* Tổng thống Brazil mâu thuẫn với châu Âu về vấn đề Ukraine. Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva đang tìm cách khôi phục quan hệ ngoại giao cho Brazil sau 4 năm bị cô lập dưới thời người tiền nhiệm cực hữu Jair Bolsonaro, nhưng đã bộc lộ căng thẳng với phương Tây về vấn đề Ukraine.
Ngày 22-4, ông Lula một lần nữa kêu gọi giải pháp đàm phán giữa Nga và Ukraine sau hơn một năm chiến sự. Tổng thống Brazil đã khiến Ukraine tức giận khi nói rằng Kiev phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến và Brazil không tham gia cùng các nước phương Tây trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Mátxcơva hoặc cung cấp đạn dược cho Kiev.
"Mặc dù chúng tôi lên án hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, nhưng chúng tôi ủng hộ giải pháp chính trị cho cuộc xung đột", ông Lula phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ở Lisbon. "Brazil không muốn tham gia vào cuộc chiến này. Brazil muốn kiến tạo hòa bình".
Trong khi đó, Tổng thống Bồ Đào Nha Sousa nói rằng đất nước của ông nghĩ khác. Trong khi ông Lula tin rằng con đường dẫn đến hòa bình là đàm phán, thì Bồ Đào Nha nghĩ rằng hòa bình nếu muốn khả thi thì Ukraine trước tiên phải có quyền đáp trả.
Bồ Đào Nha là thành viên sáng lập NATO và là một trong những nước châu Âu đầu tiên cung cấp xe tăng cho Kiev.
Tai nạn chết người
* Ô tô lao vào đám đông ở Pháp. 10 người bị thương và bốn người bị thương nặng sau khi một chiếc ô tô lao vào đám đông tại lễ hội thả diều quốc tế ở miền bắc nước Pháp, ngày 22-4.
Theo Hãng tin AFP, tài xế đã lớn tuổi và mất kiểm soát phương tiện trước khi đâm vào người đi bộ tại thị trấn ven biển Berck-sur-Mer.
Những người bị thương nặng nhất là 4 phụ nữ, trong đó có 2 người tuổi cao 75 tuổi và 82 tuổi.
Lễ hội thả diều được tổ chức hàng năm, kéo dài nhiều ngày, thu hút hàng trăm ngàn du khách từ khắp nơi trên thế giới.
* Cháy nhà hàng ở Tây Ban Nha. Hai người chết và 12 người bị thương trong vụ hỏa hoạn tại một nhà hàng ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, ngày 22-4.
Ngọn lửa bùng lên tại Burro Canaglia Bar & Bistro, một nhà hàng Ý ở khu phố trung tâm Salamanca.
Thị trưởng Madrid cho biết một trong hai người thiệt mạng là nhân viên nhà hàng, người còn lại là khách hàng.
Một nhân chứng nói với tờ El Pais rằng ngọn lửa bùng lên sau khi một người phục vụ nướng bánh pizza, ngọn lửa quá to đã đốt cháy trần và tường.
Làn sóng biểu tình, đình công
* Hàng chục ngàn người Israel tuần hành phản đối cải cách tư pháp. Đường phố thành phố Tel Aviv đông dân thứ hai Israel ngày 22-4 chật kín bởi sự hiện diện của hàng chục ngàn người phản đối cải cách tư pháp của chính phủ.
Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra hàng tuần, bất chấp Thủ tướng Benjamin Netanyahu ngày 27-3 tuyên bố "tạm dừng", nhằm đàm phán về cuộc cải cách đang gây chia rẽ đất nước.
Đề xuất cải cách bao gồm cắt giảm thẩm quyền của Tòa án Tối cao và trao cho các chính trị gia nhiều quyền hơn trong việc lựa chọn thẩm phán. Người dân coi đề xuất này là cuộc tấn công vào nền dân chủ, trong khi chính phủ lập luận thay đổi là cần thiết để tái cân bằng quyền lực giữa lập pháp và tư pháp.
* Hàng ngàn người biểu tình ở miền Nam nước Pháp nhằm phản đối xây đường cao tốc. Người biểu tình cho rằng việc xây cao tốc sẽ gây ô nhiễm, làm trái đất nóng lên và đe dọa đa dạng sinh học.
Cuộc biểu tình diễn ra ở vùng Tarn, ngày 22-4, thu hút khoảng 8.200 người, trong khi con số chính quyền công bố là 4.500 người.
Họ diễu hành dưới cơn mưa ngắt quãng dọc theo tuyến cao tốc đề xuất sẽ nối hai thành phố phía Nam là Toulouse và Castres. Họ mang theo nhiều tấm bảng kêu gọi "ít năng lượng hơn, ít ô tô hơn và ít cao tốc hơn".
Julien Bayou, một nhà lập pháp ủng hộ môi trường cho biết đường cao tốc dự kiến xây đã lỗi thời.
Nghị sĩ Sandrine Rousseau cho rằng dự án này có từ những năm 1990, khi con người chỉ có thể di chuyển bằng ô tô trên đường cao tốc.
Nhiều người cho rằng con đường cao tốc dài 53km sẽ dẫn đến mất đất canh tác và ảnh hưởng đa dạng sinh học.
Tháng trước, ở miền Nam cũng nổ ra biểu tình phản đối xây dựng cơ sở trữ nước, dẫn đến đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
* Chính phủ Đức đạt thỏa thuận tăng lương cho người lao động sau đình công. Bộ trưởng Nội vũ Đức Nancy Faeser cho biết người lao động đã đồng ý thỏa thuận tiền lương, chấm dứt việc đình công gây gián đoạn giao thông trên toàn quốc.
Trước đó, theo Đài DW của Đức, nhân viên tại 3 sân bay của nước này đã đình công kể từ ngày 20-4, khiến khoảng 700 chuyến bay bị hủy. Theo Hiệp hội Sân bay Đức (ADV), ít nhất 100.000 hành khách bị ảnh hưởng bởi sự kiện này.
Trong hơn 3 tháng rưỡi đầu năm 2023, hơn 900.000 hành khách đã buộc phải đổi lịch bay hoặc thậm chí hủy chuyến do các cuộc đình công mà Công đoàn Verdi tổ chức.
Ngoài đình công ở sân bay, Công đoàn vận tải và đường sắt Đức EVG cũng kêu gọi đình công trên toàn quốc ngày 21-4, ảnh hưởng đến khoảng 50 công ty, bao gồm Công ty điều hành đường sắt quốc gia Deutsche Bahn.
Khô hạn ở Tây Ban Nha
Mỹ khẳng định "nắm đấm thép" bảo vệ Hàn Quốc nếu bị tấn công hạt nhân; Giao tranh tái diễn ở Sudan; Nga đưa phóng viên Bulgaria vào danh sách đặc vụ nước ngoài... là những tin tức đáng chú ý ngày 22-4.
Xem thêm: mth.12155445032403202-eniarku-ev-ua-uahc-iov-nauht-uam-lizarb-4-32-ioig-eht-nit/nv.ertiout