vĐồng tin tức tài chính 365

Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 3: “Ngã ngửa” với doanh nghiệp và tài sản bảo lãnh trái phiếu

2023-04-23 06:02

Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An đã “xẻo” một phần Dự án Khu đô thị Việt Phát của mình ở Long An để thế chấp làm tài sản đảm bảo cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vạn Trường Phát tại TP.HCM phát hành 5 đợt trái phiếu thu về 10.000 tỷ đồng. Tới giờ này, các trái chủ lâm bi kịch, kêu cứu khắp nơi, bởi lãi không thấy đâu, doanh nghiệp phát hành cũng “bặt hơi”, trong khi tài sản đảm bảo có vấn đề.

Bài 3: “Ngã ngửa” với doanh nghiệp và tài sản bảo lãnh trái phiếu

Dự án này có hàng loạt sai phạm và là nguyên nhân dẫn tới chậm triển khai, lãng phí đất đai. Chủ đầu tư Dự án cũng “xẻo” miếng khác làm tài sản đảm bảo phát hành trái phiếu cho riêng mình, thu về 5.000 tỷ đồng và nợ trái chủ đầm đìa, rồi lại đem bán dự án cho người khác.

Giao đất không thẩm tra năng lực

Theo điều tra của chúng tôi, vào tháng 4/1998, UBND tỉnh Long An có quyết định giao hơn 1.800 ha đất tại xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa) cho Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Nuôi trồng nông, lâm, thủy sản Tân Thành để khai hoang sản xuất trồng mía.

Tới năm 2005, UBND tỉnh Long An đồng ý cho doanh nghiệp này chuyển toàn bộ khu đất sang đầu tư công nghiệp. Năm 2006, UBND tỉnh Long An có Văn bản số 52/UBND-NN đồng ý cho chuyển pháp nhân từ Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Nuôi trồng nông, lâm, thủy sản Tân Thành thành Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An (Tân Thành Long An) và làm thủ tục giao đất, cho thuê đất để doanh nghiệp sử dụng vào mục đích xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư, khu du lịch sinh thái.

Tháng 6/2019, UBND tỉnh Long An quyết định thanh tra toàn diện đối với Dự án Khu công nghiệp Việt Phát, diện tích hơn 1.200 ha trong tổng diện tích trên 1.800 ha.

Tới ngày 13/9/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Long An lúc bấy giờ là ông Trần Văn Cần đã ký Kết luận Thanh tra số 4929 /KL-UBND. Theo đó, cơ quan chức năng phát hiện hàng loạt sai phạm, đặc biệt, việc giao cho thuê đất khu công nghiệp phạm luật và là nguyên nhân chính dẫn tới chủ đầu tư thực hiện chậm dự án.

Năm 2022, Tân Thành Long An và Công ty cổ phần Star Zone nằm trong danh sách hơn 700 doanh nghiệp bị cơ quan điều tra phong tỏa tài sản do liên quan đến vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, trước đó, tháng 5/2021, Công ty cổ phần Star Zone đã đổi tên thành Vạn Trường Phát. Dù vậy, Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật của Vạn Trường Phát vẫn là Nguyễn Kiều Lệ.

Cụ thể, Tân Thành Long An làm hồ sơ xin điều chỉnh diện tích khu công nghiệp và cho hay đã ký hợp đồng nguyên tắc để liên doanh với 3 công ty có vốn đầu tư nước ngoài là China Merchants Holdings (Hongkong) Company Limited, Công ty Ranhill và Công ty Nexus Landmark (hoạt động tại Malaysia).

Ngày 29/8/2012, UBND tỉnh có Công văn số 3068/UBND-KT trình Thủ tướng Chính phủ xin điều chỉnh diện tích Khu công nghiệp Việt Phát từ 300 ha lên hơn 1.200 cho Tân Thành Long An triển khai, nhưng lại chỉ căn cứ từ nhu cầu của chủ đầu tư nêu trên, chứ không dựa vào hồ sơ thẩm định năng lực.

Trong khi đó, 300 ha khu công nghiệp được giao năm 2010 theo phê duyệt ban đầu vẫn chưa được triển khai đúng tiến độ.

Sau khi nâng diện tích lên hơn 1.200 ha, Dự án đã không được phân kỳ đầu tư thành nhiều giai đoạn như trong chỉ đạo tại nhiều văn bản của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan như Công văn số 463/TTg-KTN ngày 28/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ nêu “Quy hoạch theo phương án đầu tư phân kỳ hợp lý, phù hợp khả năng thu hút đầu tư, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất”; Văn bản số 1138/BKHĐT-QLKKT ngày 22/3/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu giai đoạn I là 608 ha…

Điều này đã kéo theo bất cập trong giao đất và quy hoạch chi tiết được duyệt không phù hợp, dẫn đến việc sử dụng đất sai mục đích. Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân dự án chậm tiến độ do không có khả năng triển khai đồng loạt theo quy hoạch.

Ngoài ra, trong hơn 1.800 ha, UBND tỉnh Long An còn giao hơn 4.717.738 m2 đất nông nghiệp cho Tân Thành Long An sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (trồng khoai mì), mặc dù chủ đầu tư không có dự án làm nông nghiệp, vi phạm Điều 31, Luật Đất đai.

Từ đó, Tân Thành Long An san lấp trái phép, khai thác hầm đất trên diện tích được giao.

Tính tới thời điểm trên, Tân Thành Long An vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai là hơn 23,7 tỷ đồng (tiền thuê đất), chưa kê khai nộp phí khai thác tài nguyên.

