năm 2023, do đó cần cân nhắc về thời hạn.
"Tất cả các hoạt động xử lý tái cơ cấu phải diễn ra trong năm nay thì tôi cho rằng điều này hơi hạn chế vì chúng ta không còn nhiều thời gian nữa. Theo tôi sự hợp lý là kéo thời hạn xử lý đến nửa năm sau, cho các hoạt động tái cơ cấu có thể diễn ra", ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Investment Banking đề xuất.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho rằng: "Để đánh giá, đưa ra quyết định có cơ cấu hay không một khoản nợ, quá trình đó nó rất mất thời gian. Vì vậy nên chăng Ngân hàng Nhà nước có thể tính toán để kéo dài đến nửa đầu 2024".
Theo các chuyên gia tài chính, rất cần mở rộng thời hạn và đối tượng được cơ cấu nợ, dãn, hoãn thời gian trả nợ. Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu nợ chỉ trong 12 tháng, khiến phạm vi được hỗ trợ của chính sách cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ này khá hạn chế, chỉ hướng tới các khoản vay ngắn, vay vốn lưu động… Còn các khoản vay trung dài hạn sẽ rất khó tiếp cận chính sách.
Theo các chuyên gia tài chính, rất cần mở rộng thời hạn và đối tượng được cơ cấu nợ, dãn, hoãn thời gian trả nợ này, để hỗ trợ cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế, tiêu dùng toàn cầu này.
Trong cơ cấu tín dụng hiện nay, đến cuối 2022, tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 20%. Do đó, các chuyên gia cho rằng, rất cần cơ cấu nợ cho cả nhóm khách hàng này bởi tiêu dùng cũng là 1 trong 3 động lực chính thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright Việt Nam cho biết: "Sức lan tỏa của nền kinh tế hiện nay, chúng ta cần một sức cầu để phục hồi nền kinh tế. Trong bối cảnh sức cầu nền kinh tế yếu đâu phải chỉ sản xuất của doanh nghiệp yếu mà sức cầu tiêu dùng cũng yếu. Mong muốn chính sách của chúng ta cơ cấu lại các khoản nợ nói chung, trong đó có tín dụng tiêu dùng".
Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng sẽ xem xét việc cơ cấu nợ theo phương pháp dòng tiền. Bởi trong nhiều trường hợp, do biến động kinh tế, nên cấu trúc nguồn thu nhập của doanh nghiệp có được và dòng tiền trả nợ có sự khác biệt để từ đó, hạn chế rủi ro nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước vẫn đang ghi nhận các góp ý về dự thảo Thông tư. Nhưng theo thống kê, trong đợt cơ cấu nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã có gần 1,1 triệu khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế là hơn 722 nghìn tỷ đồng. Vì thế, các doanh nghiệp cũng mong muốn thông tư này sớm được ban hành, để giúp thúc đẩy quá trình phục hồi sản xuất kinh doanh, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
VTV.vn - Dự thảo Thông tư quy định khách hàng được cơ cấu nợ nếu có khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo thời hạn trả nợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.26050535022403202-peihgn-hnaod-ohc-cus-peit-yxo-hnib-on-mohn-neyugn-uig-on-uac-oc/et-hnik/nv.vtv