Nỗi lo chất chồng hằn in trên gương mặt nhiều người dân ở vùng tái định cư của làng Chơch và làng Đắk Jông, xã Lơ Ku, H.Kbang (Gia Lai).
Khổ đủ đường
Nghe chúng tôi hỏi về cuộc sống của người dân vùng tái định cư thuộc dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, ông Đinh Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku, than: "Nhiều nhà còn khổ lắm. Đủ thứ khó khăn mà dân phải đối mặt khi chuyển đến vùng đất mới. Cứ đến tận nơi khắc biết!".
Khi thực hiện dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, một vùng đất người dân sinh sống quây quần bao đời bên dòng sông Ba ngày trước đã nằm trong vùng ngập. Đầu năm 2010, họ được bố trí lên vùng đất mới ở xã Lơ Ku. Mỗi nhà được cấp 1,6 ha đất canh tác, 0,17 ha lúa nước và nhà tái định cư rộng trung bình 50 m2. Tất cả người dân thuộc diện tái định cư của 2 làng Chơch và Đắk Jông (xã Lơ Ku) đều là người dân tộc Ba Na. Sau hơn 10 năm, cuộc sống nơi đây vẫn bộn bề khó khăn.
Chúng tôi đến 2 làng tái định cư Chơch và Đắk Jông vào chiều tối. Bởi giờ đó, người làng mới đi làm về. Quần quật trên nương rẫy là vậy song cái khổ, cái nghèo vẫn đeo đẳng họ. Chị Hoăn (40 tuổi, ở làng Chơch) kể: "Năm rồi mất mùa lúa. Trồng hơn 1,5 sào chỉ thu được 4 bao (50 kg/bao). Lúa 2 vụ nhưng đất xấu hơn nhiều so với ngày trước nên không đủ ăn, phải đi làm thuê để lấy tiền mua gạo. Ngày trước chỉ cần ra sông là có con cá, con tép ăn. Giờ đi xa làng cũ rồi, ăn chẳng đủ no, lo suốt thôi! Nhiều nhà khác cũng như nhà mình. Căn nhà họ đền bù, xây cho mình nay đã xuống cấp mà không có tiền sửa chữa. 3 đứa con của mình, đứa lớn thì đã lập gia đình, 2 đứa nhỏ đang học nhưng chắc phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền phụ với gia đình thôi!".
Gia đình anh Đinh Blây ở làng Chơch trước di dời có 4 ha đất, nay chỉ còn 1 ha và hơn 1 sào lúa nước. Anh Blây nói: "Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo. Mình làm mãi mà không hết khổ, cứ nợ. Sau khi thủy điện đền bù xong chỉ còn 20 triệu đồng. Mua sắm xe máy, mua thức ăn cho gia đình đã hết sạch tiền. Nay còn nợ tiền mua phân bón và ăn uống trong nhà 10 triệu đồng. Nhà vệ sinh bỏ không vì không có nước, không quen sử dụng. Mình đi làm thuê được 170.000 đồng/ngày để nuôi 2 con".
Dự án thủy điện An Khê - Ka Nak nằm trên sông Ba thuộc H.Kbang, TX.An Khê (Gia Lai) và H.Tây Sơn (Bình Định). Nhà máy có tổng công suất 173 MW, khởi công xây dựng từ tháng 11.2005 - 9.2010 thì chặn dòng để đưa vào vận hành thương mại. Dự án có tổng mức đầu tư 4.600 tỉ đồng. Tổng số hộ thực hiện tái định cư là 496 hộ với 2.382 nhân khẩu.
Ông Đinh Bới, Trưởng làng Đắk Jông, thông tin thêm: "Làng có 25 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Hiện làng có 12 hộ muốn tách hộ nhưng không có đất ở, sản xuất. Nhà mình có đứa con trai sắp cưới vợ, muốn cho con ra ở riêng nhưng khó có đất ở".
