Tập trung tín dụng vào bán lẻ, SME
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (HoSE: TCB) sáng 22/4, cổ đông ngân hàng đã thông qua kết quả kinh doanh năm 2022, kế hoạch kinh doanh 2023 và một số tờ trình quan trọng khác của HĐQT.
Tổng Giám đốc Jens Lottner cho biết, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 22.000 tỷ đồng năm 2023, giảm 14% so với năm trước.
“Ban lãnh đạo ngân hàng đã đưa ra nhiều kịch bản khác nhau về hoạt động kinh doanh trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn. Dù vậy, chiến lược của Techcombank sẽ không thay đổi, ngân hàng sẽ tiếp tục chiến lược dịch chuyển tín dụng sang mảng bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)”, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết.
Ông Lottner cũng cho rằng, hiện tại, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp SME không nhiều như các năm trước nhưng hy vọng vào nửa cuối năm nay, khi nền kinh tế khởi sắc, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của nhóm doanh nghiệp này sẽ tăng trở lại.
Chia sẻ về kế hoạch này, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, năm nay, HĐQT ngân hàng đặt ra kế hoạch với những phương án lợi nhuận từ 22.000 - 28.000 tỷ đồng và có thể thấp hơn.
"Tuy nhiên, chúng tôi đã lựa chọn phương án tương đối thận trọng nhất. Nếu thị trường phục hồi tôi tin rằng kết quả sẽ tốt hơn. Nhưng trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, vẫn cần có sự thận trọng", ông nói.
Về các chỉ tiêu kinh doanh khác, Techcombank đặt mục tiêu dư nợ tín dụng dự kiến đạt hơn 511.200 tỷ đồng, tăng 15% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép. Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế nhằm tối ưu hóa nguồn huy động. Tỉ lệ nợ xấu dự kiến thấp hơn 1,5%.
Giá trị của TCB sẽ tăng gấp 5, gấp 10 lần
Trong năm nay, Techcombank tiếp tục không có kế hoạch chia cổ tức, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Techcombank dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ trích 1.791 tỷ cho quỹ dự phòng tài chính và 38 tỷ đồng cho quỹ phúc lợi.
Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại có thể phân phối là gần 23.539 tỷ đồng. Ngân hàng đề xuất duy trì số tiền này dưới dạng lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Đây là năm thứ 12 liên tiếp ngân hàng không có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt. Lần trước đó vào năm 2018, ngân hàng đã thực hiện chia cổ tức với hình thức cổ phiếu, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu sẽ nhận thêm 2 cổ phiếu mới.
Trả lời lo ngại của cổ đông về việc không chia cổ tức, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết, việc thực hiện chia cổ tức còn phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư phát triển của ngân hàng. Với số vốn để lại, ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư để tạo ra giá trị cho cổ đông.
“Từ năm 2013, tôi đã từng nói về câu chuyện 10 năm không chia cổ tức bằng tiền mặt, và năm nay có thể là năm cuối cùng không chia cổ tức. Tôi chưa thể nói trước điều gì nhưng Techcombank đang xem xét các phương án”, ông Hùng Anh khẳng định.
Về định giá hiện tại của cổ phiếu TCB, theo Chủ tịch Hồ Hùng Anh, giá cổ phiếu hiện tại là một vấn đề đáng quan tâm, nhưng ông quan tâm hơn tới giá trị phát triển của tổ chức.
“Tôi tin rằng giá trị tương lai của TCB sẽ tăng gấp 5, gấp 10 lần hiện tại. Nếu đầu tư dài hạn, không có gì phải suy nghĩ. Còn nếu đầu tư ngắn hạn để trading không phải là sở trường của tôi”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.