Vấn đề sáp nhập ngân hàng được cổ đông quan tâm nhất và chất vấn suốt buổi họp cổ đông thường niên 2023 của MSB chiều 21/4. Một cổ đông muốn ban lãnh đạo giải thích rõ phương thức kinh doanh sau sáp nhập, liệu MSB chỉ giúp đỡ quản trị đơn vị này hay phải hạch toán chung khoản nợ xấu. Một cổ đông khác thì cho biết không có thông tin về ngân hàng sáp nhập để đánh giá phương án hiệu quả hay không.
Ông Nguyễn Hoàng An - Phó chủ tịch HĐQT MSB - nói việc sáp nhập cuối cùng vẫn phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước. "Chúng tôi không quyết, tôn trọng cổ đông nên đưa ra tờ trình", ông An nói.
Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh nhắc lại câu chuyện MSB đã có kinh nghiệm sáp nhập ngân hàng. Trước đó, trong tờ trình cổ đông, MSB cũng cho biết đã có kinh nghiệm từ năm 2015 khi nhận sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may, hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
"HĐQT, ban điều hành thận trọng khi đưa ra tờ trình sáp nhập. Nếu nhìn việc sáp nhập những năm vừa qua, MSB với kinh nghiệm quản trị, hoạt động không bị ảnh hưởng đến vấn đề xử lý nợ", ông Linh thông tin.
Vấn đề chia cổ tức cũng được quan tâm. Một cổ đông thắc mắc năm vừa rồi, MSB lãi trước thuế là 5.700 tỷ đồng, song không có kế hoạch trả cổ tức. "Tại sao hệ số CAR (hệ số an toàn vốn) ở mức khá cao 12,9% rồi mà lại không chia cổ tức để tăng lợi ích cho cổ đông", một cổ đông đặt câu hỏi.
Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh trả lời, phần lợi nhuận để lại, ngoài việc trích lập quỹ thì phần còn lại đều là tài sản của cổ đông. "Ngân hàng vừa tăng vốn lên 20.000 tỷ đồng, ban lãnh cũng kỳ vọng có thể bán FCCOM Credit với mức lợi nhuận cao, lúc đó sẽ chia cổ tức cho cổ đông với mức tốt hơn", ông Linh nói.
"Ngân hàng sẽ chia cổ tức nhưng thời điểm này đang cân nhắc tỷ lệ cho hấp dẫn. Tôi khẳng định lợi nhuận để lại thuộc quyền lợi và tài sản của cổ đông", ông Linh nhấn mạnh.
Lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ về kết quả kinh doanh quý I năm nay. Sau 3 tháng, ngân hàng đạt hơn 1.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 2% so với cùng kỳ. Tín dụng tăng 13,17% trong khi chỉ tiêu được giao đầu năm là 13,5%.
Cổ đông MSB cho rằng mức tăng trưởng tín dụng này là 13,17% là "khủng khiếp". Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Nguyễn Hoàng An, dù tỷ lệ cao nhất nhưng số dư nợ tuyệt đối không lớn so với các ngân hàng khác.
Chi tiết về mức tín dụng, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết cuối năm 2022 là 123.000 tỷ đồng. Do đó, quý I tín dụng chỉ tăng thêm hơn 10.000 tỷ đồng, lên 136.000 tỷ đồng.
"Cuối năm 2022, nhu cầu tăng trưởng tín dụng đã sẵn có, nên khi được cấp room ra thì ngân hàng đã giải ngân ngay. Danh mục tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát rất kỹ. Khi cấp hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng được cấp tăng trưởng cao thì phải tập trung cho vay lĩnh vực ưu tiên thì Ngân hàng Nhà nước mới xét tiếp nên không thể đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…", ông Linh nói.