Theo ông Trương Nhật Linh, Phó chủ tịch UBND xã Lơ Ku, dù đã được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn gặp không ít khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Diện tích đất nông nghiệp cấp cho hộ dân không đủ để sản xuất. Nhu cầu tách hộ, lập hộ mới ngày càng nhiều dẫn đến thiếu đất. Hệ thống nước sinh hoạt bị hư hỏng, dẫn đến thiếu nước, đặc biệt về mùa khô.
Cần được "tiếp sức"
Báo cáo của UBND H.Kbang qua 7 năm (2014 - 2021) thực hiện chính sách di dân, tái định cư của dự án thủy điện An Khê - Ka Nak đã nêu rõ: "Quy hoạch tái định cư đất ở 400 m2/hộ (không có đất vườn) không phù hợp với khu dân cư nông thôn, đặc biệt là với cộng đồng người dân tộc Ba Na. Ngoài ra, quá trình quy hoạch không bố trí đất dự phòng nên khi các hộ muốn tách hộ thì không có đất để bố trí…".
Thực vậy, tận mắt thấy dãy nhà tái định cư san sát như… nhà phố mới thấy sự khó khăn trong tập quán sinh hoạt của người dân Ba Na bao đời nay đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Không ít gia đình đã không chọn ở nhà tái định cư. Họ cơi nới ra phía sau làm thêm một nhà sàn nhỏ để sinh hoạt, phù hợp với truyền thống.
Mặc dù những năm qua, chính quyền địa phương đã lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia cũng như của địa phương nhằm hỗ trợ đời sống, an sinh xã hội cùng các công trình dân sinh cho đến hộ gia đình nhưng sự đầu tư này cũng chưa thực sự giúp người dân thoát nghèo, có sinh kế vững bền với thu nhập ổn định.
Chủ tịch UBND xã Lơ Ku Đinh Xuân Dương cho biết thêm: "Tại 2 làng Chơch và Đắk Jông, trong số 30 ha diện tích lúa nước được cấp, có đến 1/3 diện tích đất ruộng cao, nước không tới, không đủ nước sản xuất. Hệ thống nước sinh hoạt hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Đến nay, chế độ hỗ trợ, ổn định đời sống, sản xuất sau tái định cư theo Quyết định 64 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ (chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện) cũng chưa có cho dân dù chúng tôi đã kiến nghị nhiều năm nay". (còn tiếp)
Tỷ lệ nghịch về giáo dục
Theo thống kê của UBND xã Lơ Ku, tổng cộng 2 làng Chơch và Đắk Jông có 173 hộ với 823 nhân khẩu. Số nhân khẩu đông là vậy và lực lượng thanh niên cũng không ít, nhưng kéo theo đó là tỷ lệ nghịch về giáo dục. Trong khi tỷ lệ học sinh đến trường của các bậc học từ mầm non đến THCS được duy trì trên 95% thì số thanh niên học cao hơn ở các bậc đại học, cao đẳng, trung tâm dạy nghề chỉ là…0%!
Đa số các em trong 2 làng chỉ học hết bậc THCS rồi nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình sản xuất nông nghiệp hoặc đi làm thuê. Lúc chúng tôi đến làng Chơch cũng là lúc nữ sinh De đang chuẩn bị cơm tối đơn sơ cho gia đình. De đang là học sinh lớp 12, học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên của H.Kbang. Mỗi ngày em phải đi về chừng 50 km. De đang là người có học nhất làng so với bạn cùng trang lứa.
Trong ngôi nhà của gia đình De chẳng có gì đáng giá. Căn nhà tái định cư được xây từ hơn 10 năm nay đã xuống cấp. Toàn bộ sinh hoạt của gia đình đều ở căn nhà sàn nhỏ được cơi nới dựng thêm ở phía sau.
De có đi học lên nữa không? Em bẽn lẽn: "Muốn chứ, nhưng không có tiền học thêm, lại bận giúp gia đình nên học không giỏi được. Với lại không có tiền nếu học lên cao nữa".