Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ bạo lực học đường nghiêm trọng, để lại tổn thương không chỉ về sức khỏe, tinh thần, thậm chí nguy hại đến tính mạng của trẻ.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, Giảng viên Khoa Xã hội & Nhân văn, trường Đại Học Văn Lang, bạo lực học đường hay bắt nạt học đường là một trong những vấn đề không mới. Mỗi thời điểm phương thức bắt nạt có thể khác nhau, nhưng đều mang lại những tổn thương, hậu quả đáng tiếc.
Nhiều người vẫn cho rằng bạo lực, bắt nạt là hành vi bạo hành, đánh đập và dấu hiệu nhận biết là những thương tích về mặt thể xác. Cách hiểu đó đúng nhưng chưa đủ, có những hình thức bắt nạt mà người ngoài nhìn vào khó nhận ra như bắt nạt bằng ngôn từ, bằng những hành động tẩy chay, bị phớt lờ trong tập thể...
Không ít phụ huynh vô tình bỏ qua kiểu bắt nạt này, và những đứa trẻ trong cuộc đã phải trải qua khoảng thời gian vô cùng khủng khiếp. Giả sử một đứa trẻ bị bạn bè nói xấu và không chơi cùng, nếu nhìn bằng con mắt người lớn thì “không cho chơi cùng thì thôi” nhưng với trẻ đó là một hình phạt rất ghê gớm. Nhiều trẻ không đủ bản lĩnh để có thể đơn độc vượt qua điều đó. Hay tình trạng bị bạn bè ném đá, nói xấu trên mạng, có thể điều đó với người lớn là chuyện “bé như cái kẹo” nhưng với con trẻ đó là sự tệ hại to lớn.
Đâu là dấu hiệu nhận biết một đứa trẻ đang bị bắt nạt?
Ngoài những vết thương về mặt thể lí dễ nhìn thấy, cha mẹ có thể quan sát những biểu hiện bất thường về hành vi, cảm xúc của con.
Về mặt hành vi, giả sử bình thường đứa trẻ rất hoạt bát, vui vẻ, nhưng bỗng nhiên một ngày trở nên trầm lặng, lo lắng và mất tập trung. Đừng bỏ qua điều này vì đây có thể là biểu hiện của việc trẻ đang gặp khó khăn nào đó.
Ngoài ra, nếu đứa trẻ luôn cố ý lảng tránh sự quan tâm của cha mẹ, trở nên cáu gắt thì cha mẹ cũng nên nghĩ đến việc trẻ đang bị ai đó bắt nạt. Dĩ nhiên nó không phải là chắc chắn mọi trường hợp đều là hậu quả của bắt nạt, nhưng có thể khẳng định rằng những biểu hiện này đều xuất phát từ việc trẻ đang có vấn đề khó khăn và cha mẹ cần lưu ý.
Trong quá trình làm việc với nhiều phụ huynh có con bị bạo hành, tôi nhận thấy nhiều người cảm thấy con cái có biểu hiện lạ như thay đổi tính nết nhưng họ nghĩ có thể con đang trong độ tuổi dậy thì, ương bướng nên những hành vi đó là bình thường, họ dễ dàng bỏ qua.
Nhiều trẻ khi bị bắt nạt thường mất ăn mất ngủ, lo lắng bồn chồn và tìm đến chất kích thích như rượu bia hoặc làm dụng thuốc ngủ. Hoặc trẻ thể hiện bằng hành vi chống đối như không muốn đến trường, cố tình đi học muộn để không phải ở một mình. Trẻ thường cảm thấy đau đầu, mệt mỏi để tránh tham gia hoạt động chung của trường, lớp...