“Xẻo đất” phát hành 5.000 tỷ đồng tiền trái phiếu

Gần 1 tháng trước khi lập phiếu thế chấp quyền sử dụng đất hơn 177 ha làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu Vạn Trường Phát, ngày 20/5/2021, Tổng giám đốc Tân Thành Long An lúc bấy giờ là Phạm Nguyễn Bảo Trung đã cùng Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng SCB tại TP.HCM là ông Nguyễn Ánh Thép ký biên bản định giá 7.300 tỷ đồng khu đất gần 300 ha đất trong tổng hơn 1.800 ha của Dự án Khu công nghiệp Việt Phát.

Khu đất này được thế chấp cho SCB làm tài sản đảm bảo để Tân Thành Long An phát hành trái phiếu của riêng mình.

Tới tháng 7/2021, theo công bố kết quả, Tân Thành Long An đã phát hành xong lô trái phiếu mã TLACH2126001, tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng để huy động vốn cho dự án khu công nghiệp, dù vốn chủ sở hữu thời điểm đó chỉ có 1.913 tỷ đồng.

Lô trái phiếu 5.000 tỷ đồng của Tân Thành Long An do TVSI làm tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, đại lý thanh toán, đồng thời là đại diện người sở hữu trái phiếu. Tổ chức nhận tài sản đảm bảo và tổ chức quản lý tài khoản là SCB. Tổ chức tư vấn luật là Vina Legal. Đây cũng là các đơn vị thu xếp cho thương vụ phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu của Vạn Trường Phát.

Cũng như trái phiếu Vạn Trường Phát, trái phiếu Tân Thành Long An là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và được đảm bảo bằng tài sản và có lãi suất không thấp hơn 10%/năm, kỳ hạn 5 năm, lãi suất định kỳ 6 tháng/lần.

Và những “gương mặt” tư vấn, thẩm định, cầm cố tài sản, đại lý phát hành… cho trái phiếu Tân Thành Long An cũng… làm cho trái phiếu Vạn Trường Phát.

Nợ đầm đìa trái chủ

Không chỉ trái chủ Vạn Trường Phát, chúng tôi còn nhận được kêu cứu “rầm trời” từ trái chủ của Tân Thành Long An về việc không hề được nhận tiền lãi, về nguy cơ “bốc hơi” tiền đã bỏ ra.

Tìm hiểu của chúng tôi, dù chỉ phát hành một lần duy nhất trong năm 2021, nhưng Tân Thành Long An đã lọt vào Top 20 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn nhất theo báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021.

Hồi tháng 10/2022, liên quan vụ việc lô trái phiếu của Tập đoàn Đầu tư An Đông bị cơ quan công an điều tra, Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI - tổ chức tư vấn phát hành và đại lý phát hành, đại lý đăng ký và đại lý thanh toán, kiêm đại diện người sở hữu trái phiếu Tân Thành Long An) đã trao đổi với nhà đầu tư về các lô trái phiếu và phương án mua bán, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp.

Đại diện TVSI cho hay, đối với lô trái phiếu Tân Thành Long An, SCB vẫn đang thực hiện quản lý các tài sản đảm bảo theo quy định của hợp đồng đã ký với tổ chức phát hành và theo quy định của pháp luật. TVSI hỗ trợ nhà đầu tư thay đổi tài khoản nhận thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Tới tháng 2/2023, theo công bố của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Tân Thành Long An nằm trong danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, cùng với Vạn Trường Phát.

Cũng tháng 2/2023, Tân Thành Long An gửi đề xuất tới TVSI về phương án xử lý đối với trái phiếu của mình với 2 hình thức: cho hoán đổi gốc và lãi trái phiếu sang giá trị sản phẩm bất động sản của dự án, có thể áp dụng hình thức mua chung, hợp tác đầu tư sản phẩm của dự án trong trường hợp giá trị trái phiếu không đủ giá trị sản phẩm; đề nghị người sở hữu trái phiếu đồng ý giãn thời gian trả lãi tối thiểu 2 năm để Tân Thành Long An có thêm thời gian cơ cấu lại công nợ và triển khai kinh doanh bán hàng thu tiền và trả lãi.

Nhưng tới giờ này, trái chủ trái phiếu Tân Thành Long An vẫn đợi chờ trong hoang mang. Trong đó, nhiều người cũng sở hữu trái phiếu Vạn Trường Phát, nên thành “đau đơn, uất kép”.

Bán dự án cho nhà đầu tư khác

Theo điều tra của chúng tôi, lề mề triển khai dự án rồi “xẻo” 2 miếng đất thế chấp làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu của mình và của Vạn Thịnh Phát xong, sau đó, Tân Thành Long An bất ngờ chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư khác dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần.

Cụ thể, trước khi Bộ Công an bắt bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tháng 9/2022, Tân Thành Long An có thông báo cho TVSI về việc thay đổi cổ đông mới. Theo đó, doanh nghiệp này do bà V.T.K.K làm chủ, với sở hữu tới… 99,99% cổ phần. Khu công nghiệp Việt Phát cũng được đổi tên thành Khu công nghiệp Suntec.

Tình huống trên khiến trái chủ của 2 doanh nghiệp không biết “số phận” 2 mảnh đất được SCB định giá tổng cộng hơn 19.000 tỷ đồng làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 10.000 tỷ đồng của Vạn Trường Phát và trái phiếu 5.000 tỷ đồng của Tân Thành Long An sẽ được định đoạt ra sao?

(Còn tiếp)

Xem thêm: lmth.939913tsop-ueihp-iart-hnal-oab-nas-iat-av-peihgn-hnaod-iov-augn-agn-3-iab-tahp-gnourt-nav-uhc-iart-gnourt-mad/nv.naohkgnuhchnahnnit.www

Comments:0 | Tags:Tin nhanh chứng khoán

“Dặm trường trái chủ Vạn Trường Phát - Bài 3: “Ngã ngửa” với doanh nghiệp và tài sản bảo lãnh trái phiếu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools