Sáng 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã đưa ra những nhận định về xu hướng dòng vốn đầu tư trên thế giới và đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Chính sách thuế là rất quan trọng
Ông Gabor Fluit - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, Việt Nam cần phải có những bước đi táo bạo và quyết đoán hướng tới những cải cách mang tính đột phá để duy trì đà tăng trưởng.
Về thuế và phí, EuroCham đánh giá quyết định gia hạn nộp thuế và giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ phục hồi kinh doanh và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng.
"Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Ngoài ra, việc đơn giản hóa thủ tục hành chính và chính sách thuế là rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng thương mại trong khuôn khổ EVFTA", ông Gabor Fluit nói.
Theo hướng đó, EuroCham khuyến nghị Chính phủ không nên sử dụng thuế tiêu thụ đặc biệt như một công cụ để bù lại việc việc xóa bỏ thuế nhập khẩu. Chính phủ có thể xem xét áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp đối với rượu vang và rượu mạnh và không nên áp dụng sắc thuế này đối với các sản phẩm thiết yếu như sữa và thực phẩm bổ sung dinh dưỡng.
"Việt Nam cần xây dựng các chính sách ưu đãi phù hợp, cạnh tranh để thu hút đầu tư, đặc biệt là trước quy định thuế tối thiểu toàn cầu sắp được áp dụng. Cần miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho các sản phẩm công nghiệp thân thiện với môi trường, chẳng hạn như xe điện", Chủ tịch EuroCham đề xuất.
Cũng liên quan đến vấn đề về thuế, ông Nitin Kapoor - Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đến lợi ích của nhà đầu tư và môi trường kinh doanh tại Việt Nam.
"Từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để bảo đảm đầu tư, bù đắp lợi ích cho doanh nghiệp trong trường hợp ưu đãi thuế được giảm hoặc hủy bỏ do tác động của thuế tối thiểu toàn cầu", ông nói.
Ông Kim Sung Hun - Tổng Giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cũng đề xuất Chính phủ cần sớm đưa ra quyết định cũng như các biện pháp để đối phó với tình trạng xấu đi của môi trường đầu tư trong khi áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Đẩy nhanh hoàn thiện Quy hoạch điện VIII
Về vấn đề năng lượng, ông Michael Michalak - Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc điều hành khu vực ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) mong muốn Việt Nam đơn giản hóa và rút ngắn thời gian xem xét và phê duyệt các dự án điện.
Cần ưu tiên phê duyệt sớm những dự án đã hoàn thành các thủ tục cần thiết và sớm ban hành Quy hoạch điện VIII.
"Việt Nam đang thu hút được ngày càng nhiều nhà đầu tư chất lượng cao và nhiều trong số họ đã cam kết thực hiện lộ trình trung hòa carbon nên cần được tiếp cận năng lượng tái tạo sớm. Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt kế hoạch thí điểm thực hiện cơ chế bán điện trực tiếp từ nhà sản xuất điện đến hộ tiêu thụ công nghiệp", ông nói.
Ông Greg Testerman - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa kỳ tại Việt Nam (Amcham) cũng mong muốn Việt Nam sẽ thúc đẩy đầu tư vào điện gió, điện mặt trời ngoài khơi cũng như hệ thống pin lưu trữ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp thành viên của Amcham vẫn có những quan ngại về sự chưa ổn định trong chính sách về điện của Việt Nam và mong muốn Việt Nam đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch.
“Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam sẽ sớm thông qua Quy hoạch điện VIII, hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chờ đợi việc này”, ông Greg Testerman nói.