Ngoài ra kết quả học tập cũng là một trong những kênh thông tin giúp cha mẹ nhận ra những bất thường của con. Nhiều trẻ sa sút học tập vì bị bắt nạt nhưng cha mẹ lại dễ dàng nhầm lẫn với việc trẻ ham chơi, mê game. Trong quá trình làm việc, tôi từng chứng kiến không ít trẻ được bố mẹ đưa đi hỗ trợ tâm lí vì thiếu tập trung, học kém nhưng nguyên nhân sâu xa lại là trẻ bị bắt nạt. Có thể trẻ bị yêu cầu “không được phép” học giỏi hơn một ai đó trong lớp hoặc cũng có trường hợp trẻ chủ động học kém đi “cho giống mọi người” để có bạn chơi cùng.
Nhìn chung, có thể trẻ không thoải mái chia sẻ về việc mình bị bắt nạt, nhưng đâu đó trẻ vẫn phát ra những tín hiệu ngầm để được hỗ trợ. Quan trọng là người lớn có đủ tinh tế và thời gian để nhận ra hay không.
Khi phát hiện con bị bắt nạt, cha mẹ và người lớn cần làm gì?
Điều đầu tiên là luôn bình tĩnh và tìm cách động viên con nói ra được vấn đề. Lắng nghe câu chuyện của con trẻ để có cái nhìn rõ hơn về nguyên nhân và diễn biến của sự việc.
Trong một số trường hợp, người lớn không giữ nỗi bình tĩnh lại khiến trẻ rơi vào tình huống thật khó xử và hậu quả nghiêm trọng hơn. Trẻ không còn tin tưởng vào khả năng xử lí của cha mẹ lại quyết định tự mình trải qua việc bị bắt nạt một mình.
Thứ hai, người lớn cần nhận định mức độ nghiêm trọng của vấn đề và khả năng hỗ trợ hợp lí của mình. Điều này có nghĩa, với những tình huống chưa nghiêm trọng, cha mẹ có thể dạy con những kỹ năng ứng phó với bắt nạt, cùng con tìm ra giải pháp phù hợp, khả thi với con và động viên con tự mình thực hiện giải pháp.
Nếu nhận định tình huống nghiêm trọng, người lớn đừng bao giờ ngồi yên và để trẻ tự giải quyết. Lúc này cha mẹ cần tham gia giúp con xử lí vấn đề.
Thứ ba, trong bất cứ tình huống nào, cha mẹ không nên dùng bạo lực với người đã bắt nạt con mình. Điều đó không giải quyết được cội rễ vấn đề mà càng khiến sự việc rắc rối. Hãy phối hợp với nhà trường, gia đình của đối phương và lực lượng chức năng nếu cảm thấy cần thiết. Nhưng hãy luôn theo sát con trẻ đến lúc mọi thứ thật sự ổn.
Nhiều vụ việc xảy ra không phải cha mẹ không nhận ra, cũng không phải cha mẹ không phối hợp để giải quyết mà chính là cha mẹ không kiên trì đến cùng, không dành thêm thời gian để đến khi trẻ thật sự ổn mà đã buông tay trẻ sớm.
Quan trọng nhất, cha mẹ hãy tạo cho trẻ một niềm tin. Luôn cho trẻ cảm giác cha mẹ sẽ có khả năng giúp mình vượt qua khó khăn. Niềm tin là thứ vô cùng quan trọng.
Đối với con trẻ, cha mẹ cần trang bị cho con thói quen chia sẻ, chia sẻ từ những điều nhỏ nhất mà con gặp hằng ngày. Hãy dạy cho trẻ biết lên tiếng nhờ hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Đành rằng chúng ta luôn dạy cho trẻ về sự tử tế, khoan dung và không dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, nhưng điều đó không có nghĩa là trẻ không bao giờ được chống trả. Trẻ có thể chống trả theo cách phù hợp nhất.
Tóm lại, cha mẹ hãy luôn đặt niềm tin ở con. Hãy luôn tin khó khăn của con là thật, luôn giúp đỡ, đồng hành bất kể khi nào con cần. Hãy cho bọn trẻ thấy rằng chúng không hề đơn độc trong hành trình lớn khôn. Bất cứ khi nào chúng cần, cha mẹ sẽ luôn ở cạnh.