Chiều 22/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính họp với Ngân hàng Nhà nước về sửa quy định trái phiếu và khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 16/2021 về tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo hướng cho phép ngân hàng mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quy định áp dụng từ 2021, ngân hàng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết sau 12 tháng từ khi trái phiếu này được bán và chỉ được mua lại chính loại tổ chức tín dụng đã bán trước đó. Còn dự kiến sửa mới đây của Ngân hàng Nhà nước là cho phép tổ chức tín dụng mua lại trái phiếu chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM mà ngân hàng bán ra trước ngày 31/12/2023.
Thủ tướng cũng lưu ý, các quy định sửa đổi cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng đầu tư, cho vay với trái phiếu, nhằm tăng nguồn cung, thanh khoản và phát triển thị trường an toàn, hiệu quả.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp trải qua giai đoạn tăng trưởng nóng trong hai năm 2020 và 2021 với khối lượng phát hành lần lượt gần 462.000 tỷ đồng và 658.000 tỷ đồng, theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Tuy nhiên, thị trường này chững lại sau các vụ bắt giữ liên quan đến vi phạm trong phát hành, dùng vốn sai quy định của một số doanh nghiệp bất động sản lớn giữa năm ngoái.
Trong khi đó, sức ép đáo hạn trái phiếu ngày càng tăng và số sẽ đáo hạn năm nay gần 273.000 tỷ đồng, theo ước tính của Công ty Chứng khoán VNDirect. Hàng loạt doanh nghiệp, nhất là nhóm bất động sản, đã thông báo vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc và lãi.
Trước tình hình này, Chính phủ, các cơ quan đã có loạt động thái gỡ vướng. Đầu tháng 4, Nghị định 08 sửa đổi về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành, giúp thị trường dần ấm trở lại sau gần nửa năm "đóng băng". Ba tháng đầu năm các doanh nghiệp đã huy động hơn 24.700 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Liên quan tới quy định cơ cấu lại nợ, hoãn giãn và không chuyển nhóm nợ, lãnh đạo Chính phủ đề nghị cơ quan quản lý cân nhắc mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian áp dụng. Chính sách tới đây cũng cần bổ sung công cụ kiểm tra, giám sát và tăng phân cấp để tăng trách nhiệm của các ngân hàng, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả.
Theo dự thảo đang lấy ý kiến của ngành ngân hàng, doanh nghiệp khó khăn dự kiến được lùi hạn trả nợ và không bị chuyển nhóm nợ tối đa 12 tháng.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng hạ lãi suất; sớm trình phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém, nhất là ngân hàng SCB.
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; cũng như hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để tháo gỡ vướng mắc hiện nay.
Anh Minh